Trong đêm diễn ra phiên chợ “bán rủi, mua may” vào ngày 7 và rạng sáng 8/1 âm lịch (tức ngày 14,15/2), xung quanh chợ Viềng (Vụ Bản, tỉnh Nam Định), từ các dịch vụ ăn uống, xe ôm cho đến việc trông giữ xe đều xảy ra cảnh "chặt chém" khách không thương tiếc.
Trong đó phí gửi xe máy được phản ánh lên tới 20.000 - 30.000 đồng/lượt, ô tô với giá 350.000 - 500.000 đồng/lượt...
Ngay sau khi nhận được những thông tin chúng tôi cung cấp, ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khẳng định sẽ chỉ đạo ngay Chủ tịch UBND tỉnh cho kiểm tra, xử lý.
"Tôi sẽ chỉ đạo ngay Chủ tịch UBND tỉnh cho kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng trên để không còn diễn ra nữa", ông Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh khi tổ chức phiên chợ Viềng năm Bính Thân 2016 là đảm bảo an toàn giao thông, trật tự và nhất là giá cả các dịch vụ phải đảm bảo theo quy định.
"Chúng tôi đã yêu cầu ngoài đảm bảo an ninh trật tự thì giá cả các dịch vụ ở đây phải thực hiện đúng theo bảng giá được Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định quy định.
Còn những trường hợp chưa đúng, tôi sẽ chỉ đạo UBND tỉnh kiểm tra và chấn chỉnh ngay", ông Phong nói thêm.
Cũng trao đổi với chúng tôi, ông Khúc Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định cho hay, phiên chợ Viềng đầu xuân thực chất là "phiên chợ cầu may" và mọi hoạt động giống như một phiên chợ bình thường còn không phải là lễ hội.
Riêng về vấn đề giá cả các dịch vụ, ông Kiên cho hay, theo quy định của Luật thì trách nhiệm quản lý thuộc chính quyền địa phương chứ không phải của Sở.
Do đó, ngoài việc cho biết, Sở sẽ có ý kiến về vấn đề "chặt chém" giá dịch vụ, ông cũng đề nghị phóng viên liên hệ thêm với chính quyền địa phương để phối hợp giải quyết, xử lý.
Trước đó, theo thông tin của chúng tôi, để chuẩn bị cho phiên chợ Viềng, huyện Vụ Bản đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ tại các chốt làm tốt công tác ANTT, PCCC, đảm bảo ATGT.
Phòng VH-TT huyện quản lý các hoạt động dịch vụ văn hoá. Phòng Y tế, Phòng TN và MT, Trung tâm Y tế đẩy mạnh công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động phương án cấp cứu tại chỗ và cấp cứu cơ động...
Các xã Kim Thái, Trung Thành, Thị trấn Gôi đều thành lập Ban tổ chức, quản lý các hoạt động tại chợ Viềng Xuân; tổ chức lắp đặt biển báo giao thông và biển chỉ dẫn, quy hoạch các bãi gửi xe...
Tại huyện Nam Trực, Ban tổ chức đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội làm nhiệm vụ tại các chốt, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy chế lễ hội.
Khắc phục nạn hành khất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phản cảm, văn hoá phẩm ngoài luồng, hành vi trộm cắp, móc túi, cờ bạc...
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng "chặt chém" giá dịch vụ cũng như nạn hành khất vẫn diễn ra gây nhiều bức xúc cho du khách.