Hướng thượng, hướng thiện là động cơ để học tập
Mở đầu cuộc chia sẻ, GS Ngô Bảo Châu khiêm tốn nói: “Tôi rất hay được các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh hỏi về bí quyết học tập. Tôi thường trả lời: Không có bí quyết gì cả, quan trọng là niềm say mê. Trả lời như vậy cũng là một cách né tránh, không sai, không đầy đủ.
Nhưng tôi không thể trốn tránh mãi được. Buổi trò chuyện ngày hôm nay là cơ hội rất tốt để làm điều đó. Cho đến thời điểm này tôi không làm một việc gì khác ngoài việc học và nghiên cứu khoa học”.
GS Ngô Bảo Châu trò chuyện, chia sẻ học như thế nào tại Trường ĐH Bách khoa chiều nay, 13/3.
Tại buổi trò chuyện, GS chia sẻ quan điểm của mình trả lời 3 câu hỏi: Cái gì là động cơ căn bản để học tập; Học chữ hay học làm người và học như thế nào?
Theo GS, sự hướng thượng, hướng thiện là hướng đến cái cao cả. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, con người sinh ra tính hiền lành. Tuy nhiên, tin tức hàng ngày khiến người ta mất đi tính bản thiện.
GS lý giải: “Cái này liệu có đúng không nhỉ khi mà hàng ngày chúng ta nghi ngờ tính bản thiện. Đầu tháng 1 ở Ấn Độ, cô gái 23 tuổi bị 6 người đàn ông hãm hiếp đến chết ở trên trên xe buýt; ở Bắc Ninh người ta chen lấn nhau đi xem hội chém lợn. Sự độc ác của con người vô cùng rõ nét.
Phải chăng con người sinh ra có hai bản năng duy trì nòi giống và duy trì sự sống? có sẵn cái mầm mống cái ác. Tôi lạc quan tin rằng con người được sinh ra với bản năng khác nữa, đó là bản năng hướng thiện. Tiềm năng ấy triển khai trong học tập sẽ trở thành động lực”.
GS cho rằng, hiện nay, động cơ hướng thượng đang bị tha hóa. Sự tôn thờ cá nhân cũng làm hỏng sự hướng thượng, hướng thiện ví dụ như tôn thờ cá nhân có thể là lãnh tụ, cầu thủ bóng đá, cuồng sao Hàn Quốc.
Khẳng định lại, GS nhấn mạnh bản năng hướng thiện là công cụ, là động lực để học tập.
Trẻ không cần đi học lớp kỹ năng sống
Bởi theo GS Ngô Bảo Châu: “Nếu người lớn biết cư xử đúng mực thì trẻ em không cần đi học lớp kỹ năng sống. Người có trách nhiệm chính trong giáo dục hành vi của trẻ là cha mẹ, gia đình chứ không phải nhà trường.
Những bài lên lớp của thầy cô không có tác dụng nhiều vào hành vi của đứa trẻ, mà là chính hành vi của cha mẹ nó. Những bài học của thầy cô trên lớp ảnh hưởng đến hành vi, cách cư xử của trẻ nhưng không vì thế mà cha mẹ lại trút bỏ toàn bộ trách nhiệm cho nhà trường và thầy cô giáo”.
Rất nhiều giảng viên, cán bộ, sinh viên đến nghe chia sẻ và đặt câu hỏi cho GS Châu.
Trả lời cho câu hỏi học chữ hay học làm người? Cái nào trước cái nào sau? GS cho biết, học chữ để tiếp thu kiến thức, còn học làm người có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo nghĩa hẹp là học kỹ năng sống, nghệ thuật sống. Nghĩa rộng là học làm người học những cái gì làm nên cốt cách của con người.
Nếu theo nghĩa hẹp thì có thể đặt câu hỏi rõ hơn là trường học dạy chữ hay dạy kỹ năng sống? Có vẻ càng ngày có nhiều người quan điểm trường học phải dạy kỹ năng sống cho trẻ.
Đồng tình với quan điểm của nhà triết học Đức cho rằng “Chức năng của nhà trường là dạy cho trẻ thế nào là thế giới chứ không phải là dạy cho chúng kỹ năng sống”, GS Châu nhấn mạnh, học làm người là học về thế giới trong đó có cả thế giới tự nhiên và xã hội.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trường học là hoàn thiện bản thân mình, để có động cơ hướng thiện. Để cho trẻ học kỹ năng sống thì người lớn phải làm gương… Chúng ta với bổn phận là người lớn đừng bao giờ quên rằng, dù muốn hay không muốn chúng ta luôn là tấm gương cho trẻ soi vào. Ngoài trách nhiệm cho trẻ 1 mái nhà, cung cấp thức ăn, đủ ăn đủ mặc, những người làm cha làm mẹ hãy nghĩ rằng ngày hôm nay mình cư xử như thế nào thì đứa trẻ sẽ cư xử đúng như thế”, GS nói.
GS lấy ví dụ: "Ở Lào và Thái Lan có phong tục gửi trẻ vào trong chùa có thể 3 ngày, 3 tháng, 3 năm, trẻ học được sự ngăn nắp, yêu quý cuộc sống. Hay vợ chồng tôi rất ít xem vô tuyến, hầu như không bao giờ, chính vì thế mà những đứa con của chúng tôi không thích xem truyền hình, nếu có thì chỉ đọc sách thôi. Nhiều khi tôi muốn xem phim với trẻ con nhà tôi, tôi phải mặc cả với chúng nó".
Cuộc chơi có người chơi và trọng tài
Đó chính là sự so sánh của GS Ngô Bảo Châu giải đáp thắc mắc câu hỏi “Học như thế nào” mà nhiều người quan tâm.
Ông khẳng định: “Ngày xưa, để học thánh hiền phải có chí. Bây giờ, trong kiến thức vô hạn của nhân loại thì có chí là chưa đủ”.
Bởi theo ông, đó là cuộc chơi có luật chơi trong đó người chơi được triển khai tư duy của mình để hướng đến kết quả; có bạn chơi, có trọng tài. Minh họa quan điểm này, GS nói, nhờ internet mọi người tim ra tài liệu miễn phí, có thể tự học mà không cần mất 50000 đô la để sang bên nước ngoài học. Dù bạn có ý chí sắt đá, tài liệu miễn phí, bài giảng... nhưng nếu không có đối thủ, lộ trình, giải thưởng, mục tiêu… thì bạn không thể không được.
Trường ĐH Bách khoa trân trọng gửi đến GS Ngô Bảo Châu món quà lưu niệm và bó hoa tươi thắm.
GS chia sẻ kinh nghiệm về học tập: “Bạn có thể học vài tiếng, vài ngày, một tuần, nhưng bạn phải có tập thể, thầy cô giáo để duy trì. Tại sao các bạn không tự tổ chức cùng học với nhau? Tại sao các thầy không tải bài giảng lên mạng để sinh viên xem trên mạng và không cần giảng cả ngày?
Thời gian lên lớp để giải thích thêm, để hỏi sinh viên… Học tập thể, có tổ chức để duy trì trách nhiệm, động lực. Cuối cùng là phải tổ chức kỳ thi cử nghiêm túc. Làm không phải dễ nhưng tôi tin là không phải không làm được”.
GS cho biết, trong cuộc chơi tập thể thì cuộc chơi phải lành mạnh, mới có sự cạnh tranh để cá nhân nỗ lực chứ không phải là cớ để thỏa mãn bản năng hiếu thắng. Và cuộc chơi phải có luật lệ, trọng tài, không xóa bỏ luật chơi một cách dễ dàng quá.
Đặt câu hỏi, bí quyết thành công giáo dục Mỹ là gì? GS giải thích, nhiều người cho rằng đó là vùng đất giàu, giáo sư giỏi, cơ sở vật chất đầy đủ… Nhưng ban đầu họ không giàu, không có nhiều người xuất sắc. Nhưng quan trọng họ có tinh thần “fairplay” (chơi đẹp - PV), mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị.
“Tôi cho rằng sự trung thực là một trong những việc quan trọng nhất trong việc học như thế nào. Để đứa trẻ trung thực thì cha mẹ phải làm gương. Nhưng tính trung thực, kỷ luật vẫn chưa đủ. Cái thiếu chính là niềm say mê và lòng quả cảm”, GS kết luận.
Cũng trong buổi hội thảo, nhiều giảng viên, sinh viên đặt câu hỏi, bày tỏ nỗi niềm, trăn trở trong việc học tập như “làm thế nào để duy trì niềm say mê? Nhiều bạn trẻ không còn say mê với chuyên ngày mình đã chọn hay vấn đề nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập…
Qua những chia sẻ về khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình, GS Ngô Bảo Châu đã mang lại nhiều bài học bổ ích cho các bạn sinh viên.
Và để động viên các bạn trẻ, GS Châu đưa ra lời khuyên: “Khó khăn lớn nhất mà bạn gặp phải trong cuộc đời chính là người khác không tin vào bạn và bạn không tin vào chính bản thân mình. Bạn phải có ngọn lửa để vượt qua khi bạn thất bại. Không được vội vàng, không được sợ.
Khi tôi đọc một quyển sách rất khó nhưng tôi không nghĩ nó là khó mà nghĩ người viết sách viết tồi, viết kém và tôi cố gắng viết lại nó. Niềm đam mê có thể ra đi, nhưng cũng sẽ quay lại bởi nó không vĩnh viễn ra đi”.