Giải phóng Trường Sa: Chiếm bàn đạp Song Tử Tây

Thần tốc tấn công Song Tử Tây, hòn đảo xung yếu bậc nhất ở Trường Sa, quân giải phóng nhanh chóng làm chủ đảo này, tạo bàn đạp tiến đánh, thu hồi các đảo còn lại từ tay chính quyền Sài Gòn.

Dù kế hoạch ban đầu vạch ra rất chi tiết nhưng khi trận đánh đầu tiên diễn ra ở đảo Song Tử Tây, vẫn có những sự cố bất ngờ xảy đến. Hai chiến sĩ của ta đã ngã xuống trước khi lực lượng Việt Nam Cộng hòa buông súng đầu hàng.


	Lực lượng đặc công hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh: TƯ LIỆU

Lực lượng đặc công hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh: TƯ LIỆU

Quyết định sinh tử

Theo kế hoạch, phân đội của đội trưởng Đội 1 Nguyễn Ngọc Quế sẽ nổ súng lệnh DKZ 75 tấn công Song Tử Tây lúc 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975.

Tuy nhiên, đến sát giờ G, nhóm đặc công hải quân (HQ) do đội trưởng Quế chỉ huy vẫn chưa thể tiếp cận đảo. Không nghe súng lệnh, phân đội thứ 2 của thượng sĩ Đào Mạnh Hồng không khỏi phân vân.

“Chúng tôi có một khẩu B41. Tôi quyết định tấn công trước, nếu không thì trời sáng, địch phát hiện sẽ hỏng việc” - ông Hồng nhớ lại.

Sau 38 năm, cựu binh Đào Mạnh Hồng vẫn tâm đắc với quyết định nổ súng tấn công Song Tử Tây của mình.

“Theo tôi, người lính chiến đấu thực địa phải tùy tình hình thực tế mà quyết định. Đến giờ, tôi vẫn cho rằng nổ súng trước vào Song Tử Tây là quyết định sáng suốt nhất trong đời binh nghiệp mấy chục năm của mình” - ông Hồng hào hứng.

Khi ấy, thượng sĩ Hồng bèn ra lệnh cho chiến sĩ Lê Minh Đức bắn liên tiếp 3 quả B41 vào đài chỉ huy, cột cờ và lô cốt ở trung tâm đảo Song Tử Tây. Bị tấn công bất ngờ, địch hoảng hốt nhưng cũng chống trả quyết liệt. Đến 5 giờ, tiếng súng từ khẩu DKZ 75 của đội trưởng Quế tiếp tục rền vang.

Ông Nguyễn Xuân Thơm, cựu thuyền trưởng tàu 673 - 1 trong 3 tàu không số đưa lực lượng đặc công HQ ra giải phóng Trường Sa, cho biết đại liên từ các lô cốt của địch trên đảo Song Tử Tây bắn trả như mưa.

“Hỏa lực của ta tập trung bịt họng các ổ phản kích. Các chiến sĩ nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy, làm chủ điện đài, tiếp cận các vị trí thuận lợi. Biết không thể cố thủ mãi, những tên lính Việt Nam Cộng hòa đã giương cờ trắng xin hàng” - ông Thơm hồi tưởng.

Sau 30 phút chiến đấu giằng co, lực lượng của ta đã làm chủ Song Tử Tây, hòn đảo xung yếu bậc nhất của Trường Sa.

Theo Thiếu tướng - anh hùng Mai Năng, nguyên đoàn trưởng Đoàn 126 đặc công HQ, khi tiến công Song Tử Tây, lực lượng của ta và địch ngang nhau. Tuy nhiên, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta rất lớn.

“Đội 1 là đơn vị duy nhất của Quân chủng HQ được vinh dự 3 lần nhận danh hiệu anh hùng, trong đó một lần nhờ trận đánh này” - ông Năng tự hào.

Kéo cờ giải phóng

Nhắc lại trận chiến ở Song Tử Tây, cựu binh Đào Mạnh Hồng không thể quên hình ảnh chiến sĩ Ngô Văn Quyền, người đã đỡ đạn cho ông.

“Khi thấy tôi bị một tên địch ngắm bắn, Quyền lao lên đỡ và dính đạn vào bụng. Sau khi ta chiếm được đảo, Quyền theo tàu về đất liền chữa trị nhưng cậu ấy đã không cầm cự được vì vết thương quá nặng” - ông Hồng xúc động.

Sau khi anh Quyền trúng đạn, thượng sĩ Hồng quyết tâm tiếp cận cột cờ để kéo cờ giải phóng thay cho cờ ba sọc của chính quyền Sài Gòn.

“Bất chấp nguy hiểm, tôi lao ra cột cờ để hạ cờ địch. Nhìn thấy cờ giải phóng kéo lên phấp phới, lại nghe ta bắc loa kêu gọi đầu hàng, lính Việt Nam Cộng hòa không còn tinh thần chiến đấu” - ông Hồng hồi tưởng.

Ngoài chiến sĩ Ngô Văn Quyền, đại đội trưởng Tống Văn Quang thuộc Tiểu đoàn 471 - Quân khu 5 đã hy sinh trong trận chiến ở Song Tử Tây và được an táng ngay trên đảo. Sáu lính Việt Nam Cộng hòa tử trận cũng được quân giải phóng mai táng cẩn thận trước sự chứng kiến của 33 tên đã đầu hàng.

“Thấy đại đội trưởng của mình bị địch bắn chết, một số chiến sĩ đòi xử tử toàn bộ đám lính Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, tôi không cho làm vậy.

Họ cũng là những người Việt Nam. Ta đã giải phóng đảo, địch đã đầu hàng, chiến tranh sắp kết thúc, chúng ta cần độ lượng để máu không tiếp tục phải đổ vô ích” - ông Hồng bồi hồi.

Sau khi tiếp quản Song Tử Tây, chiến sĩ Lê Xuân Phát của Đội 1, người được giao nhiệm vụ kéo cờ giải phóng khi ta chiếm đảo, đã thực hiện lại nghi lễ này, chính thức khẳng định quân ta đã làm chủ tình hình. Sau đó, Đội 1 được giao nhiệm vụ ở lại giữ Song Tử Tây thêm 1 tháng.

Tiến đánh Sơn Ca

Khi Song Tử Tây về tay quân giải phóng, Trường Sa bị uy hiếp, HQ Sài Gòn vội điều 2 tàu chiến từ Vũng Tàu ra chiếm lại. Tuy nhiên, trước sự phòng thủ chặt chẽ của ta, chúng không dám phản kích, đành lui về cố thủ đảo Nam Yết.

Đêm 24-4-1975, tàu 673 định đổ lực lượng lên đánh đảo Nam Yết nhưng gặp tàu khu trục của địch đang hoạt động, phải quay về Song Tử Tây chờ thời cơ.

Cũng trong đêm 24, tàu 641 của Đoàn 125 đưa một phân đội đặc công HQ do thiếu úy Đỗ Viết Cường, Đội phó Đội 1 Đoàn 126, chỉ huy tiến về Sơn Ca. Sau gần nửa giờ nổ súng, lực lượng đổ bộ đã giải phóng đảo này, bắt sống 17 lính Việt Nam Cộng hòa.

Anh hùng - chuẩn đô đốc Đỗ Viết Cường, nguyên phó tham mưu trưởng Quân chủng HQ, nhớ lại: “1 giờ 30 phút ngày 25-4, lực lượng đặc công vừa đổ bộ vừa trinh sát đảo Sơn Ca. Đến 2 giờ 30 phút, trận đánh bắt đầu. Trận chiến ở đảo này cũng diễn ra ác liệt không kém. Với khí thế sau chiến thắng Song Tử Tây, quân ta đã nhanh chóng làm chủ hoàn toàn Sơn Ca”.

Theo Thiếu tướng Mai Năng, trong trận đánh Sơn Ca, bên ta chỉ có một chiến sĩ bị thương nhẹ. “Sau khi mất Sơn Ca, các tàu tuần dương, khu trục của HQ Sài Gòn liên tục lượn qua lượn lại quanh đảo nhưng không làm được gì, đành quay về Nam Yết” - ông Năng cho biết.

Làm chủ Trường Sa

Lúc này, ở đất liền, quân giải phóng tấn công dồn dập và thắng lớn nhiều nơi. Quân đội Sài Gòn hết sức hoang mang, không thể cố thủ các đảo còn lại, đành rút chạy khỏi quần đảo Trường Sa. Ta nhanh chóng đưa lực lượng từ các căn cứ HQ ra tiếp quản, chốt giữ các đảo.

Đúng 2 giờ ngày 29-4-1975, trên hướng tiến công đường biển, quân ta kéo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giải phóng 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại