GS Nguyễn Văn Tuấn – Giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales (Úc). GS Tuấn tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học Macquarie (Úc) và là tiến sĩ thống kê, chuyên về dịch tễ học ở Đại học Sydney (Úc), tiến sĩ y khoa ở Đại học New South Wales (Úc), nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Basle, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz (Thụy Sĩ) và Bệnh viện St Thomas (Anh).
Năm 1997, ông tốt nghiệp tiến sĩ Y khoa nội tiết học và được bổ nhiệm làm Phó giáo sư Dịch tễ học trường Y thuộc Đại học Wright States (Mỹ). Năm 1998 ông được bổ nhiệm Phó giáo sư y khoa tại trường này. Năm 2009, ông Tuấn tiếp tục được bổ nhiệm giáo sư Đại học New South Wales (Úc) và hiện là giảng viên cao cấp tại trường này.
Trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo Trí Thức Trẻ về "Hiến kế ngăn chặn suy giảm y đức", GS Nguyễn Văn Tuấn đã trả lời nhiều câu hỏi của độc giả với những kiến giải sâu sắc và tâm huyết. Chúng tôi xin đăng lại những câu hỏi - trả lời trong buổi giao lưu.
GS Nguyễn Văn Tuấn.
- Thưa Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ông đã từng nói có một sự “sòng phẳng của lịch sử” trong đó công lý phải được tôn trọng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều y bác sỹ quá coi nhẹ tính mạng của con người. Chất độc dioxin có thể không còn được sử dụng ở Việt Nam nữa, nhưng những “mũi tiêm độc” thì vẫn còn, giết chết nhiều sinh mạng. Liệu sự vô tâm, bất cẩn của người làm ngành y có thể bị coi là một tội ác?
- Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ có nhiều khác biệt giữa câu chuyện dioxin (hay chất độc da cam) và những “tai nạn” y khoa trong thời gian gần đây. Chuyện dioxin xảy ra trong thời chiến và nó được sử dụng như là một phương tiện có chủ đích là khai quang. Còn các tai nạn y khoa xảy ra gần đây phần lớn là do chểnh mảng và kém ý thức, chứ không có chủ đích gây hại. Chẳng hạn như vụ tiêm vắc-xin dẫn đến tử vong cho hàng loạt trẻ em là một tai nạn lớn và rất nghiêm trọng, nhưng tôi nghĩ không một ai làm việc phòng chống bệnh cố ý gây tác hại đến cộng đồng cả.
Những bất cẩn, hay tôi gọi là “chểnh mảng”, rất đáng lên án, nhưng tôi không muốn nghĩ đến như là tội ác. Ở nơi tôi đang làm việc, chểnh mảng trong công việc để gây thương tật hay tử vong cho người khác được xem là một tội hình sự. Luật pháp về an toàn ở Úc rất nghiêm ngặt. Mỗi tuần chúng tôi đều có nhiệm vụ kiểm tra và cảnh giác những người công tác trong viện về an toàn; nếu người dưới quyền tôi để cho tai nạn nghiêm trọng xảy ra, thì tôi là người bị mất chức đầu tiên, và sau đó là viện trưởng chứ không phải là người cộng sự của tôi. Tôi có cảm giác là ở Việt Nam người ta chưa có những qui trình về an toàn trong viện, hay có thì cũng chẳng ai quan tâm. Ngay cả việc kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện là điều hết sức cơ bản mà hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam đều chưa đạt chuẩn mực. Do đó, tai nạn có thể xảy ra đây đó là một điều không khó hiểu; khó hiểu chăng là những tai nạn này xảy ra hết năm này đến năm khác.
- Thưa Giáo sư, tôi không biết ở Úc thì ra sao, nhưng ở Việt Nam thì thời gian đào tạo sinh viên y khoa dài hơn các ngành học khác. Có ý kiến cho rằng, do thời gian đào tạo dài và tốn kém nên sinh viên sau khi ra trường đã cố gắng tìm mọi cách để "thu hồi vốn", bất chấp y đức... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Thời gian đào tạo bác sĩ ở đâu cũng tương đương nhau. Nếu tuyển thẳng từ trung học thì thời gian là 5-6 năm; nếu tuyển từ những người đã có bằng cử nhân thì thời gian là 4 năm. Tuy nhiên, thời gian đào tạo bác sĩ chuyên khoa ở Việt Nam thì ngắn so với nước ngoài. Thật ra, hệ thống đào tạo bác sĩ chuyên khoa ở Việt Nam cũng rất khác với các nước trong vùng Đông Nam Á và trên thế giới. Chương trình học cũng khác. Sinh viên y khoa nước ngoài không học các môn học về chính trị và triết, thay vào đó họ học về khoa học xã hội và y đức.
Tôi không thấy bằng chứng gì về tương quan giữa thời gian đào tạo và y đức. Bác sĩ ở các nước như Úc và Mĩ trước khi hành nghề phải qua đào tạo ít nhất 9 năm, và tốn khá nhiều tiền, nhưng họ không có “tai tiếng” về đạo đức như đồng nghiệp bên Việt Nam. Y đức bao gồm những qui ước và nguyên tắc về quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Y đức có khi thay đổi đôi chút tùy theo văn hóa điạ phương và thời gian, nhưng bản chất và nguyên lí thì vẫn không thay đổi: không làm hại bệnh nhân. Do đó, tôi nghĩ thời gian đào tạo và y đức là hai khía cạnh rất khác nhau.
- Ở các nước phát triển, thu nhập của các bác sĩ là tương đối cao, và đó là thu nhập hoàn toàn minh bạch. Còn ở Việt Nam, thu nhập được coi là minh bạch của bác sĩ (như tiền lương) lại khá thấp. Giáo sư có cho rằng đồng tiền là yếu tố quyết định sự tồn vong của y đức? Và bác sĩ phương Tây dễ “giữ mình” hơn vì họ được trả lương cao hơn?
- Nếu tính bằng đơn vị tiền tệ tuyệt đối (như USD chẳng hạn) thì thu nhập của bác sĩ ở nước ngoài tương đối rộng rãi (chứ không phải cao như nhiều người nghĩ) so với đồng nghiệp ở Việt Nam. Nhưng nếu tính tương đối và điều chỉnh cho chi phí và điều kiện kinh tế địa phương thì tôi nghĩ sự khác biệt giữa hai nhóm không cao như nhiều người tưởng.
Nhiều người than phiền rằng lương bác sĩ Việt Nam quá thấp, và tôi cũng thấy như thế. Thật ra, tôi có lần nói rằng chưa có nơi nào trên thế giới có những qui định về đồng lương cho bác sĩ kì quặc như ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy ở các thành phố lớn, bác sĩ ở Việt Nam giàu hơn bác sĩ nước ngoài, và đó là một thực tế. Có thể ghé qua những bệnh viện như Bạch Mai, chúng ta sẽ thấy bác sĩ ở đó giàu như thế nào, và họ cũng thường hay đi nước ngoài. Do đó, trong thực tế một bộ phận bác sĩ ở Việt Nam không hề nghèo như nhiều người than phiền.
Theo tôi thấy thu nhập thấp có thể làm cho người thầy thuốc nhắm mắt làm lơ các qui chuẩn về y đức, nhưng đồng tiền chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất chi phối đến y đức. Tôi biết nhiều bác sĩ ở Việt Nam tuy thu nhập không cao và cũng chẳng có xe hơi, nhưng họ không hề làm gì đi ngược lại lời thề Hippocrate và vi phạm y đức. Vẫn còn nhiều người thầy thuốc “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Do đó, tôi nghĩ không phải chỉ đồng tiền, mà là cái tâm nó chi phối đến y đức.
- Thưa Giáo sư, tôi đọc những bài viết của Giáo sư, thấy nhiều bài rất hay nói về các chức danh trong khoa học. Ở Việt Nam hiện nay, nói riêng trong ngành y thì hình như cứ làm lãnh đạo là đều có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sỹ gì đó… Theo ông, đó có phải là một sự lãng phí không (lãng phí về tay nghề chuyên môn, về chức danh, hay lãng phí vị trí lãnh đạo đó…)? Tiêu chuẩn để lựa chọn lãnh đạo trong ngành y ở Úc là gì, thưa ông?
- Ở Việt Nam có một xu hướng thú vị là người ta đặt ra những tiêu chuẩn về học vị và học hàm cho những chức danh hành chính và quản lí. Do đó, hệ quả là nhiều bác sĩ phải đi học để có những văn bằng như tiến sĩ, và phấn đấu để có học hàm như giáo sư, phó giáo sư. Văn bằng tiến sĩ và các chức danh học thuật đó chủ yếu là thuộc về lĩnh vực học thuật và nghiên cứu khoa học. Thế nhưng ở Việt Nam, văn bằng tiến sĩ và học hàm đó là cứu cánh nhưng cũng là phương tiện để họ tiến vào những vị trí quản lí hay nói nôm na là “làm quan”. Xu hướng làm quan này làm phí nhân lực cho nghiên cứu khoa học. Hệ quả là Việt Nam có rất ít công trình nghiên cứu y khoa trên các tập san y khoa quốc tế. Ngay cả số công trình trên các tập san quốc tế thì phần lớn (gần 90%) là do ngoại lực chứ không phải nội lực. Việt Nam có nhiều giáo sư, tiến sĩ trong ngành y, nhưng đóng góp cho khoa học thì còn rất khiêm tốn.
Ở Úc, tiêu chuẩn lãnh đạo còn tuỳ thuộc vào uy danh của trường hay bệnh viện. Tôi có thể nói ở viện tôi (Viện Y khoa Garvan) thì tiêu chuẩn tuyển lãnh đạo khá rõ ràng: đó là người có viễn kiến (vision) và chiến lược để thực hiện viễn kiến đó; phải chứng minh được có khả năng lãnh đạo và quản lí; phải có một thành tích nghiên cứu xuất sắc đứng vào hạng 1% trong chuyên ngành trên bình diện thế giới. Đó là những tiêu chuẩn về chiến lược, kĩ năng lãnh đạo, và thành tích khoa học. Nhưng tôi nghĩ rất khó so sánh hay áp dụng tiêu chuẩn của các nước phương Tây cho Việt Nam vì những khác biệt về văn hoá, thể chế, và môi trường học thuật.
- Theo ông, những “căn bệnh” nguy hiểm nhất của y tế Việt Nam hiện nay là gì? Cội rễ của những căn bệnh này là do đâu? Có “thuốc” nào chữa trị dứt điểm được không?
- Tôi phải nói trước rằng tôi không làm việc trong nước nên chỉ có thể nói theo cái nhìn của người ngoài cuộc, và có thể cái nhìn đó không chính xác, thậm chí sai. Theo tôi, ngành y tế ở trong nước có những vấn đề nổi cộm: quá tải, chi phí điều trị cao so với thu nhập và đạo đức nghề nghiệp. Tình trạng quá tải đã xảy ra khá lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục. Chi phí điều trị ở Việt Nam tuy còn thấp nếu tính bằng đôla, nhưng không thấp đối với người nghèo. Giá thuốc ở Việt Nam có thể nói là khá cao so với nước ngoài. Tôi đã từng biết có người tự tử chết vì cái toa thuốc chưa đến 1 triệu đồng. Còn vấn đề y đức thì đã quá phổ biến đến nổi mở bất cứ tờ báo nào, theo dõi bất cứ diễn đàn nào, chúng ta cũng đều thấy đề cập đến vấn đề đạo đức trong ngành y.
Hệ quả là ngành y đánh mất sự tin tưởng ở một bộ phận lớn công chúng. Những người có điều kiện tài chính đều chọn điều trị ở nước ngoài. Ngay cả một số quan chức cao cấp cũng được điều trị ở bệnh viện nước ngoài. Câu hỏi “do đâu” là một câu hỏi đắt giá, và khó có thể nói đầy đủ trong một bài viết. Tôi nghĩ “trái tim” của bất cứ vấn đề gì là con người. Khi nói “con người” tôi muốn nói đến hai khía cạnh: chuyên môn và phẩm chất. Có thể nói rằng sự phát triển ngành y và đào tạo trong ngành y không/chưa theo kịp sự gia tăng về nhu cầu sức khỏe.
Một yếu tố tôi nghĩ đến là năng lực quản lí. Rất dễ dàng thấy mỗi khi có “sự cố” xảy ra, thì các quan chức thường hành xử bằng thanh tra và … chỉ thị. Chỉ thị qua công văn trên giấy tờ. Cấp trên cho rằng đã chỉ thị cấp dưới, và cấp dưới lại chỉ thị cho cấp thấp hơn, v.v. cuối cùng thì người thực tế làm ít mà người chỉ thị thì khá nhiều. Hình như người ta cho rằng đã ra chỉ thị hay đã ra nghị định gì đó là xong phần việc của họ, còn thực hành hay không là chuyện khác. Đó là một mô hình, một loại tư duy quản lí rất lạ lùng.
Còn tiếp...