Giáo sư Phạm Gia Khải – người gắn bó với ngành y Việt Nam 60 năm. Ông là cánh chim đầu đàn của chuyên ngành can thiệp tim mạch tại Việt Nam.
Ông cho biết, khi nghe tin trường Đại học Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội được phép đào tạo ngành y, ông choáng váng và cảm thấy có chút bị xúc phạm.
Nhưng sau đó suy nghĩ kỹ, ông thấy điều đó bình thường vì ở nước ta không có gì không thể xảy ra. Tuy đã được sự cho phép của hai bộ nhưng theo Giáo sư Phạm Gia Khải việc này rất đáng lo.
Giáo sư Khải phân tích: "Thứ nhất là đầu vào của sinh viên. Theo Giáo sư của Trần Phương – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ và Kinh doanh, đầu vào không quan trọng là không đúng.
Đầu vào rất quan trọng! Nếu 20 điểm cũng đỗ được trường đại học Y thì không công bằng, nhiều người sẽ đổ xô vào trường này.
Vấn đề quan trọng nhất là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có đủ khả năng đào tạo trình độ Đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa và Dược học hay không?
Trước đó có một vài trường Đại học công lập, khi tuyển sinh dạy Đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa đã không có đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên, câu chuyện dùng dằng mãi, cuối cùng cùng cũng có kết thúc, nhưng chất lượng đào tạo vẫn là dấu hỏi lớn mà câu trả lời còn rất mù mờ.
TS Võ Xuân Sơn - Giám đốc Trung tâm y khoa EXSON, TP.HCM
Thứ hai: Khi đầu vào thấp, đã có học trò rồi, đội ngũ thầy giáo đã đủ chưa và chất lượng thầy như thế nào. Chất lượng của thầy ra làm sao ai cũng biết, tôi không bình luận vì thực ra tôi biết những người sẽ tham gia giảng dạy ở đó.
Thứ ba: Bệnh viện thực tập đó có đủ tiêu chuẩn theo dõi bệnh nhân cho học sinh thực tập. Sau này ra trường bác sĩ trẻ sẽ chữa ở đâu. Nếu người nhà của tôi, tôi không cho bác sĩ như thế điều trị. Còn nếu giao lưu với những người nước ngoài trong khu vực đâu có dễ”.
Giáo sư Khải cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến đồng ý vì thiếu bác sĩ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng ông nhấn mạnh “Thiếu nhưng không phải cứ thiếu là nhét vào vì việc khám chữa bệnh đâu phải dễ dàng gì?
Cái gì cũng phải có thời gian của nó. Tôi nghĩ phải rất cẩn trọng và cần nhiều thời gian nữa chứ không phải thích đào tạo là đào tạo”.
Về việc đào tạo sinh viên trong quá trình học tập, Giáo sư Khải phân tích, khi đã học là phải thi, phải khám bệnh, hỏi bệnh và hỏi lý thuyết liên quan đến bệnh đó.
Liệu 4 bệnh viện trường liên kết có thể giúp các em đáp ứng đủ điều kiện trên?
Sinh viên đại học Y Hà Nội không thực tập ở bệnh viện ấy vì nhiều lý do, vì điều kiện cơ sở vật chất. Các bệnh viện trường đại học Kinh doanh và Công nghệ đề ra, GS Khải thấy không đủ tiêu chuẩn để thực tập cho sinh viên các trường đại học Y Hà Nội.
"Tôi từng gặp nhiều trường hợp đào tạo thiếu thốn, đến khi các em không biết gì. Tôi đã hỏi các cháu y tá học ở mấy trường nhỏ và các cháu không biết đến máy điện tâm đồ! Như thế phí cho các cháu.
Tôi có người quen làm trưởng khoa Y của trường ĐH Tổng hợp TP.HCM nhưng sinh viên trường đó cũng không có bệnh viện để thực tập.
Tôi phải nhấn mạnh không phải có bệnh nhân là có thể học được vì phải biết đọc xét nghiệm, quy trình, nhất là giáo viên không có sự chuẩn bị từ trước. Giáo viên phải cập nhật với kiến thức liên tục với thế giới vì khoa học nó phát triển, nó khác với ngày xưa.
Dược sĩ phải nhận biết được cây cỏ, và nếu không nhận biết thường xuyên vẫn quên. Còn bác sĩ phải làm lâm sàng, làm lâu năm mới có kinh nghiệm. Còn nếu dạy trên sách vở, khó lắm" - GS Khải chia sẻ.
Giáo sư Khải cho biết ông đi rất nhiều địa phương có nhiều trường đào tạo y khoa nhưng rồi bỏ không vì không có người dạy, không có nhân lực:M"ặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã đồng ý nhưng tôi vẫn lên tiếng vì một tương lai của ngành y sắp tới".
Trao đổi với báo Infonet, Giáo sư Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y Bạch Mai cho biết, ông đồng ý với việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo bác sĩ nhưng với điều kiện phải chuẩn bị đầy đủ cho quy trình đào tạo cả về nhân lực và vật lực.
Giáo sư Quỵ cho biết nếu chưa chuẩn bị đầy đủ thì không nên. Bởi đào tạo y khoa cần phải đáp ứng đủ điều kiện cần và có của nó.