Giáo hội Phật giáo VN lên tiếng về bức tượng phật "sắc dục"

Theo Phatgiao.org.vn |

Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ sớm có công văn gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố để rà soát trên tất cả các cơ sở thờ tự của GHPGVN trên toàn quốc, nếu phát hiện thấy những bức tượng như vậy, sẽ đề nghị “loại bỏ” khỏi nơi thờ tự.

Xung quanh thông tin về bức tượng “đức Phật và người phụ nữ khỏa thân ngồi trong lòng”, hòa thượng Thích Gia Quang – Trưởng Ban Thông tin Truyền thông – Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có ý kiến chính thức về vấn đề này.

Theo Wikipedia: Hình tượng như bức tượng trên có nguồn gốc từ tư thế "yab-yum" (cha và mẹ trong tiếng Tây Tạng) hiện hữu trong tín ngưỡng ở Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng, có cách đây ít nhất 1.200 năm."Yab-yum" là một biểu tượng phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo của Ấn Độ, Bhutan, Nepal và Tây Tạng.

PV: Kính bạch Hòa thượng, trong những ngày vừa qua trên các trang mạng xã hội Facebook lưu truyền bức ảnh tượng “đức Phật và người phụ nữ khỏa thân ngồi trong lòng”,  sau đó báo Bangkok Post đăng lại với chú thích là bức ảnh có xuất xứ từ Việt Nam, ý kiến của Hòa thượng về việc này?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Bản thân bức tượng mà báo chí và các mạng xã hôi có nêu, hiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa đủ cơ sở để khẳng định có đúng có nguồn gốc xuất phát từ Việt Nam hay không. 

Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định trong truyền thống Phật giáo Việt Nam không có những bức tượng kiểu như thế. Do đó, những bức tượng như vậy nếu xuất hiện ở những nơi công cộng, nơi thờ tự sẽ bị dư luận phản ứng.

Ở Việt Nam có hai truyền thống Phật giáo chính là Bắc Tông và Nam Tông đều không có những loại tượng như vậy.

Do đó, nếu có cá nhân nào thờ bức tượng hoặc các loại tranh tượng tương tự là mang tính cá nhân.

PV: Kính bạch Hòa thượng, bức tượng đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, tuy nhiên cũng có ý kiến khác cho rằng bức tượng đó hiện hữu trong tín ngưỡng Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng, nên không có gì xấu. Ý kiến của Hòa thượng về vấn đề này?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Để đánh giá một hiện tượng là tốt - xấu, phù hợp hay không phù hợp phải dựa vào nhiều yếu tố trong đó có truyền thống văn hóa, truyền thống môn phái, truyền thống Phật giáo của cư dân quốc gia, vùng miền mà nó xuất phát.

Xét trong truyền thống Phật giáo Việt Nam những bức tượng như vậy bị cộng đồng các trang mạng xã hội, các Phật tử phản đối mạnh mẽ, điều đó đã nói lên sự “không phù hợp”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại