Xung quanh việc liên quan đến bến xe Mỹ Đình, ngày 10/6/2013, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội đã có công văn số 18/2013/HH-CV gửi Thường vụ Thành uỷ và UBND TP Hà Nội đề nghị dừng điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải bến xe Mỹ Đình.
Điều khiến mọi người chú ý là ở cuối công văn có một nội dung được in nghiêng: “Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…” để TP. Hà Nội “cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng".
Trước nội dung rất “lạ đời” của công văn này, trao đổi với PV, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tỏ ra rất bất ngờ. Ông nói:
“Tôi thực sự bất ngờ không chỉ về nội dung mà về cả thể thức văn bản. Ngay từ câu đầu, công văn đã thể hiện cách nói cộc lốc, thiếu chuẩn mực.
Về nơi nhận kiến nghị, thực tế, việc này, là do Sở GTVT quyết định nên nếu có kiến nghị thì kiến nghị với Sở, cùng lắm là UBND thành phố, cớ gì phải gửi đến Ban Thường vụ Thành uỷ? Hay người ký công văn nghĩ rằng phải tầm cỡ Thường vụ mới có đủ sức nặng làm đối trọng với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng?”.
Bàn về nội dung công văn, GS Thuyết cho hay: “Việc ông Bùi Danh Liên thay mặt Hiệp hội vận tải Hà Nội trình bày vấn đề và kiến nghị cơ quan Nhà nước xem xét, thay đổi biện pháp đang áp dụng là việc làm hợp pháp.
Nhưng nội dung công văn ngày 10/6/2013 của Hiệp hội vận tải Hà Nội có nhiều điểm không rõ ràng, có phần mập mờ.
Ví dụ, công văn cho rằng biện pháp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn hiện nay ở bến xe Mỹ Đình không phù hợp với quyết định 1259/QĐ – TTg nhưng không nói rõ không phù hợp ở điểm nào.
Công văn còn viện dẫn quyết định 165/2003/QĐ – UBND của UBND TP Hà Nội cách đây đã 10 năm. Quyết định này có đề cập việc trước mắt có thể sử dụng bến xe kết hợp, tức là không chỉ phục vụ 1 hướng tuyến mà 2 hoặc hơn, nhưng chắc chắn không phải loạn tuyến như hiện nay.
Người đọc có căn cứ để nghĩ rằng việc đưa ra các căn cứ pháp lý chỉ là tung hoả mù chứ không nói lên được điều gì xác đáng.”
Cũng theo GS Thuyết, ngay đoạn đầu công văn của Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có những ý dường như để hù doạ … Thường vụ Thành uỷ, UBND, như: “Sự phản ứng (đối với quyết định của TP Hà Nội – PV) có chiều hướng vượt tầm kiểm soát, gây mất ổn định chính trị xã hội.” Nhưng có thực là như vậy không, bởi nếu đi Nam Định, Thái Bình thì đi ở bến xe Nước Ngầm sẽ gần hơn nhiều?”, GS Thuyết phân tích.
GS Thuyết nói tiếp: “Việc công văn “lưu ý” Thường vụ Thành ủy và UBND TP. Hà Nội rằng Nam Định là quê một Phó Thủ tướng và Thái Bình là quê một Phó thủ tướng khác vừa lặp lại sự hù dọa vừa tỏ ra thiếu hiểu biết về pháp luật.
Chúng ta cần nhớ rằng trong nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Không thể suy nghĩ theo kiểu “một người làm quan cả tỉnh được nhờ” để áp dụng quy định riêng cho tuyến xe đi một tỉnh nào đó chỉ vì tỉnh ấy là quê hương một vị Phó Thủ tướng. Nói như vậy không khỏi gây ảnh hưởng đến uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao.
Qua những lập luận mơ hồ, vu vơ, nói lấy được như trên, cũng cần phải xem lại tính khách quan của văn bản này. Bởi quyết định sắp xếp lại bến xe Mỹ Đình của thành phố Hà Nội không những phù hợp với quy định của pháp luật mà còn phù hợp với quyền lợi của người dân và yêu cầu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Không thể vì lợi ích của một số doanh nghiệp vận tải mà làm khác đi được.”
Theo đánh giá của GS Thuyết: “Đây là công văn gửi lên các cơ quan cao nhất của thành phố; người ký cho dù bức xúc cũng phải cân nhắc để đừng sa vào tình trạng “giận quá mất khôn”.
Câu cuối trong công văn có đề nghị cơ quan có thẩm quyền cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng bản thân người ký lại không cẩn trọng, thì quả thực là kỳ lạ”.