LTS: Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã cận kề. Năm 2013 qua đi với nhiều sự kiện chấn động xen lẫn xúc động của đời sống xã hội. Có sự phẫn nộ dành cho hai bảo mẫu đánh trẻ ở quận Thủ Đức (TP.HCM) hay bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân ở sông Hồng... Có những giọt nước mắt đắng ngắt của độc giả cả nước cho những đại tang do lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn gây ra…
Dành một khoảng lặng cho những cảm xúc ngày cuối năm, mời quý độc giả đón đọc loạt bài “NHỮNG CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG NHẤT VIỆT NAM NĂM 2013” được chúng tôi ghi chép lại. Trong đó, đầu tiên phải kể đến sự ra đi của vị tướng huyền thoại dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp .
GS. Nguyễn Lân Dũng – đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII để lắng nghe những chia sẻ của ông về những sự kiện ấn tượng, gây xúc động mạnh nhất trong năm qua.
Ở tuổi 76, ông vẫn giữ được sức khỏe và sự nhiệt huyết của mình đối với công tác nghiên cứu khoa học cũng như đóng góp các ý kiến có sự nghiệp phát triển của đất nước.
PV: Thưa Giáo sư, năm 2013 sắp kết thúc sau hàng loạt sự kiện lớn đã xảy ra và nhiều người cho rằng sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là sự kiện gây xúc động mạnh nhất năm 2013. Ý kiến của ông như thế nào về quan điểm trên?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Với cá nhân tôi, đó thực sự là một sự kiện xúc động nhất. Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi ở tuổi 103, tôi đã không cầm được nước mắt.
Tuy nhiên sự xúc động của tôi còn mạnh mẽ hơn khi thấy toàn dân đau xót tiễn đưa Người về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhìn lại 10 bức ảnh nổi tiếng Việt Nam năm 2013, tôi thấy có bức ảnh chụp khi linh cữu của Đại tướng rời Hà Nội ra sân bay. Trong bức ảnh đó, không thể đếm nổi có mấy trăm ngàn người có mặt trong đó, hai bên đường, trên cầu bắc ngang đường.
Sự ra đi của Đại tướng, nói như anh Dương Trung Quốc (Nhà Sử học Dương Trung Quốc – PV), như làm cho cả dân tộc ta xích lại gần nhau hơn. Bên cạnh sự xót thương một người có nhiều công lao với đất nước, trong các cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc còn có nhiều ý nghĩa thiêng liêng khác.
Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhớ tới trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Thế giới đã công nhận đó là vị tướng huyền thoại và nhiều người nước ngoài còn tôn vinh đó là “vị tướng năm sao”. Sự xích lại gần nhau của người dân nói lên mong muốn với những người lãnh đạo Nhà nước rằng hay luôn “dĩ công vi thượng”, luôn coi sự cống hiến lên trên hết và tự mình sống cuộc sống giản dị, khiêm tốn như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
PV: Là người từng được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần, điều gì ở Đại tướng khiến Giáo sư ấn tượng nhất?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi có may mắn được tiếp xúc với Đại tướng khi đến thăm ông và khi Đại tướng đến thăm bố tôi. Đại tướng còn viết cho bố tôi những dòng chữ khi bố tôi mất hết sức cảm động vì vậy bên cạnh tình cảm cá nhân với Đại tướng, tôi xúc động hơn khi nhìn cả dân tộc hướng về Đại tướng như ước mong mọi người, kể cả các vị lãnh đạo đều nên học tập Đại tướng ở chỗ nhẫn nại trước mọi sóng gió.
Không chỉ quyết tâm vượt qua khó khăn trong kháng chiến mà trong thời bình khi ý kiến của mình chưa được chấp nhận thì Đại tướng vẫn kiên trì đóng góp ý kiến. Có những lúc Đại tướng được đối xử chưa công bằng thì Người cũng nhẫn nại, tôn trọng sự phân công của Đảng, tôn trọng ý kiến của tập thể và sự thấu hiểu của nhân dân…
PV: Sau hơn 2 tháng kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, cho đến nay, vẫn không ít người cảm thấy hụt hẫng khi nhớ lại khoảnh khắc nghe tin dữ về Đại tướng ngày đó. Còn ông, ông có cảm xúc như thế nào, thưa Giáo sư?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Là một nhà sinh học tôi thấy sự ra đi đó là bình thường vì Đại tướng đã rất thượng thọ. Nhưng về tâm hồn, sự ra đi của Đại tướng thực sự là một sự mất mát không gì bù đắp được, bởi đối với tôi, Đại tướng là nơi để mình gửi gắm sự tin yêu, lòng hi vọng. Nhiều người cũng như tôi cảm thấy một sự hụt hẫng rất lớn lao.
Từ một ông giáo dạy sử, chất “ông giáo” còn nguyên ở Đại tướng với sự gương mẫu, đĩnh đạc, đàng hoàng, không chỉ là trí tuệ trong chiến tranh mà còn là trí tuệ trong hòa bình. Sau khi Đại tướng mất, nhiều báo nói tôi viết nhưng tôi chỉ viết một chuyện: Đại tướng với Giáo dục và Khoa học công nghệ.
Đại tướng đã có đóng góp rất lớn đối với giáo dục và tôi nhắc lại những lời căn dặn đó của Người. Đại tướng vốn là nhà giáo nên rất trăn trở với tình trạng giáo dục đương thời. Đại tướng chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo khoa học một thời gian nhưng ông đã có biết bao ý kiến chỉ đạo phương hướng bứt phá về khoa học và công nghệ. Và tôi đã thức thâu đêm để viết thật nhanh bài viết đó
PV: Ông muốn nhắn nhủ điều gì tới giới trẻ sau những ấn tượng mạnh về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trưởng thành từ một thanh niên yêu nước. Ông chưa được học ở một trường võ bị nào trước khi tham gia kháng chiến mà chỉ có “tài sản” duy nhất là lòng yêu nước. Nhìn lại bức ảnh lịch sử khi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đó mặc quần áo Tây, đội mũ phớt… chứ đâu có quân phục, quân hàm, quân hiệu nào đâu.
Cho đến khi đất nước hòa bình, Đại tướng cũng không lúc nào ngừng làm việc kể cả khi tuổi đã cao. Những lúc Đại tướng nghỉ ngơi chỉ là những lúc Đại tướng lấy tiếng đàn để làm thanh thản trí tuệ, để làm bình tĩnh lại trước những sóng gió cuộc đời, để làm tăng thêm sự tĩnh tâm, để nghĩ đến những điều to lớn hơn mà mình mong muốn.
Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ phải tự tin và dám tin vào sự nghiệp của chính mình. Chúng ta sẽ ra chiến trường khi đất nước cần đến nhưng trong hòa bình thiếu gì thử thách. Nhiều bạn trẻ đang lãng phí tuổi trẻ, lãng phí thời gian vàng ngọc. Các bạn trẻ đừng để thời gian trôi qua một cách vô ích. Năm nay, tôi ở tuổi 76 nhưng vẫn làm việc không ngừng nghỉ bởi tôi tiếc thời gian lắm. Có lẽ thời gian không còn nhiều để kịp hoàn thành những điều mình đang mong ước.
PV: Thưa Giáo sư, sự ra đi của Đại tướng đã được nhiều người trong đó có cả Giáo sư cho rằng đó là sự kiện xúc động nhất năm 2013. Nếu lựa chọn sự kiện xã hội gây xúc động mạnh thứ hai, Giáo sư muốn nói điều gì?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Theo tôi, sự kiện gây xúc động mạnh thứ hai có lẽ là sự trở về của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang sau 10 năm ngồi tù. Ông Chấn trở về trong nước mắt và tủi hận của những người thân, sau nhiều năm viết đơn kêu oan. Dù chưa được tòa án tuyên vô tội nhưng trong lòng mọi người ông đã là người vô tội. Và việc sau này, các cơ quan chức năng, vì lý do nào đó mà không tuyên ông Chấn vô tội thì thật không công bằng.
Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng thông tin nhiều về vụ án này, tôi có gặp một người rất am hiểu pháp luật và được tôi rất kính trọng. Anh nói rằng, không chỉ có việc không đủ chứng cứ để buộc tội ông này mà chỉ riêng việc không đưa ông Nguyễn Thanh Chấn về thực nghiệm tại hiện trường vụ án cũng đã đủ để tuyên ông Chấn vô tội rồi.
Tôi cho rằng việc Lý Nguyễn Chung – người ra đầu thú và nhận mình là hung thủ của vụ án và việc của ông Nguyễn Thanh Chấn là hai việc hoàn toàn khác nhau. Và cho đến thời điểm này, nhiều người dân trong đó có cả tôi đang chờ đợi một phán xét công bằng đối với ông Nguyễn Thanh Chân.
Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe Giáo sư cùng gia đình!