Gian nan con đường đến trường của những trẻ nhiễm HIV

kimngan |

(Soha.vn) - Những đứa trẻ không may mắn ấy vẫn khao khát được đến trường, được học hành và được hòa nhập vào cộng đồng. Nhưng…

Những ánh nhìn… kỳ thị

Cậu bé Đức Anh năm nay 14 tuổi, cậu sống với bà nội ở một ngôi nhà nhỏ ở Vạn Kim, Mỹ Đức, Hà Nội. Bố mẹ cậu đã mất khi cậu còn rất bé, cậu đã không may mắc căn bệnh thế kỷ HIV từ người mẹ của cậu. Mặc dù sống trong sự khó khăn, thiếu thốn nhưng như bao đứa trẻ bình thường khác, cậu vẫn khao khát được đến trường, được vui chơi với bạn bè.

Nhưng sự kỳ thị của thầy cô, hàng xóm, sự đánh đập của bạn bè, Đức Anh đã phải nghỉ học. Vượt qua sự xa lánh đó, Đức Anh vẫn luôn yêu đời, vui vẻ và luôn tin tưởng vào cuộc sống, nhưng cậu vẫn khao khát được…đến trường học chữ. Thương cháu, bà nội đưa cậu vào miền Nam để cho cậu được thực hiện ước mơ còn dang dở…

Không chỉ mình cậu bé 14 tuổi có H ấy, mà còn hàng nghìn đứa trẻ trên đất nước này mắc căn bệnh này…hàng ngày vẫn đối mặt với sự kỳ thị, xa lánh của mọi người.

Chị Trần Thị Liên (Bắc Ninh) – một phụ nữ nhiễm HIV kể lại trong nước mắt về sự khó khăn của cô con gái bé bỏng của chị đã vượt qua sự mặc cảm được đến trường.

Gian nan con đường đến trường của những trẻ nhiễm HIV 1
Chị Trần Thị Liên xúc động chia sẻ về thời gian khó khăn đứa con chị sinh ra đến trường nhưng bị các bạn xa lánh (ảnh Thiên Di).

“Lúc sinh cháu ra, tôi không hề biết cháu bị HIV. Năm 2006 tôi mới đủ can đảm cho cháu đi xét nghiệm và có kết quả dương tính. Tôi buồn, thương cháu và vẫn cho cháu đi học bình thường. Một thời gian sau, do sự ảnh hưởng của thuốc hỗ trợ điều trị HIV nên trí nhớ của cháu không ổn định được, cô hiệu trưởng có gặp tôi nói chuyện. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu đã cho cháu ngồi riêng một bàn ở cuối lớp”, chị Liên nghẹn ngào kể lại.

Chị rưng rưng: “Con bé khóc về nói với tôi rằng các bạn không chơi với con nữa. Lòng tôi thắt lại, nói với con: “Con cứ yên tâm, không phải là kỳ thị mà do các bạn chưa biết rõ bệnh của con, bệnh con không lây nhiễm. Con cứ từ từ nói chuyện với các bạn để các bạn hiểu…Sau một thời gian, có vài bạn vẫn chơi và hiện giờ cháu sống rất hòa đồng với bạn bè”.

Để trẻ nhiễm H có nhiều cơ hội đến trường?

Đó là chủ đề của buổi tọa đàm do CLB Sinh viên Tuyên truyền, ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức vào tối ngày 28/11.

Nói về tỷ lệ nhiễm HIV ở Việt Nam, bác sỹ Trần Minh Giới – người đã có nhiều năm làm trong lĩnh vực HIV/AIDS cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 204 nghìn người nhiễm HIV còn sống, 60 nghìn người nhiễm H đã chết, số lượng mẹ lây nhiễm sang con ngày càng cao. Cụ thể, tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục tăng 45% (trong khi đó 7 năm trước chỉ có 15%) và mỗi năm trung bình có khoảng 4000 phụ nữ HIV sinh con.

Gian nan con đường đến trường của những trẻ nhiễm HIV 2
Bác sỹ Trần Minh Giới – người đã có nhiều năm làm trong lĩnh vực HIV/AIDS cho biết tỷ lệ phụ nữ HIV sinh con ngày càng tăng.

Đề cập đến căn nguyên dẫn đến thực trạng trẻ có H gia tăng bởi số phụ nữ có H sinh con tăng, bác sỹ Giới thẳng thắn: “Do mọi người chủ quan và quan niệm thoáng về quan hệ tình dục và đa phần là thiếu hiểu biết về sự lây nhiễm HIV qua đường tình dục, từ mẹ sang con”.

Tuy nhiên, đa phần những đứa trẻ được sinh ra ấy không có quyền được đến trường và bị xa lánh. Thậm chí có những đứa trẻ tự kỷ, sống khép kín vì bị kỳ thị. Vậy tại sao trẻ có H lại không thể đến trường như đứa trẻ bình thường?

Theo bác sỹ Giới thì nguyên nhân chính là do mọi người thiếu hiểu biết (hàng xóm, bạn bè hay đến thầy cô giáo…). Họ sợ hãi, lo sợ con họ chơi cùng trẻ có H không may bị sây sát là lây bệnh.

“Tôi khẳng định là bệnh này không bao giờ lây qua đường thông thường. Nhưng do tâm lý cố hữu của mọi người nên truyền thông bị lệch lạc về HIV khiến mọi người hiểu sai về nó”, bác sỹ Giới nói.

Nguyên nhân thứ 2 do chính đứa trẻ tự ti, không dám cắp sách tới trường. Bác sỹ cho biết thêm: “Bản thân gia đình và người nhiễm cũng không biết mình có quyền được đến trường, đi học, vui chơi. Họ thường thu mình lại, không đấu tranh. Như vậy, có thể thấy, ở Việt Nam có luật nhưng không có chế tài để xử phạt xâm phạm quyền. Ví dụ, trẻ bị ngồi riêng, tạo sức ép không cho trẻ có H đến lớp… là vi phạm quyền”.

Và cũng theo bác sỹ Giới – người đã có nhiều năm tiếp xúc với người có H, vận động trẻ đến trường thì giải pháp cần làm là vận động phụ huynh hiểu biết thêm về bệnh HIV và nâng cao nhận thức cho giáo viên, nhà trường về việc giúp trẻ có H được hòa nhập vào cộng đồng.

Một giả định được đặt ra, nhà nước nên xây dựng mô hình lớp học, trường học dành cho trẻ có H để giúp các em đến trường. Nhưng theo bác sỹ Giới thì hiện nay, đã có lớp học như thế ở một số trung tâm, nhưng đó chỉ là tình thế, nó chỉ khiến sự kỳ thị của mọi người lớn hơn.

Vậy, phải làm thế nào để trẻ có H được đến trường? Đó vẫn là bài toán khó cần giải đáp để đem lại quyền bình đẳng tối thiểu mà một đứa trẻ có, đó là được đến trường!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại