Mở đầu buổi giao lưu vào chiều 27/8 tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), GS Ngô Bảo Châu lý giải tại sao ông lại quyết tâm dịch cuốn sách “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” sang sách nói để giúp các bạn khiếm thị có thể đọc được cuốn sách.
GS Ngô Bảo Châu giao lưu với học sinh khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. (Ảnh QĐND)
GS cho biết, trong một lần giới thiệu sách, ông bất ngờ trước câu hỏi của một bạn học sinh khiếm thị:“Bao giờ người khiếm thị như chúng tôi mới có cơ hội đọc được cuốn sách của giáo sư?”
“Câu hỏi đó khiến tôi nghẹn lại. Tôi không nghĩ cuốn sách của mình lại có giá trị đến mức mà các bạn khiếm thị khao khát được đọc cũng như tình cảm của các bạn đối với cuốn sách của chúng tôi”, GS kể lại.
Buổi giao lưu thú vị hơn khi rất nhiều cánh tay của các em học sinh khiếm thị đặt câu hỏi về cách học tốt môn Toán hay những câu hỏi ngộ nghĩnh đáng yêu về điểm môn Toán hồi nhỏ của GS Ngô Bảo Châu.
Theo GS, có nhiều động lực để ông giành giải thưởng Toán học Fields, trong đó động lực lớn nhất để theo đuổi chính là tình yêu khoa học, tình yêu muốn khám phá, muốn đi đến cùng sự hiểu biết con người. Đó là động lực chung của các nhà khoa học, chứ không phải mình ông.
Chia sẻ về phương pháp học Toán hồi nhỏ, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Tôi kể về cách học Toán, còn các môn khác tôi không học giỏi lắm. Tôi rất hay ghi chép, một bài tập mà tôi cảm thấy hay tôi chép vào cuốn sổ riêng rất ngăn nắp, cuốn sổ về hình học, đại số…Tôi để trống một khoảng để ghi thêm những gì lưu ý, những suy nghĩ thêm, liên hệ bài toán khác thì tôi chép vào đó.
Việc ghi chép thường xuyên là điều rất quan trọng để vừa nhớ, vừa hệ thống hóa kiến thức mình học được. Việc ghi chép sẽ biến những kiến thức của thầy dạy mình thành kiến thức riêng của mình, 'chữ thầy thành chữ của mình', vật chất hóa thành cuốn sách riêng của mình”.
Ngoài ra, nhiều bạn nhỏ đặt câu hỏi rất ngộ nghĩnh, đáng yêu với cách trả lời gần gũi, dí dỏm khiến buổi giao lưu trở nên thân thiện và sôi động hơn.
- Giáo sư bao nhiêu tuổi rồi ạ?
- Cách đây 20 năm tôi bằng nửa tuổi tôi bây giờ?
- Giáo sư 40 tuổi.
- Đúng, thực ra năm nay tôi 41 tuổi, tôi ăn gian một chút.
- Hồi nhỏ, giáo sư bị điểm kém môn Toán chưa ạ?
- Ai cũng bị điểm kém, tôi đã có vài lần bị điểm 0 môn Toán rồi. Em bị 3 điểm là hơn tôi rồi đấy.
- Em không thông minh nhưng nếu chăm chỉ có thể học giỏi Toán không?
- Tôi nghĩ, để học Toán đủ kiến thức và tạo cho mình tư duy và năng lực Toán cần thiết cho cuộc sống sau này, không nên nghĩ cần phải có sự nhanh nhạy hay thiên tài nào đâu. Có nhiều giáo sư Toán học giỏi, họ nghĩ chậm, nhưng họ nghĩ được nhiều hơn người khác bởi họ nghĩ rất lâu.
- Thầy có nghĩ, lúc nào cũng học có là tốt không?
- Tôi không nghĩ là tốt, chỉ học khi mình có đủ sức khỏe, lúc mệt mỏi không nên học mà nên làm việc khác.
Trong phần chia sẻ của mình, GS cũng khuyên các bạn học sinh sáng mắt nên cố gắng tưởng tượng, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu các bạn khiếm thị hơn. Bởi nếu hiểu người người khác hơn thì mình sẽ sống tốt hơn.
GS Ngô Bảo Châu tặng đĩa sách nói cho học sinh khiếm thị về cuốn sách "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" và ký tặng cho học sinh PTCS Nguyễn Đình Chiểu. (ảnh KS/ ĐCS VN)
Kết thúc buổi giao lưu, GS Ngô Bảo Châu ký tặng những chiếc đĩa đầu tiên về cuốn sách “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” cho các học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.