Giáo viên mầm non bạo hành trẻ: Phải chăng vì không biết sợ?

Thiên Di |

(Soha.vn) - Những người có hành vi bạo hành đã đi ngược đạo đức người thầy. Phải xử lý thật nghiêm, mức nhẹ nhất là đưa họ ra khỏi ngành.

Phẫn nộ nạn bạo hành trẻ tại trường

Trong năm 2012, dư luận phẫn nộ trước thông tin các vụ bạo hành trẻ liên tiếp xảy ra trong trường mầm non như trường hợp một cô giáo Trường Mầm non Mai Anh (TP. Hồ Chí Minh) tát và gây tổn thương vào vùng kín trẻ; cô giáo dạy thể dục đánh bầm tím trẻ 5 tuổi tại Trường Mầm non Tuổi thơ (Đà Nẵng) hay cô giáo dán băng dính vào mồm học sinh tại Trường mầm non Hương Mạc (Bắc Ninh) vào tháng 9.2012…

Và gần đây, chỉ trong tháng 11, ở Hà Nội xảy ra liên tiếp hai vụ nghi bạo hành trẻ mầm non gây xôn xao dư luận. 

Đó là trường hợp gia đình bé T.S tố cô giáo P. Trường mầm non S.O.S (Mai Dịch, Cầu Giấy) đánh “chấn động não” trẻ 3 tuổi và nghi án giáo viên Trường mầm non Sao Mai (Ba Đình) dùng củ ấu đâm thâm tím tay hai bé Vy 3 tuổi và Tuệ Anh 4 tuổi.

Nạn bạo hành trẻ em ở trường mầm non đang là nỗi lo của nhiều phụ huynh hiện nay. (ảnh Khánh Linh 2 tuổi  bị cô giáo đánh thâm tím mặt).

Nạn bạo hành trẻ em ở trường mầm non đang là nỗi lo của nhiều phụ huynh hiện nay. (ảnh Khánh Linh 2 tuổi bị cô giáo đánh thâm tím mặt).

Bộc lộ quan điểm về vấn đề này, GS. Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng chỉ thầy cô nào bất lực thì mới đánh học trò.

Ông nói lên suy nghĩ của mình: “Hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ mầm non rất phẫn nộ. Những người có hành vi bạo hành đã làm ngược đạo đức người thầy. Tôi chắc chắn họ không đủ tố chất để làm nghề dạy học. Làm sao những người làm giáo dục con người lại có thể tàn nhẫn đánh một đứa trẻ như vậy?”.

GS cho rằng, những vụ bạo hành trẻ mầm non chủ yếu xảy ra ở lớp tư thục, nhóm giữ trẻ. Có thể những người trông coi trẻ không được đào tạo qua trường lớp sư phạm nào, họ chỉ coi đó là nghề kiếm sống như bao nghề khác, chứ không đam mê hay yêu trẻ.

Hiện nay, Nhà nước không đủ “lực” để mở trường lớp nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân đứng ra mở trường lớp mầm non tư thục (ngay ở Hà Nội có đến 6 phường chưa có trường mầm non công lập do thiếu đất, thiếu kinh phí).

“Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải đảm bảo người đứng ra mở lớp và người nuôi dạy trẻ đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo viên, ví dụ, đã qua đào tạo sư phạm, trong quá khứ chưa có tiền án tiền sự về bạo hành,… Lớp học cũng phải đáp ứng được điều kiện tối thiểu về diện tích, ánh sáng, môi trường,… Nếu người quản lý, người nuôi dạy trẻ không đáp ứng được tiêu chuẩn thì hiện tượng bạo hành trẻ sẽ còn xảy ra tiếp”, GS Thuyết nhận định.

Họ không biết sợ?

Phân tích nguyên nhân khiến một số giáo viên mầm non có hành vi đánh đập trẻ, GS Thuyết cho rằng có thể một số người hành động theo cách suy nghĩ cũ kĩ là trẻ hư thì phải đánh cho trẻ biết sợ. Chuyện học trò viết chữ xấu bị đánh vào tay, phạm lỗi phải quỳ trên gai mít hay giữa sân sỏi,… đã xưa lắm rồi. Thời nay, giáo viên phải kiên quyết từ bỏ quan niệm cổ hủ, phản giáo dục đó.

Cũng có một số giáo viên hành động theo bản năng, dễ dàng nóng giận, đánh đập trẻ. Căn nguyên sâu xa chính là việc tuyển chọn giáo viên hiện nay không “khắt khe” như trước. 

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nhiều giáo viên không biết sợ nên có những hành vi cư xử với trẻ như thế. (ảnh Thiên Di).
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nhiều giáo viên không biết sợ nên có những hành vi cư xử với trẻ như thế. (ảnh Thiên Di).

Theo GS Thuyết, trước những năm 1960, ngành sư phạm rất “kén” người; muốn vào trường phải đủ 18 tuổi; ngoài bài thi, thí sinh còn được phỏng vấn, qua đó nhà trường  đánh giá ngoại hình, lời ăn tiếng nói,…. Cách tuyển sinh chỉ dựa trên bài thi viết như mấy chục năm gần đây khiến ngành sư phạm khó tuyển được những giáo viên thực sự yêu nghề, yêu trẻ. 

“Tôi nghĩ ai không yêu trẻ, yêu nghề nên đổi nghề bởi làm nghề này phải có tâm với nghề, có lòng yêu thương đối với trẻ và sẵn sàng chấp nhận cuộc sống ngay ngắn, thanh đạm.

Cùng với việc cải tiến cách tuyển sinh vào trường sư phạm, cần tăng cường và đổi mới  công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho giáo viên, để hạn chế tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Về nguyên nhân thu nhập thấp, GS Thuyết cho rằng quả có chuyện thu nhập của giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học và mầm non quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, vì vậy họ phải chịu nhiều áp lực “cơm áo gạo tiền”, nhiều khi cáu bẳn, dồn bực bội lên đầu trẻ em,…

Ngoài ra, hình như nhiều thầy cô hiện nay không chịu đọc báo, không thấy sợ? Ví dụ như tháng trước báo chí vừa đưa tin một cô giáo bị xử lý hình sự vì bịt miệng trẻ, thì ngay sau đó lại có thầy giáo bắt học sinh hít đất hàng trăm lần….”. GS. Thuyết nhấn mạnh.

Thay cho lời kết, GS Thuyết cho rằng hiện nay, Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục  trẻ em, Luật Giáo dục, Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…. Nhưng điều quan trọng là cần phải thực thi đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật đó, xử lý thật nghiêm các trường hợp giáo viên bạo hành trẻ, mức nhẹ nhất là đưa họ ra khỏi ngành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại