Liên quan đến việc, thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội lớn, không ít thành viên đã lập ra các topic nhằm trắng trợn bày ra các mưu kế để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, khiến dư luận hết sức bức xúc.
Trao đổi với PV, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
“Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người dân. Thanh niên trong độ tuổi pháp luật quy định có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự để xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc.
Giữa lúc toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang đứng trước thử thách nghiêm trọng thì thanh niên càng phải có ý thức tham gia bảo vệ Tổ quốc một cách tự nguyện và nghiêm túc hơn. Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hèn nhát và là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong tình hình này, việc một số người phổ biến trên mạng internet những chiêu kế để thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi vừa phi đạo lý lại vừa vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc tìm hiểu, điều tra rõ ràng những đối tượng có hành vi này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng cần làm rõ đằng sau việc này có bàn tay của những kẻ đang lăm le chiếm đoạt lãnh thổ nước ta không”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Cũng theo GS Thuyết: "Thực tế, hiện nay đang có hiện tượng rất đáng suy nghĩ. Trong khi nhiều bạn trẻ thể hiện thái độ căm phẫn những kẻ ngang ngược, xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ nước ta thì một số lại tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự . Đó là điều không thể chấp nhận được.
Tôi cho rằng, chính bản thân các bạn thanh niên phải phê phán việc này. Nếu ai đó lời nói mà không đi đôi với việc làm thì càng đáng phê phán”.
Phân tích sự xuống cấp về lối sống, đạo đức dẫn đến nhiều hành vi sai trái của một bộ phận thanh niên trong thời gian qua mà trốn nghĩa vụ quân sự là một biểu hiện, Giáo sư Thuyết cho rằng một nguyên nhân quan trọng là khá nhiều thanh niên đang bị mất phương hướng. Điều này có nguồn gốc sâu xa của nó.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc truy tìm và xử lý nghiêm những kẻ có hành vi bày kế cho thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
“Trong lúc đấu tranh với tàn dư của xã hội thực dân - phong kiến để xây dựng xã hội mới, có những việc chúng ta làm được nhưng cũng có không ít việc chúng ta làm một cách ấu trĩ nên đã làm rạn nứt các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ gia đình, làng xóm.
Vào những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta chưa thấy hết tai hại của cách làm ấu trĩ này. Trong hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt của chiến tranh, tuyệt đại đa số thanh niên vẫn có nền tảng lý tưởng rất rõ ràng.
Tuy nhiên, một vài chục năm gần đây, thực tế đã có nhiều thay đổi, những nền tảng về lý tưởng bắt đầu bị thử thách. Đáng tiếc là công tác tư tưởng, công tác thanh niên chưa có giải pháp thích ứng với tình hình mới.
Những lý thuyết khô cứng vẫn được dùng để để giáo dục thanh niên. Bề ngoài, thanh niên có thể nghe, có thể nói theo ý lãnh đạo muốn, nhưng suy nghĩ, hành động của họ lại không hoàn toàn như vậy. Có những người rẽ hẳn sang ngả khác. Có những người buông trôi.
Số khá đông thì mất phương hướng. Và chính tình trạng này đã dẫn tới những hành vi tiêu cực hoặc hư hỏng, suy đồi của một bộ phận thanh niên trong thời gian qua.
Đây là một vấn đề xã hội rất bức thiết, cần sự vào cuộc tổng lực của toàn xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên. Nhưng sự vào cuộc đó phải là thực chất bằng các hành động, việc làm cụ thể chứ không phải chỉ hô hào, tuyên truyền theo kiểu hình thức”, Giáo sư Thuyết chia sẻ.
Tuy vậy, Giáo sư Thuyết vẫn bày tỏ niềm tin vào thanh niên Việt Nam: “Bản tính của thanh niên là yêu lý tưởng, giàu nhiệt huyết và mạnh mẽ. Những hành vi không xứng đáng chỉ là của một bộ phận, không đại diện cho tất cả thanh niên Việt Nam.
Tôi luôn tin vào sự đúc kết của thiên tài Nguyễn Trãi về lịch sử nước nhà: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có. Chính thế hệ thanh niên này, chứ không phải ai khác, sẽ làm nên sự cất cánh của Tổ quốc Việt Nam”.
LTS: Mời Quý độc giả gửi nhận xét, bình luận, ý kiến vào hộp thư: [email protected] hoặc comment vào ô "Viết bình luận" ở cuối bài. Những ý kiến hay sẽ được chúng tôi đăng tải. Trân trọng!