GS Thi khẳng định người viết đã nhầm vụ "không cần SV giỏi sử"

Hoàng Đan |

Theo GS Đào Trọng Thi, ông nói không cần học sinh giỏi Lịch sử chứ không phải sinh viên và chúng ta cần những người có lòng yêu nước, trách nhiệm, hiểu được truyền thống dân tộc.

Lịch sử không phải mục tiêu của giáo dục

Liên quan đến đề án tích hợp môn Lịch sử, GS Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, mục đích của giáo dục không phải giữ các môn học. Không có môn học nào là “bắt buộc phải tồn tại cả”. 

"Chúng ta cần phẩm chất năng lực, để có phẩm chất, kỹ năng phải có kiến thức và cách thức vận dụng kiến thức đó. Chúng ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau tích hợp, liên môn.

Cái nào đạt được mục đích giáo dục thì chúng ta làm. Nếu dạy độc lập không đạt hiệu quả thì môn học tồn tại độc lập không để làm gì.

Chúng ta không cần chứng minh rằng chúng tôi giữ được môn Lịch sử và môn Lịch sử của chúng ta thật hoành tráng.

Chúng ta không cần sinh viên chúng ta giỏi Lịch sử, mà cần những con người có lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, hiểu được truyền thống dân tộc”, GS Đào Trọng Thi nêu.

Quan điểm này của GS Đào Trọng Thi, sau đó đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội sáng 25/11, Giáo sư Đào Trọng Thi cho hay, ý kiến trên của ông không nói đến sinh viên mà ở đây là học sinh. Tuy nhiên, người viết đã viết nhầm.

"Ở đây, tôi nói là học sinh chứ không phải là sinh viên vì đây là bậc học phổ thông. Chúng ta không cần sinh viên của mình làu thông sử mà cần những con người có lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, hiểu được truyền thống dân tộc.

Mục đích của mình là giáo dục phẩm chất, năng lực của người học và điều này không phải kiến thức Lịch sử. Mà phẩm chất, năng lực là lòng yêu nước. Mình phải giáo dục lòng yêu nước thông qua môn Lịch sử.

Kiến thức, kỹ năng của môn Lịch sử lại có thể được chuyển tải bằng nhiều hình thức khác nhau là dạy tích hợp hay là hình thức dạy độc lập...", GS Thi nói.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo GS Thi, nếu nhóm kiến thức đó quan trọng thì phải bắt buộc, đặc biệt là lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, nó có vai trò rất lớn để  giáo dục lòng yêu nước bảo vệ duy trì sự tồn vong của một quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sử dụng hình thức nào để dạy, truyền thụ được kiến thức lịch sử cho học sinh để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc, giáo dục tinh thần trách nhiệm trước tổ quốc xã hội.

Ông Thi cho rằng, môn Lịch sử không phải là mục đích mà chỉ là công cụ, phương tiện để giáo dục những điều đó.

“Nếu kiến thức lịch sử có thể kết hợp với kiến thức văn học để giáo dục lịch sử văn hóa, kết hợp với Địa lý để có lịch sử địa lý, lãnh thổ quốc gia hoặc kết hợp với an ninh quốc phòng để có những bài học về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, các bài học về quân sự.

Nếu kiến thức lịch sử kết hợp với kiến thức của các môn học khác để hình thành một kiến thức tổng hợp, thành kỹ năng, nhận thức, phẩm chất để con người sử dụng nó giải quyết các vấn đề của công việc, cuộc sống.

Và đạt được mục tiêu là giáo dục được lòng yêu nước thì chúng ta đã đạt được mục tiêu cao nhất.

Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, môn Lịch sử không phải mục tiêu của giáo dục, kể cả môn Lịch sử có còn hay không, đó cũng không phải là mục tiêu của nền giáo dục”, ông Thi nhấn mạnh.

Không tích hợp mù quáng

GS Thi cũng cho rằng, nếu ai đó lo ngại rằng nếu môn Lịch sử không tồn tại độc lập học sinh sẽ coi nhẹ, không học và như vậy lịch sử dân tộc sẽ bị xóa sổ lãng quên thì hãy chứng minh.

Khi đưa ra nhận định phải có lập luận, cơ sở thực tế để chứng minh môn Lịch sử phải tồn tại độc lập thì mới giáo dục được lòng yêu nước và truyền thống dân tộc.

“Các nhà khoa học phải chứng minh bằng khoa học, chứ không thể áp đặt bằng định kiến. Nói thế thì nó không còn là khoa học và nó không xứng để mang ra bàn giữa một cộng đồng khoa học”, ông Thi nêu quan điểm.

Tuy nhiên, đối với “yếu tố mới” khiến nhiều chuyên gia sử học và nhà giáo băn khoăn, ông Thi cho rằng, khi làm chương trình mới, sách giáo khoa mới… phải có thực nghiệm, thí điểm và qua quá trình làm trong thực tế chứng minh làm tích hợp tốt hơn.

“Tôi thực nghiệm là tiến hành tích hợp, độc lập song song và kết quả cho thấy tích hợp tốt hơn. Đó chính là cơ sở, lý lẽ khoa học. Đấy là cách làm việc trong lĩnh vực khoa học, chứ không phải phủ đầu, áp đặt và định kiến ngay lập tức.

Đương nhiên, họ có quyền nghi ngờ và những người muốn đổi mới, thay đổi phải tìm mọi lý lẽ, kinh nghiệm từ nước ngoài và kết quả đã thực nghiệm trên thực tế làm cơ sở chứng minh để thuyết phục họ.

Tích hợp rõ ràng là một phương pháp mới, anh phải thí điểm thực nghiệm trên thực tế”, ông Thi cho hay.

GS. Đào Trọng Thi cũng thông tin, Quốc hội đã ra nghị quyết xác định sẽ tăng cường dạy tích hợp, nhưng không có nghĩa là dạy tích hợp một cách mù quáng.

“Cả thế giới đã chứng minh dạy tích hợp là một phương pháp tiên tiến, nhưng người ta cũng không nói cái gì cũng có thể tích hợp và tích hợp bất cứ lúc nào…

Phải lựa chọn những nội dung nào có thể tích hợp. Mục đích nào thì tích hợp môn học và mục đích nào thì phải độc lập, riêng rẽ. Có những kiến thức rất chuyên sâu thì không thể tích hợp. Có những môn học, mảng kiến thức không thể tích hợp.

Tóm lại quan điểm của tôi là tích hợp hay độc lập chỉ là phương tiện để đạt mục đích giáo dục. Là hình thức để đạt được nội dung. Do đó, phương pháp nào hiệu quả, phù hợp thì chúng ta lựa chọn...", GS Thi nhấn mạnh thêm.

 

giáo sư phan huy lê
 
Môn Lịch sử là một môn khoa học nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, giữ vai trò cơ sở trong bồi dưỡng kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc, giáo dục phẩm chất và bản lĩnh con người. Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới đều coi môn Lịch sử là môn học cơ bản và bắt buộc trong suốt quá trình giáo dục phổ thông, dĩ nhiên với thiết kế khác nhau ở các cấp học và cũng có tính đa dạng giữa các quốc gia. Có thể nói một cách tổng quát rằng, có lịch sử, có văn hóa là có sự trường tồn của dân tộc, tạo nên nội lực để vượt qua mọi thách thức, mất lịch sử và văn hóa là có nguy cơ suy yếu và bại vong trước các mối đe dọa của ngoại bang. Tôi kịch liệt phản đối việc xóa bỏ môn Lịch sử, kể cả việc cắt xén từng bộ phận và lồng ghép tùy tiện vào các môn học khác từ cấp trung học cơ sở...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại