Giao lưu trực tuyến: NGƯỜI VIỆT ĂN GÌ ĐỂ KHÔNG CHẾT VÌ UNG THƯ?

Ban biên tập |

9h sáng nay (12/11), Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Người Việt ăn gì để không chết vì ung thư?".

> “NGU THÌ CHẾT” và người Việt ăn gì để không chết?
> Bàn tay run rẩy của Trần Lập và cú “lạnh xương sống” của bộ trưởng Phát
> “Tại sao chúng ta run rẩy trước thực phẩm của đồng bào?”
> “Mời Bộ trưởng Tiến, Bộ trưởng Phát ăn cơm một tháng”

Mở đầu buổi giao lưu, thay mặt Ban biên tập Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Nhà báo Bùi Ngọc Hải:

Thưa các vị khách mời!

Tháng 4 vừa rồi, Việt Nam đứng thứ 75 trên 158 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc thế giới do World Happiness Report công bố.

Năm 2013, Việt Nam đứng thứ 63/156.

Một trong những chỉ số quan trọng của chỉ số hạnh phúc là mức độ hài lòng về sức khỏe và tuổi thọ. Tiêu chí của chỉ số không phụ thuộc vào kinh tế.

Việt Nam tụt 12 hạng, chắc chắn có nhiều lý do, nhưng chúng ta không thể không nói tới một lý do đã thôi thúc Quý vị có mặt ở đây, đó là vấn đề sức khỏe và tuổi thọ.

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.200 người chết vì HIV, còn ung thư là 75.000 người chết, trong số 150.000 người mắc mới. Riêng ung thư gan đã giết chết gần như 100% người bệnh.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chắc chắn một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện trạng này, là vấn đề nhiễm độc thực phẩm.

Đều đặn hàng tuần, báo chí lại đăng tải một bê bối liên quan đến thực phẩm bẩn. Và rất nhiều trong số đó gắn với một loại hóa chất có thể gây ung thư.

Ung thư không chỉ có thể giết chết người bệnh mà còn làm khánh kiệt gia đình họ, bởi chi phí điều trị ung thư rất tốn kém. Châm ngôn tình nghĩa “còn nước còn tát” lại khiến cho nhiều gia đình có người ung thư, thậm chí chấp nhận bán đi những tài sản cuối cùng để “vái tứ phương”.

Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm giảm thiểu thiệt hại về cả người và của của ung thư, nếu ngăn chặn được thực phẩm độc hại, ô nhiễm môi trường sống, biết tự bảo vệ mình thông qua ăn uống, sinh hoạt đúng.

Những vị khách mời ngày hôm nay, sẽ mang đến cho Quý độc giả những tư vấn thiết thực nhất về việc này.

Trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các vị khách và mời các vị bắt đầu cuộc giao lưu.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

- Theo các thông tin trên mạng thì để những người tầm soát dự phòng ung thư thì phải tiền triệu, nên nhiều người tặc lưỡi chẳng dám đi.

Bà có thể nói con số chính xác số tiền 1 người cần phải bỏ ra để tầm soát hầu hết các loại ung thư (xét nghiệm ung thư sớm) không? Và kèm theo là nên bao nhiêu năm 1 lần? Khám xét ở bệnh viện tỉnh được không hay phải lên tuyến Trung ương?

Xin bà trả lời thật chi tiết để tôi còn biết cách cho người thân trong gia đình. (Độc giả Võ Hoàng Yến, Phổ Yên, Thái Nguyên)

BS Nguyễn Thị Thế Thanh: Rất khó có thể đưa ra một con số chính xác cho việc tầm soát ung thư toàn diện vì mỗi một loại xét nghiệm có một mức giá khác nhau theo quy định của Bộ Y tế, cũng như của từng bệnh viện.

Một người khỏe mạnh tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Khi có nghi ngờ về bất cứ bệnh lý gì thì chúng ta nên đi kiểm tra ngay theo đúng chuyên khoa.

Có thể thực hiện việc kiểm tra ở các bệnh viện tuyến dưới nơi đăng kí bảo hiểm để giảm thiểu chi phí vì hầu như các bệnh viện tuyến tỉnh đều có các khoa ung bướu.

Nếu bệnh tình vượt quá chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới thì bệnh viện có trách nhiệm chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương như Bệnh viên K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Sau khi tầm soát, chúng ta cũng vẫn nên kiểm tra định kì 6 tháng đến 1 năm hoặc theo lời khuyên của bác sĩ về từng bệnh cụ thể.

BS Nguyễn Thị Thế Thanh
BS Nguyễn Thị Thế Thanh

- Tôi vừa độc thông tin về các loại dầu ăn như dầu hướng dương, dầu đậu nành… đều không thực sự tốt cho sức khỏe và có thể gây bệnh ung thư. Thông tin này làm tôi rất hoang mang. Theo ông, có nên tin vào điều này và từ bỏ không dùng dầu ăn nữa không? ([email protected])

Ông Nguyễn Duy Thịnh: Thông tin về các loại dầu ăn như dầu hướng dương, dầu đậu nành không tốt sức khỏe, gây ung thư là vừa đúng vừa sai.

Nếu như nói chung chung, người dân không hiểu cụ thể thì thông tin sẽ thành sai.

Trước đây các nhà khoa học vẫn khuyên người dân nên ăn dầu thực vật và giảm mỡ động vật, vì dầu thực vật chứa những axit béo không no có lợi cho việc chống hình thành cholesterol trong máu và cơ thể, đồng thời làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn, chống được bệnh tim mạch.

Nếu ăn mỡ động vật thì hàm lượng chất béo lớn khiến người ăn dễ mắc bệnh mỡ máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Dầu ăn khi chiên rán ở nhiệt độ cao thì mới tạo ra chất độc hại vì dầu sôi ở nhiệt độ cao thì sẽ gây ra biến đổi chất.

Tôi khuyên người dân khi chiên rán nên dùng mỡ động vật là chất béo chứa hợp chất axit béo không no, ít biến đổi thì sẽ ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn.

Đồng thời, nên hạn chế ăn đồ chiên rán, nếu thích ăn thì nên chiên rán non thôi, không nên rán thật kỹ, thật giòn.

Ông Nguyễn Duy Thịnh
Ông Nguyễn Duy Thịnh

- Thưa PGS, TS Nguyễn Trung Chính, là người công tác trong ngành y lâu năm và trực tiếp điều trị nhiều ca ung thư, xin ông cho biết các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư mà ông đúc kết được là gì? (Độc giả Mai Trang, Gia Lai)

PGS, TS Nguyễn Trung Chính: Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh ung thư, nhưng nguyên nhân chính là do đột biến gen. Những nguyên nhân gây ra biến đổi gen được tóm lược như sau:

Thứ nhất: Trong ăn uống của chúng ta hiện nay thực phẩm đã bị nhiễm hóa chất, nhiễm tia xạ. Những thực phẩm này có khả năng gây ra những đột biến gen.

Thứ 2: Môi trường sống của chúng ta không còn xanh, sạch đẹp như trước mà bị tác động bởi sự phát triển của công nghiệp. Nếu như môi trường xanh, sạch sẽ không có các chất gây đột biến.

Hiện nay trong môi trường chúng ta sống, khói công nghiệp, khói xe hơi và chất thải công nghiệp luôn có những loại hóa chất mà có khả năng gây đột biến gen. Khi con người thường xuyên phải tiếp xúc, hít loại khói sẽ hít phải những loại hóa chất độc hại đó vào cơ thể.

Thứ ba, chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều tia xạ, kể cả Xquang… Mặt khác, chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều bất ổn, chiến tranh, xung đột vũ trang, vũ khí hóa học… Những tác nhân này cũng có thể gây nên bệnh ung thư.

Trong y học, các tia y học hạt nhân, tia cực tím hoặc các vi khuẩn, virut, ký sinh trùng… đều là nguyên nhân có thể gây ung thư.

Vì thế, có thể khẳng định rằng xung quanh cuộc sống có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ung thư...

TS Nguyễn Trung Chính. Ảnh: VOV
TS Nguyễn Trung Chính. Ảnh: VOV

- Thực phẩm ở Australia đã từng dính scandal ô nhiễm nào nghiêm trọng hay chưa? Australia đã làm cách nào để quản lý tốt thị trường thực phẩm và kiểm định thực phẩm bẩn? ([email protected])

Ông Trần Bắc Hải: Trong 6 tháng cuối năm 2014, gần 200 vụ thực phẩm nhập khẩu bị từ chối nhập khẩu, hoặc thu hồi từ các siêu thị sau khi kiểm định phát hiện không đạt chuẩn.

Các ví dụ tiêu biểu là tôm hấp Trung Quốc bị nhiễm phẩy khuẩn tả, cá hồi xông khói Na Uy bị nhiễm Listeria, một số loại pho-mai Ý bị nhiễm Listeria hoặc E. coli v.v…

Một trong những vụ đáng gọi là scandal nghiêm trọng có lẽ là một vụ bùng phát tiểu dịch viêm gan A, được xác định là do ăn phải trái dâu đông lạnh nhập từ Trung Quốc.

Để quản lý an toàn thực phẩm Australia có bộ tiêu chuẩn khá chi tiết:

(http://www.foodstandards.gov.au/Pages/default.aspx).

Ông Trần Bắc Hải
Ông Trần Bắc Hải

- Tôi mua đồ ăn, rau củ, thịt cá ở các chợ, nếu phát hiện ra thực phẩm độc hại thì có được hội bảo vệ không? (Anh Lê Thanh Hoàng-TP Nam Định-Nam Định)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hội luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có căn cứ pháp lý thì khi mua hàng hóa, người tiêu dùng nên lấy hóa đơn.

Người tiêu dùng cần cân nhắc khi mua thực phẩm tại những nơi không có hóa đơn, nhất là chợ cóc, chợ tạm không có ban quản lý chợ vì như vậy sẽ không có căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi khi xảy ra sự cố.

Nhân đây, tôi cũng muốn lưu ý. Luật bảo vệ người tiêu dùng có quy định: Người tiêu dùng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện thực phẩm lưu thông trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người tiêu dùng.

- Trình độ chuyên môn cả đội ngũ ngành y tế chữa các bệnh ung thư của nước ta hiện đang ở đâu so với thế giới? (Chị Vũ Thị Yến-Nhân viên văn phòng-Q1-TP HCM)

Tiến sĩ Hoàng Đình Chân: Trình độ điều trị ung thư tại VN hiện nay rất phát triển, có chất lượng tốt và cập nhật với thế giới, cả về việc phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị miễn dịch.

VN có đầy đủ phương tiện để đáp ứng việc chữa trị ung thư cho các bệnh nhân.

- Thưa ông hiện nay loại ung thư nào mà người Việt mắc phải nhiều nhất? (Chị Lưu Thu Nga-Bình Dương)

Tiến sĩ Hoàng Đình Chân: Theo thống kê của WHO và ở VN, chúng ta thường mắc các loại ung thư phổ biến sau.

Ở nam giới có: Ung thư phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, tiền liệt tuyến, thực quản, vòm họng, giáp trạng, xương...

Ở nữ giới: Ung thư vú, cổ tử cung, phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng....


TS Hoàng Đình Chân

TS Hoàng Đình Chân

Tỷ lệ ung thư phổi của VN cao không ạ? Người Việt rất thích hút thuốc lá, thuốc lào, trong nhà tôi, bố tôi nghiện thuốc lào nặng, có cách nào để tôi có thể tránh khói thuốc gây hại này? (Anh Nguyễn Văn Phương-Ngô Quyền, Hải Phòng)

Tiến sĩ Hoàng Đình Chân: Ung thư phổi chiếm 80 đến 90% là do hút thuốc lá. Các thành phần gây hại trong khói thuốc lá có hơn 4000 hóa chất gây hại, trong đó có 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe (chất gây ngiện, các chất gây độc).

Trong 200 chất đó, có 50 chất gây ung thư đã được cảnh báo.

Thuốc lá gây ung thư phổi, ung thư đầu cổ, ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư miệng, ung thư mũi, ung thư thận và bàng quang, ung thư tuyến tụy, ung thư hệ sinh dục, ung thư âm hộ, ung thư cổ tr cung, ung thư dương vật, ung thư hậu môn và ung thư đại trực tràng...

Thuốc lá có thể gây ung thư cho người hút và người xung quanh (hút thuốc lá thụ động).

- Biện pháp nào hiện đang hiệu quả nhất trong việc kéo dài tuổi thọ của người bị ung thư? (Ông Vũ Trần Thắng-Hà Nội)

TS Hoàng Đình Chân: Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm (ở giai đoạn đầu) có những bệnh ung thư được chữa khỏi, và tỉ lệ sống sau mổ là 100%.

Chúng ta phát hiện sớm bằng cách đi khám định kỳ, còn nếu phát hiện muộn thì thời gian sống sau mổ sẽ giảm dần, khoảng 5 năm, 10 năm, tùy vào diễn tiến của bệnh.

Có phải hóa trị và xạ trị không chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà còn làm hại các tế bào lành hay không? (Bà Thanh Mai-Phú Thọ)

TS Hoàng Đình Chân: Đúng vậy, cho nên phương pháp điều trị ung thư là điều trị đa mô thức.

Các khách mời của buổi giao lưu
Các khách mời của buổi giao lưu

- Trong thời gian điều trị bệnh ung thư, nghệ sĩ nghĩ đến điều gì nhiều nhất? (Lệ Quyên, Lào Cai)

Ông Hán Văn Tình: Trong thời gian điều trị ung thư, tôi nghĩ về nhiều thứ: Bệnh tật, nghề nghiệp, gia đình, những ước mơ còn dang dở của tôi…

Tôi biết rằng khi tuân thủ phác đồ điều trị, sức khỏe của tôi sẽ khá hơn. Đáng tiếc nhất là tôi không còn được làm nghề nữa vì hát Tuồng khá nặng cho sức khỏe hiện tại của tôi.

Hoàn cảnh gia đình cũng là điều tôi lo lắng, nhưng tôi tin mọi điều sẽ tốt đẹp.

Hiện tại, tôi rất mong muốn được tham gia các hoạt động xã hội, được chia sẻ với các bệnh nhân ung thư.

- Có một người quen của tôi vừa mới phát hiện bị bệnh ung thư giai đoạn đầu. Hiện tại, tâm lý của anh ta khá bất ổn. Theo ông, lời khuyên tốt nhất dành cho anh ta trong giai đoạn này là gì? (Dương Văn Thủy, Hà Nội)

Ông Hán Văn Tình: Bạn hãy khuyên bệnh nhân: Không ai tránh khỏi bệnh tật, nhưng quan trọng nhất là phải biết cách chấp nhận, tránh sợ hãi vì càng suy sụp càng nhanh đi đến đường cùng.

- Từng là người trong cuộc, ông có thể cho độc giả biết sự đáng sợ của Ung thư? (Em Thu Trang-Trường PTTH Trần Hưng Đạo-Hà Nội)

Ông Hán Văn Tình: Trước khi vào bệnh viện, rất nhiều người khuyên tôi “Bệnh gì thì bệnh, đừng vào viện K vì viện K là bị ung thư, mà ung thư là chết”. Tôi cũng rất sợ ung thư, tôi coi đó là tử thần, vì nó là căn bệnh vô phương cứu chữa.

Nhưng khi bị ung thư, thời gian đầu tôi cũng suy sụp. Sau đó tôi bình tĩnh lại và nghĩ: Mình chết thì sẽ để lại gì cho vợ con, gia đình. Và tôi đã quyết định giữ tâm lý thoải mái để có thể kéo dài quá trình điều trị, giúp vợ con, gia đình ổn định về tâm lý.

- Xin bà hướng dẫn chi tiết và cụ thể nhất cách 1 người muốn tầm soát ung thư (kể cả chưa có dấu hiệu gì rõ rệt) thì khi vào BV Bạch Mai phải vào phòng/ban nào, thủ tục như thế nào? (Ngô Văn Duy, Ninh Bình)

TS-BS Phạm Cẩm Phương: Nếu có nhu cầu tầm soát ung thư, mọi người có thể đến một trong các địa chỉ sau:

Phòng tư vấn, tái khám tầng 1, Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.

Phòng khám chuyên khoa Ung bướu: buồng 1, buồng 2, phòng 311,tầng 3, khoa khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai

Phòng khám chuyên khoa Ung bướu, buồng 1, phòng 414, tầng 4, khoa khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai.

- Trường hợp bệnh nhân ở xa, không có điều kiện vào BV Bạch Mai, ông/bà có thể hướng dẫn cách họ có thể tầm soát ung thư ở đâu, như thế nào được không? (Vy Hà, Ninh Thuận)

TS-BS Phạm Cẩm Phương: Bạn có thể khám tại phòng khám chuyền khoa ung thư tại các Bệnh viện tỉnh, hoặc truy cập vào trang web Ungthubachmai.com.vn. Chúng tôi có nhiều bài viết về bệnh ung thư và cóc thể trả lời qua emial cho bạn.

Theo ghi nhận của BV Bạch Mai, tỷ lệ số ca mắc ung thư loại ung nào là phổ biến nhất? (Đoàn Loan, Đắk Lắk)

TS-BS Phạm Cẩm Phương: Tại Bệnh viện Bạch Mai hành ngày đều tiếp nhận các trường hợp đến khám và điều trị bệnh ung thư.

Có thể thấy, các loại ung thư phổ biến nhất lần lượt là ung thư phổi, gan, ung thư đường tiêu hóa, dạ dày, đại tràng, thực quản, ung thư vú, não…

- Là người hiểu rõ các nguồn cơn gây ra bệnh ung thư, trong đó có việc ăn uống độc hại gây ra như thế nào. Ông/bà đã và đang làm gì để bảo vệ chính những người thân trong gia đình khỏi mắc ung thư từ việc ăn uống? Chẳng hạn: Ăn rau thì có mua ngoài chợ không hay mua rau quê, thịt lợn thì lấy từ nguồn nào v.v. (Độc giả Lương Hồng Hà, Phủ Lý, Hà Nam)

TS-BS Phạm Cẩm Phương: Cũng giống như mọi người, tôi cũng mua các thực phẩm từ chợ và luôn mong muốn rằng mua được thực phẩm sạch. Tuy nhiên rất khó để có thể biết được nguồn gốc của chúng.

Hy vọng các bác nông dân, người chăn nuôi gia súc, gia cầm... trồng rau hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc tăng trạng, thuốc bảo quản, thuốc kích thích để người Việt Nam ta tự bảo vệ lấy mình trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư và các bệnh lý khác.

Chúng ta cần đoàn kết, có lương tâm trong việc bảo vệ cộng đồng. Hãy mang lại cho cộng đồng người Việt những thực phẩm sạch, an toàn, có chất lượng.

- Công nghệ y học hạt nhân ở Việt Nam hiện nay có thể điều trị được những bệnh ung thư nào và điều trị đến mức độ nào? Có bệnh ung thư nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn từ công nghệ này không? (Độc giả Hoàng Thế Minh, Khoái Châu, Hưng Yên)

TS - BS Phạm Cẩm Phương: Hiện nay công nghệ y học hạt nhân có nhiều tiến bộ, và ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, nhiều bệnh ung thư đã được chữa khỏi nhờ công nghệ này.

Ví dụ như ứng dụng SPECT, SPECT/CT, PET/CT, định lượng miễn dịch phóng xạ, ghi hình miễn dịch phóng xạ... trong chẩn đoán bệnh ung thư.

Trong công tác điều trị cũng có nhiều đổi mới đáng ghi nhận như: sử dụng PET/CT mô phỏng lập kế hoạch điều trị, điều trị nút mạch vi cầu phóng xạ trong điều trị ung thư gan; cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt; điều trị bệnh Basedow và Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bằng I 131.

Điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, cần có sự kết hợp của các phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch....

Tùy vào từng loại bệnh, giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, thể trạng người bệnh.... mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.

Hiện nay, bệnh viện Bạch Mai đã cập nhật và đưa vào nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ngang tầm khu vực và một số nước trên thế giới.

Nhờ đó, 1/3 số bệnh nhân ung thư có thể chữa khỏi, 2/3 số còn lại có thể khéo dài thời gian sống, chất lượng sống.

Một số loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi oàn toàn như Ung thư vòm họng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tiền liệt tuyến…

TS-BS Phạm Cẩm Phương
TS-BS Phạm Cẩm Phương

- Một số ý kiến cho rằng bệnh ung thư tăng mạnh ở Việt Nam hiện nay phần lớn do thực phẩm bẩn, nhiếm chất độc. Bà có đồng ý với ý kiến này không? (Đoàn Bảo Lâm, Bắc Giang)

TS - BS Phạm Cẩm Phương: Phải thừa nhận rằng, tỷ lệ người mắc ung thư tại nước ta ngày càng tăng, điều này do nhiều nguyên nhân, cụ thể có thể kể đến một số nguyên nhân hàng đầu sau đây:

Thứ nhất là nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán bệnh ung thư nên ngày nay tỷ lệ người bệnh ung thư được chẩn đoán sớm nhiều hơn trước.

Thứ hai là do dân số tăng lên, vì thế số lượng người mắc ung thư được phát hiện ngày càng nhiều.

Thứ ba là Việt Nam chúng ta là một trong những nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao, điều này có liên quan trực tiếp đến việc ung thư phổi đứng đầu trong số các ca ung thư ở nước ta.

Thứ tư là tại Việt Nam, tỷ lệ mắc, nhiễm virus viêm gan B, C cao, nên tỷ lệ số ca ung thư gan cũng thuộc hàng cao trên thế giới.

Thứ năm là môi trường đất và nước của chúng ta hiện nay cũng ô nhiễm hơn trước, khiến tỷ lệ ung thư tăng cao.

Nguyên nhân quan trọng nữa là do số lượng chất phụ gia tạo màu, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng đang được sử dụng mất kiểm soát, gây độc cho thực phẩm, đồ ăn chúng ta dùng hằng ngày, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải
Nhà báo Bùi Ngọc Hải

- Theo ông, đối với các ung thư loại có thể chữa khỏi, có nhất thiết phải sử dụng hóa trị, xạ trị hay có thể dùng thuốc thay thế? (Hà Khê - Hà Tĩnh)

TS. BS. Hoàng Xuân Ba: Với bệnh ung thư, đến ngày hôm nay, các cách chữa trị bằng y học hiện đại đã mang lại hiệu quả cho 1 bộ phận bệnh nhân nhưng không phải là điều mà chúng ta dựa vào đó mà lạc quan.

Bởi vì, ở nhiều nước phát triển, tỷ lệ bệnh nhân có thể sống trên 5 năm khi phát hiện ung thư (các loại ung thư phổ biên). Ví dụ như ung thư phổi, khoảng 10-12%. Ung thư đại trực tràng là khoảng 50%, ung thư đầu tụy là khoảng 3-5%...

Điều này cho thấy rằng ung thư vẫn là bệnh rất khó hiểu và khó chữa. Bởi vậy khi nói về điều trị ung thư thế nào thì đó là quyết định mà bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân dựa vào hoàn cảnh kinh tế, sức khỏe nền tảng...

- Bệnh nhân ung thư thời gian gần đây thường ăn chay để hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư, điều đó có đúng không? (Công Tráng - Ninh Bình)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Chế độ ăn tốt cho bệnh nhân ung thư là vẫn ăn đủ các chất và cân bằng nhưng hạn chế lượng đạm động vật. Hạn chế là ăn ít chứ không phải không ăn.

Khi ăn đạm động vật nhiều và chế biến thịt ở nhiệt độ cao thì sẽ tạo ra những tiền chất gây ung thư.

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường

- Theo bà có nên ăn những quả táo để cả tháng không hỏng? Mức độ nguy hiểm của những quả táo này đối với sức khỏe như thế nào? (Đức Trường - Hải Dương)

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Tùy theo công nghệ bảo quản, có công nghệ bảo quản tốt như của Úc, Mỹ, Nhật… như bảo quản bằng màng sinh học hoặc chiếu xạ mà vẫn bảo quản được lâu và an toàn về mặt sức khỏe. Nên chúng ta chọn theo nguồn gốc của sản phẩm tốt thì vẫn an toàn.

Lời khuyên cho người dùng là: Cần mua thực phẩm, hoa quả ở địa chỉ tin cậy và biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó.

Nhưng nếu quả táo đó được bảo quản không đúng cách như bị tẩm ướp hóa chất độc hại thì lại có nguy cơ không tốt cho sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên như: Suy giảm chức năng gan, thận, gây lão hóa tế bào, tăng nguy cơ gây ung thư.


PGS.TS Nguyễn Thị Lâm

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm

- Thưa nghệ sĩ Hán Văn Tình, được biết, ông đã tìm đến nhiều nơi để chữa trị bệnh ung thư, thậm chí bằng cả cách giẫm đạp lên người. Lời khuyên của ông cho những ai đang mắc phải căn bệnh này? (Nguyễn Quang Vinh, Bình Thuận)

Nghệ sỹ Hán Văn Tình: Tôi thấy người ta nói: Có bệnh thì vái tư phương. Nghệ sĩ Xuân Hinh có nói với tôi: Thôi thì bệnh tật như vậy, anh hãy cứ Đông Tây Y kết hợp.

Tất nhiên là tôi cũng gõ cửa nhiều nơi để tìm lại sức khỏe, nhưng cũng có chọn lọc. Ngoài việc chữa trị ở bệnh viên Ung bướu Hưng Việt, tôi cũng có tham gia một số khóa tập để có cơ thể dẻo dai, sức khỏe tốt hơn.

Tôi cũng có tìm tới một số địa chỉ chữa trị bằng tâm linh, bằng cách “dẫm đạp” như mọi người nói. Và tôi thấy thoải mái hơn. Tôi nghĩ đây cũng là một điều tốt.

Đối với bệnh nhân, muốn khỏe mạnh thì tư tưởng phải thoải mái. Đó là điều quan trọng nhất.

Nghệ sỹ Hán Văn Tình
Nghệ sỹ Hán Văn Tình

- Theo ông, đâu là lý do chính khiến ông may mắn chiến thắng ung thư? (Trần Đăng Hiệp, Hàn Quốc)

Nghệ sỹ Hán Văn Tình: Để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tôi luôn biết ơn các bác sĩ, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, các cơ quan ban ngành, khán giả toàn quốc và nước ngoài đã ủng hộ rất nhiều về tinh thần, vật chất nên tôi mới có động lực để vượt qua.

- Là một trong những người ít ỏi chiến thắng ung thư, ông có thể chia sẻ bí quyết của mình? Bao nhiêu phần trăm trong sự chiến thắng này thuộc về may mắn? (Thu Minh, Q Tân Bình, TPHCM)

Bí quyết của tôi chính là lạc quan. Sự lạc quan giúp tôi 60% trong cuộc chiến đấu với bệnh ung thư. Còn lại là do sự hỗ trợ của bệnh viện, các cơ quan ban ngành, bạn bè người thân và khán giả khắp nơi.

- Những loại ung thư nào thường do thực phẩm "bẩn" gây ra? (Đào Mai Liên - Đắk Nông)

Tiến sĩ Hoàng Đình Chân: Nếu chúng ta sử dụng chế độ ăn có quá nhiều muối, ăn nhiều thức ăn lên men (dưa muối, cà muối..) chất bảo quản (thịt hun khói, xúc xích) thì dễ bị ung thư dạ dày và ung thư vòm họng, ung thư đại trực tràng....

- Tôi từng đọc được một nghiên cứu trên tạp chí nước ngoài rằng dùng chanh đông lạnh có thể ngừa ung thư. Theo đó, 1 quả chanh cũng có tác dụng phòng chống đến 50% các bệnh ung thư và nghiên cứu khuyên mỗi người nên tiêu thụ ít nhất 150g vỏ cam hoặc chanh đông lạnh mỗi tuần để đạt được tác dụng trên.

Sở dĩ họ khuyến cáo dùng chanh đông lạnh vì cho rằng như vậy có thể bảo tồn tốt nhất những hoạt chất chống ung thư có trong vỏ chanh. Ông nghĩ phương pháp này có tác dụng thực sự không? (Độc giả [email protected])

Lương y Nguyễn Hữu Khai: Nguyên nhân gây nên bệnh ung thư có rất nhiều, trong đó có những nguyên nhân khoa học chưa tìm ra.

Vỏ chanh (Đông y còn gọi tên là Thanh bì) chỉ các tác dụng lý khí, tiêu trệ, thông nhuận và kích thích tiêu hóa. Ngoài tác dụng trên cũng chưa thấy có tài liệu nào công bố vê tác dụng khác của vỏ chanh.

Tôi không phủ nhận điều bạn đã đọc được trên tờ báo đó vì có thể vỏ chanh ngừa được một vài chứng ung thư theo kinh nghiệm dân gian.

Tuy nhiên cũng không thể khẳng định vỏ chanh có tác dụng ngừa ung thư( kể cả việc bảo quản nó như bạn đã trình bày).

TS. Lương y Nguyễn Hữu Khai.
TS. Lương y Nguyễn Hữu Khai.

- Ở Úc, có trường hợp thực phẩm bẩn len lỏi vào các siêu thị như ở Việt Nam không? (Độc giả Hoàng Mai, Hà Nội)

Ông Trần Bắc Hải: Có chứ. Nhưng đa số các thực phẩm không đạt chuẩn vệ sinh được phát hiện ở Australia là do nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh.

Điều đó rất khác với thực phẩm bẩn ở Việt Nam, ngoài vi sinh vật gây bệnh, còn có thể mang lượng lớn hóa chất tồn dư (thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, thậm chí các hóa chất để tẩy rửa, biến thực phẩm ôi thiu thành ra như còn tươi v.v…).

Ta có thể nấu chín thực phẩm để tiêu diệt nhiều vi sinh vật, nhưng với rất nhiều hóa chất thì không thể loại trừ bằng nhiệt.

Ở Australia, người ta có phương pháp nào để loại bỏ chất độc hại ở thực phẩm đơn giản không? (Độc giả Công Phượng, Hà Tây)

Ông Trần Bắc Hải: Tôi nghĩ thay vì gặp thực phẩm ô nhiễm rồi mới tìm cách loại bỏ chất độc hại, ở Australia người ta chú trọng đề phòng tận gốc thực phẩm ô nhiễm, bằng quản lý hệ thống chất lượng.

Để loại bỏ hóa chất còn tồn dư trên bề mặt rau quả, chúng ta có thể rửa qua bằng nước sạch.

Có lẽ điều này phụ thuộc thói quen từng gia đình, nhưng theo quan sát của tôi, những người từ Việt Nam mới qua thường rửa rau quả rất kỹ. Chúng tôi thường đùa là quá lãng phí nước với một xứ ít mưa như Australia.

- Ông có thể cho biết bệnh ung thư ngoài chữa bằng Tây y như hiện nay thì Đông y có phương pháp nào hữu hiệu không? (Độc giả Hồ Công Phượng, Hà Tây)

Lương y Nguyễn Hữu Khai: Đông y có rất nhiều phương pháp chữa bệnh ung thư, tôi đã tận mắt nhìn thấy nhiều thầy thuốc chữa, và chính bản thân tôi cũng đã từng điều trị cho bệnh nhân.

- Theo ông, nên áp dụng biện pháp mạnh mẽ nào để chống lại việc người Việt tự đầu độc lẫn nhau? Ví dụ người tiêu dùng tự kiểm tra, tự tố giác thì sao? (Anh Nguyễn Phan Thành-TP Đà Lạt - Lâm Đồng)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, không phải chỉ chống lại việc người Việt tự đầu độc lẫn nhau mà chống lại cả những thực phẩm độc hại từ nước ngoài thâm nhập vào nước ta.

Còn vấn đề người Việt tự đầu độc lẫn nhau thì trước hết về mặt luật pháp phải có những chế tài xử phạt đủ sức răn đe, cơ quan thực thi phải kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Theo quy định Luật bảo vệ người tiêu dùng : Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền tự kiểm tra, tố giác những hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng

- Xin ông chia sẻ một vài bí quyết chống lại căn bệnh này trong quá trình điều trị của bản thân? (Nguyễn Tiến Mạnh - Bạc Liêu)

Ông Hán Văn Tình: Qua quá trình điều trị, tôi thấy nếu mình biết chấp nhận hiện thực để tâm lý thoải mái thì mới tốt cho quá trình điều trị. Không nên nghĩ đến cái chết hay sự đổ vỡ, càng không nên suy sụp, sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Nếu mình thoải mái đón nhận, sức khỏe của mình cũng không bị ảnh hưởng, mới có cơ sở để chống chọi với bệnh tật.

- Với tư cách Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, theo ông thì cơ chế xử phạt những người cố tình ngâm thuốc độc để bảo quản thực phẩm đã đủ răn đe chưa? Về mặt quản lý theo ông nên làm cách nào để xử lý triệt để? (Nguyễn Phi Long - Hòa Bình)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tình hình sử dụng chất cấm vào việc bảo quản, chế biến, sản xuất thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp. Điều đó cho thấy cơ chế xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Theo tôi, trước hết phải coi đây là một hành động đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản người tiêu dùng, là quyền hàng đầu trong 8 quyền của người tiêu dùng, theo Luật Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng.

Trên cơ sở đó phải có chế tài xử phạt rất nặng.

Vì, nó không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến giống nòi của dân tộc, thậm chí, nếu hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến số đông người tiêu dùng hoặc đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm như ung thư,…thì phải xử lý hình sự.

- Ông đánh giá thế nào về tỉ lệ tăng ung thư đột biến ở Việt Nam hiện nay? (Vũ Nhung - Phú Thọ)

TS. BS. Hoàng Xuân Ba: Tôi chưa có bằng chứng, cũng như tư liệu nào về tỉ lệ mắc bệnh ung thư cũng như tỷ lệ tử vong trên đầu người Việt Nam cao hơn trong khu vực, cũng như thế giới.

Nếu số liệu từ các cơ quan chức năng trong nước đưa ra là chính xác, thì con số này còn thấp hơn so với con số tử vong từ số liệu mà cơ quan chức năng Mỹ đưa ra từ đất nước này. Nên người dân không nên quá bi quan và hoang mang.

Thêm 1 vấn đề nữa là, nhiều năm trước đây, các nước châu Á, tỷ lệ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn so với các nước châu Âu và bắc Mỹ. Nhưng những năm gần đây, thì con số này lại tăng lên đột biến.


TS.BS Hoàng Xuân Ba

TS.BS Hoàng Xuân Ba

- Thưa bà, có phải ăn quá nóng, quá lạnh cũng dễ mắc ung thư? (Nguyễn Ngọc Vũ - Q. Tân Bình, TPHCM)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: Thức ăn quá nóng có thể ảnh hưởng tới niêm mạc của vùng miệng, thực quản trong quá trình nhai và nuốt sẽ làm biến đổi một số tế bào như cơ chế bị phỏng dẫn tới nguy cơ gây ra ung thư vùng miệng, hầu và thực quản.

Thức ăn lạnh thì không có nguy cơ gây ra ung thư nhưng không tốt ở những người bị viêm họng mãn tính.

Thưa ông Trần Bắc Hải, ở Australia, ông có tự trồng rau, củ quả ở nhà để tự cung cấp không hay ông mua toàn bộ thực phẩm các siêu thị? (Lê Thị Vinh - Bình Dương)

TS Trần Bắc Hải: Chúng tôi có một khu vườn khá rộng, ngoài hoa và cây ăn trái ra, vợ tôi cũng trồng các loại rau.

Trồng cả các thứ rau quen thuộc ở Việt Nam như rau muống, rau dền, cải dưa, củ cải, rau thơm…, thay đổi tùy theo mùa. Tới bữa ra vườn hái một nắm rau thì cũng tốt. Nhưng cái lợi chính có lẽ là về mặt tinh thần, là niềm vui khi được tiếp xúc với thiên nhiên.

- Ở Australia - nước ông sống, vấn đề thực phẩm sạch có được đề cao không và thể hiện như thế nào? (Thành Chung - Hưng Yên)

TS Trần Bắc Hải - Chuyên nghiên cứu về miễn dịch học, đang công tác tại BV Hoàng gia Adelaide: Ở Australia cũng như các nước phát triển khác, thực phẩm sạch và môi trường thiên nhiên trong lành là những thể hiện cốt yếu của chất lượng cuộc sống.

- Được biết anh là một bệnh nhân bị ung thư và hiện giờ đã điều trị ổn định. Anh có thể chia sẻ bí quyết chữa trị và cách anh đón nhận và sống chung với ung thư như thế nào không? (Độc giả Hoàng Huyền, Hải Dương)

Nghệ sỹ Hán Văn Tình: Bệnh tật chẳng chừa một ai, rơi vào ai thì người đó phải chấp nhận thôi.

Nhưng điều quan trọng nhất là mình phải giữ tâm lý thoải mái, không nên quá lo lắng làm ảnh hưởng đến chính sức khỏe của mình và tinh thần những người thân.

Đồng thời phải tới bệnh viện khám và tuân theo phác đồ điều trị của bệnh viện, quan trọng nhất là chúng ta phải lạc quan, tin tưởng vào khả năng khỏi bệnh của mình.

> MỜI XEM PHẦN 2 BUỔI GIAO LƯU TẠI ĐÂY

Danh sách khách mời của buổi giao lưu gồm có:

1. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm
2. PGS.TS Nguyễn Trung Chính - Ủy viên thường vụ Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Ung bướu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
3. TS - Lương y Nguyễn Hữu Khai
4. TS Trần Bắc Hải - Chuyên nghiên cứu về miễn dịch học, đang công tác tại BV Hoàng gia Adelaide
5. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas)
6. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam
7. Nghệ sĩ Hán Văn Tình - Bệnh nhân ung thư đã điều trị ổn định
8. TS - BS. Hoàng Xuân Ba - Trợ lý GS, Khoa Ngoại, Đại học Y khoa Keck, Đại học Nam California (VSC)
9. Bác sĩ Trần Thị Anh Tường - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM
10. Tiến sĩ Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực, bệnh viện K Trung Ương
11.BS Nguyễn Thị Thế Thanh - BS chuyên khoa II, PGĐ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai
12. TS - BS Phạm Cẩm Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại