LTS: Vẫn tồn tại đâu đó trong nền kinh doanh đa cấp (KDĐC) đầy nhiễu loạn là không nhiều những tên tuổi lớn, có thương hiệu, tạo ra (hoặc phân phối) những sản phẩm đủ chất lượng để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hoặc cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
Thế nhưng, thẳm sâu dưới đáy tảng băng huy hoàng, lại chính là những gam màu lạnh tăm tối mà các công ty này đang cố công giấu đi. Ở đó, thực sự là một thế giới lạ kỳ, tàn khốc và lấm lem thiện ác. Nơi mà có thể rất nhiều người chưa từng nghe nói tới…
Kỳ 1: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Con "hổ giấy" nợ nần
Sự thật dần hé lộ
Rõ ràng, Nam - bạn tôi, cựu "Bạch kim" của công ty A chẳng xa lạ gì với thị trường chợ đen chuyên bán phá giá các dòng sản phẩm của ngành kinh doanh đa cấp. Núi hàng tồn chất kín phòng ngủ của cậu dường như đã tố cáo điều đó.
Nam thú thực: "Lúc còn làm, do số lượng hàng tồn quá nhiều, tôi và một số tuyến dưới thường tìm cách thanh lý hàng, để lấy về tiền mặt duy trì doanh số cho tháng kế tiếp.
Lúc nghỉ, do không còn sức ép nữa nên muốn tự bán để gỡ vốn, nhưng không bán được vì khách quen mua giá rẻ rồi. Cứ nấn ná mãi rồi đến thanh lý cũng chả xong, vì hạn dùng còn ngắn quá!".
Câu chuyện "khách quen mua hàng giá rẻ" được cậu bạn cũ minh họa bằng việc gõ vào ô tìm kiếm của Google từ khóa "hàng giá rẻ A...", lập tức hàng trăm kết quả được trả về. Trong đó, có nhiều trang web bán giá thấp hơn tới 30% giá niêm yết của công ty uy tín này.
Kích chuột vào một website bán hàng phá giá, Nam giải thích với tôi rằng, internet phát triển càng khiến việc tiếp cận của khách hàng với thị trường chợ đen trở lên giản đơn hơn, gây khó cho những nhà phân phối muốn bán mặt hàng này một cách trực tiếp.
"Bán hàng đa cấp vốn là hình thức bán trực tiếp cho người dùng, không quảng cáo. Nhưng giờ đây, nhiều sản phẩm đa cấp có uy tín rồi, lại giao nhan nhản, giá thấp hơn, cũng mang đến tận tay, không cần hỏi cũng biết khách hàng sẽ lựa chọn thế nào", Nam thở dài.
Nhiều sản phẩm của các công ty đa cấp được bán phá giá trên mạng.
Hàng trăm người chăm chú nghe người của một công ty bán thực phẩm chức năng dưới hình thức đa cấp nổ về tính năng sản phẩm. Ảnh: Người lao động
Thủ lĩnh cấp cao một thời của công ty A cũng cho tôi biết thêm, hiện ở khu vực phía Bắc có khoảng 4 đầu nậu chuyên thu gom số lượng lớn hàng phá của nhiều công ty đa cấp tên tuổi, phần lớn đều có xuất xứ từ Mỹ hoặc Nhật Bản.
Họ mua gom hàng thanh lý lại của các nhà phân phối rồi sau đó đổ hàng về các tỉnh. Song song với đó là giao bán trên mạng và thiết lập đội ngũ chuyện đi gom - bán hàng.
Không lâu sau đó, tôi được tai nghe mắt thấy cuộc giao dịch giữa thủ lĩnh Emerald Triều và một đầu mối chuyên mua gom và bán phá giá sản phẩm đa cấp kiêm chân chạy "tín dụng đen" tên Hữu.
Triều đại diện cho một tuyến dưới cần "chạy" một doanh số 17 triệu đồng đến cầu cạnh Hữu. Sau khi nhận thấy việc cầm cố chiếc xe máy của chính tuyến dưới này sẽ gây nhiều khó khăn, Triều đồng ý phương án cầm cố bằng chính đơn hàng để lấy tiền mặt.
Theo đó, thay vì đưa tiền mặt để lấy lãi theo ngày như cách thông thường, Hữu lấy "hoa hồng một cục" ngay trên tổng đơn hàng sẽ đặt.
Sau đó, Hữu đưa cho Triều 12 triệu đồng để thanh toán đơn hàng trị giá 17 triệu đồng và giữ lại toàn bộ hàng hóa vừa được lấy từ kho, đồng thời giải thích, đây chính là hình thức dùng hàng hóa để cầm cố với mức định giá khá dễ chịu là 70%.
Theo lời đầu nậu này, không phải nhà phân phối nào cũng mặn mà với việc bán hàng, nhất là khi ở nhà đã ngập ngụa hàng hóa. Họ chọn phương án bán luôn hàng cho các đầu nậu với giá rẻ hơn cả giá nhập vào.
"Vào dịp kết thúc năm tài chính để xét duyệt các danh hiệu lớn, chúng tôi thậm chí có thể “ép” xuống 55 – 60% mà các nhà phân phối vẫn phải đồng ý. Nếu họ không trả được nợ, số hàng sẽ là của chúng tôi", Hữu chia sẻ.
Những chân rết thu gom hàng thanh lý đang đóng gói hàng để chuẩn bị chuyển về kho (Ảnh: LN)
Mắt xích "tín dụng đen" này cũng cho biết thêm, với những đơn hàng lớn trị giá cả trăm triệu đồng, nhóm của Hữu sẽ chỉ giữ hóa đơn chứ không vội lấy hàng. Khi có mối lấy buôn sẽ đưa xe đến thẳng kho của công ty lấy về, tiết kiệm chi phí vận chuyển và kho bãi.
Những người giàu thực sự nhờ kinh doanh đa cấp
Tôi tìm cách tiếp cận với Hữu ngay sau khi nhận thấy cậu là một điều gì đó thực sự khác biệt giữa hổ lốn các nhà phân phối đang mộng mị giấc mơ giàu sang.
Hữu mới 28 tuổi, dễ gần, tự nhận mình là "người giàu có thực sự" hay "người kinh doanh truyền thống trên trên nền tảng đa cấp".
Hữu nói, việc "chạy doanh số" khiến nhiều hệ thống lâm vào cảnh thừa mứa hàng, nhưng không thể không nhập thêm. Do đó, song song với việc lớn mạnh của các hệ thống, những người hành nghề giống cậu lại càng làm ăn phát đạt.
Việc thu lời cả trăm triệu/tháng từ hình thức này khiến cho không ít đầu nậu sẵn sàng bỏ tiền lập các website chuyên nghiệp để mời gọi các nhà phân phối đến vay tiền.
Tràn lan các trang web hỗ trợ chạy doanh số, chạy điểm cho các nhà phân phối. (Ảnh chụp màn hình)
Đầu nậu này thừa nhận, việc bán phá giá các sản phẩm của công ty đa cấp A và cho vay lãi đã làm cho nhiều người giống cậu trở lên thực sự giàu có.
“Tỉ lệ trả được nợ rất thấp, nhiều nhà phân phối tìm đến chúng tôi hết tháng này qua tháng khác và thậm chí giới thiệu cả tuyến dưới của mình đến nữa. Họ cầm cố tất cả những gì có thể thế chấp được”, Hữu cho biết.
Cũng theo lời thanh niên 28 tuổi, ở trong lĩnh vực kinh doanh này, thủ lĩnh thực sự có tâm, có tầm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn dạng “thủ lĩnh” như Triều rất nhiều. Tất cả đều có chung đặc điểm là: mắc nợ. Thủ lĩnh càng cao thì nợ càng nhiều.
Một mẩu quảng cáo bán phá giá sản phẩm của công ty đa cấp với cam kết có giá rẻ bởi là thủ lĩnh.
Hữu tiết lộ thêm, ngoài việc cầm cố và tổ chức bán phá giá các sản phẩm của công ty A, nhóm của cậu còn vươn “vòi bạch tuộc” đi gần như tất cả các công ty kinh doanh đa cấp đang có mặt tại thị trường Việt Nam.
Bởi, ở các công ty đa cấp tên tuổi khác, do bị ép “điểm năng động” (doanh số tháng) nên tình trạng "chạy điểm" càng phổ biến, dẫn đến vòng luẩn quẩn “mua - bán phá giá” lại càng khủng khiếp...
Với kinh nghiệm của mình, Hữu khẳng định, rất khó để làm giàu với mô hình này, kể cả khi đối tác là những công ty lớn và uy tín hàng đầu thế giới. Hữu có cùng góc nhìn với Nam về vấn nạn bán phá giá sản phẩm.
"Tôi chưa bao giờ tham gia đa cấp và không bao giờ có ý định đó. Tính cách ăn xổi của người Việt không phù hợp với mô hình này. Bán hàng thế nào đây khi ngoài kia có người sẵn sàng bán chỉ bằng nửa giá?", Hữu thẳng thắn.
Theo lời kể, một tháng, hệ thống của đầu nậu này vận hành khoảng hơn 3 tỷ đồng tiền hàng và tiền mặt. Trừ mọi chi phí, số lãi mang về khoảng 1/7, xấp xỉ 400 triệu đồng.
Thế nhưng, hệ thống của đầu mối này chỉ là nhánh nhỏ trong tổng số hàng chục hệ thống “tín dụng đen” đang ngày đêm quần nát ngành kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.
Thế nên, công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi...
(Còn nữa)