Giết con đẻ, hiếp dâm trẻ em rồi giả điên trốn tội

Thiên Di |

Trần Mạnh Hà giết con đẻ 10 tháng tuổi một cách man rợ sau đó chôn xác dưới khe nhà. Ðể trốn tù tội, kẻ này đã giả điên…

Kỳ 1: Tội phạm tâm thần coi mình là "ngọc hoàng", "lãnh đạo cấp cao"

Kỳ 2: Hãi hùng với những kẻ tâm thần giết người man rợ

Bùa hộ mệnh” để thoát tội

Vin vào cớ “mắc bệnh tâm thần hoặc mất năng lực kiểm soát hành vi khi đang gây án thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”, nhiều đối tượng coi hành vi giả điên là "bùa hộ mệnh" để thoát tội.

Trần Mạnh Hà (32 tuổi, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ. Hà đã đang tâm giết con đẻ mới 10 tháng tuổi một cách man rợ rồi chôn thi thể con dưới khe nhà đầu năm 2013.

Để thoát tội, Hà đã giả tâm thần, cố tình biểu hiện một số hành vi điên loạn để tránh bản án chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên sau một thời gian theo dõi, hành động của Hà đã không qua mắt được sự tinh tường của các bác sỹ giám định ở Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương (Thường Tín, Hà Nội).

Đối tượng Trần Mạnh Hà.

Đối tượng Trần Mạnh Hà.

Trong vài năm qua, rất nhiều kẻ giết người, gây án độc ác hay hiếp dâm trẻ em bị cơ quan chức năng “vạch mặt” mánh khóe giả bệnh.

Điển hình có thể kể đến vụ việc bị cáo Đặng Trần Hoài (Sơn Tây, Hà Nội) sát hại cháu bé 4 tuổi, hãm hiếp bé 8 tuổi rồi sau đó dùng chiêu giả tâm thần.

Hắn liên tục kêu đau đầu quá, hỏi gì cũng nói không nhớ nhằm kéo dài thời gian xét xử. Tuy nhiên, sau một thời gian giám định tâm thần, các bác sỹ khẳng định Hoài không bị tổn thương thần kinh và chịu hình phạt đích đáng.

Đặng Trần Hoài hãm hiếp bé gái 8 tuổi chịu hình phạt đích đáng. (Ảnh: Infonet)
Đặng Trần Hoài hãm hiếp bé gái 8 tuổi chịu hình phạt đích đáng. (Ảnh: Infonet)

Hay trường hợp Lê Mạnh Lương bị công an bắt vì có hành vi vận chuyển 355 bánh heroin. Kẻ này liên tục cãi vanh vách cho rằng mình vận chuyển thuê, nhưng sau đó lại có biểu hiện tâm thần, điên loạn.

Mỗi lần hỏi cung hắn đều tỏ ra đờ đẫn, không nói gì, hỏi tên tuổi, quê quán cũng…không nhớ nhưng cuối cùng “vải thưa không che được mắt thánh”.

Dư luận căm phẫn hơn khi nhiều kẻ giả điên nhưng khi vào điều trị bắt buộc bệnh tâm thần lại…chạy trốn sau một thời gian ở viện. Cụ thể là đối tượng Lê Đăng Lưu (49 tuổi, Hà Tĩnh) bị bắt vì đã chiếm đoạt 13 tỷ đồng.

Phát hiện hành vi giả bệnh là quá trình khó khăn

Hiện nay, Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương (Thường Tín, TP Hà Nội) đang giám định, điều trị bắt buộc 100 đối tượng tâm thần từng gây án.

Trong đó, nhiều trường hợp phạm tội cố tình giả bệnh để trốn tránh tù tội với nhiều mánh khóe tinh vi.

Những ngày giáp Tết, đội ngũ cán bộ của Viện đang phối hợp với các chiến sỹ công an PC81 (Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp CA TP Hà Nội) chuyển 20 bệnh nhân đang trong quá trình giám định về trại giam quản lý trong dịp Tết.

Theo ông Dương Văn Lương - Viện phó Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương, Viện tiếp nhận các đối tượng phạm tội được đưa đến trong gian đoạn điều tra, truy tố, xét xử thấy có dấu hiệu tâm thần.

“Những đối tượng vào đây chủ yếu là vi phạm hình sự như giết người, cướp giật, ma túy, trộm cắp, lừa đảo…

Sau khi đối tượng bị bắt tạm giam, cơ quan điều tra thấy có dấu hiệu bệnh tâm thần sẽ tiến hành trưng cầu và đưa đi giám định nội trú ở tỉnh, viện.

Trong quá trình giám định (4-6 tuần), nếu cán bộ giám định kết luận bị cáo mắc bệnh tâm thần trong quá trình phạm tội thì Viện kiểm sát, tòa án ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với người đó” - ông Lương cho biết.

Viện phó Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương, ông Dương Văn Lương kể quá trình giám định tâm thần.
Viện phó Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương, ông Dương Văn Lương kể quá trình giám định tâm thần.

Hiện nay, Khoa Điều trị bắt buộc có 80 bệnh nhân và 20 đối tượng đang trong thời gian giám định có bệnh hay không, chủ yếu độ tuổi 21-50 tuổi phạm tội giết bố mẹ, vợ con hay giết nhiều người.

Để phát hiện ra những hành vi giả bệnh, bác sỹ Lương nói rằng đó là quá trình khó khăn, căng thẳng phải qua nhiều khâu như xem xét hồ sơ từ bệnh viện, địa phương, cơ quan công an, theo dõi biểu hiện hàng ngày…

Mỗi phòng bệnh đều lắp đặt camera theo dõi hoạt động ăn uống, đi lại, biểu hiện lời nói của đối tượng với những người khác.

“Khi bệnh nhân kêu đau đầu, chóng mặt, mình xác định xem có dùng thuốc ma túy tổng hợp gây ảo giác hay không? Còn nếu bệnh nhân giả bệnh, cho dùng thuốc sẽ không chịu đựng được” - bác sỹ Lương cho biết thêm.

Đối với những trường hợp bệnh phức tạp khó xác định thì phải giám định nhiều lần mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Còn đối với những đối tượng giả bệnh trốn tội thì ông Lương khẳng định: “Những đối tượng tội phạm giả bệnh mà bị phát hiện vẫn phải chịu hình phạt đích đáng của pháp luật, thậm chí đó là tình tiết tăng nặng vì kéo dài thời gian xét xử”.

Nghề giám định pháp y tâm thần được coi là nghề “mổ xẻ cái đầu” để tìm ra bệnh. Mỗi bác sỹ ngành này phải căng mắt đấu trí để lật bộ mặt của những kẻ giả điên hòng trốn tội.

 
Luật sư Nguyễn Văn Tú
Người cố tình giả điên cũng là động cơ và mục đích xấu nên theo tôi, toà án kiên quyết không cho họ hưởng khoan hồng.

Điều 46 của Bộ luật hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong đó người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại