“Giải oan” cho ngôi đền từng bị nghi có “thánh vật” ở Hà Nội (kỳ 2)

H.Sơn |

(Soha.vn) - Một trong những chi tiết khiến nhiều người tin vào câu chuyện “thánh vật” sông Tô Lịch chính là những khó khăn mà đội thi công dự án cải tạo sông gặp phải tại đây. Tuy nhiên, những khó khăn đó lại do những nguyên nhân khác…

Không hề có "trận đồ trấn yểm"

Năm 2001, khi thực hiện dự án cải tạo sông Tô Lịch đoạn qua làng An Phú (Nghĩa Đô, Cầu Giấy), đơn vị thi công đã gặp phải một số khó khăn như cọc thép dù chôn sâu tới bốn mét để làm cừ thép chắn nước nhưng không hiểu sao cứ bơm hút hết nước thì cừ lại bị vỡ. Điều này càng khiến nhiều người thêm tin vào “trận đồ bát quái trấn yểm” là có thực và đây là những hệ lụy do phá bỏ “trận đồ” đó (!)

Đoạn sông Tô Lịch chảy qua địa phận làng An Phú, nơi được cho là có
Đoạn sông Tô Lịch chảy qua địa phận làng An Phú, nơi được cho là có "trận đồ bát quái trấn yểm".

Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học thì đây chỉ là những tình tiết ngẫu nhiên, không liên quan gì nhau, hiện tượng cừ chắn nước luôn bị vỡ chính là do đơn vị thi công mắc phải sai lầm nghiêm trọng ở khâu khảo sát trước lúc thi công.

Đoạn sông Tô Lịch trước đền An Phú là nơi mà đội thi công dự án cải tạo sông gặp nhiều khó khăn nhất. Theo TS Vũ Văn Bằng thì vị trí này chính là điểm giao nhau giữa sông Tô Lịch và con lạch cổ.

Đền Quán Đôi nằm ở địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), bên cạnh bờ sông Tô Lịch.
Đền Quán Đôi nằm ở địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), bên cạnh bờ sông Tô Lịch.

Tiến sĩ Vũ Văn Bằng – nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường khẳng định: “Việc đơn vị thi công dự án cải tạo sông Tô Lịch gặp khó khăn do vỡ cừ chắn nước hoàn toàn do yếu tố vật lý cơ học, không liên quan gì đến yếu tố tâm linh cả. Nếu trước khi thi công, đơn vị thi công dự án khi ấy chỉ cần “chịu khó” tìm hiểu về lịch sử hay tiến hành khảo sát địa chất kỹ càng một chút thì sự việc đã không phức tạp như vậy”.

TS Vũ Văn Bằng giải thích: “Qua tìm hiểu tôi được biết xưa kia, vị trí đoạn sông Tô Lịch trước đền Quán Đôi chính là điểm giao nhau với một con lạch. Con lạch này nối với hồ công viên Nghĩa Đô bây giờ. Sau này không hiểu vì lý do gì mà con lạch cổ này bị lấp đi.

Bởi thế, dù trải qua hàng mấy trăm năm, nhưng nền địa chất của khu vực này vẫn yếu hơn các vùng xung quanh rất nhiều vì sâu bên dưới chính là nền đất bùn. Đơn vị thi công trước đó đã không hề tiến hành khảo sát kỹ đặc điểm địa chất nơi mình sẽ thi công, bởi vậy khi gặp sự cố nền đất yếu và bị sụt, vỡ cừ thì hoàn toàn bị động và lúng túng”.

Cũng theo TS Vũ Văn Bằng, những cọc gỗ chôn dưới sông mà đơn vị thi công vô tình phát hiện không phải là “trận đồ trấn yểm” nào cả, mà đó thực chất chính là dấu tích còn sót lại của hàng cọc cừ chắn cửa con lạch để san lấp ngày xưa.

Đầu hàng "thánh vật" là sai lầm

Ngoài ra, TS Vũ Văn Bằng cũng thẳng thắn bày tỏ: “Qua vụ việc ở sông Tô Lịch, tôi cảm thấy thất vọng về cách phản ứng của một số nhà khoa học. Có người là giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành kiến trúc, xây dựng hẳn hoi thế mà khi gặp sự cố lại không hề tìm hiểu nguyên nhân để giải thích và khắc phục theo hướng khoa học.

Thay vào đó lại cho người lập đàn tế lễ, coi đó là nguyên nhân chính của những sự cố nói trên. Làm khoa học mà như thế thì thực sự không ổn chút nào”.

Tiến sĩ Vũ Văn Bằng - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường:
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường: "Đầu hàng 'thánh vật' là sai lầm. làm nhà khoa học ai lại nói thế".

Như để chứng minh cho điều mình nói, TS Vũ Văn Bằng dẫn chứng: “Năm 1990, I-rắc tiến hành xây dựng kênh đào Hussein, khi đó tôi cũng tham gia cùng đội kỹ sư thi công. Có một lần, khi thi công đến một đầm lầy thì xảy ra sự cố: Một công nhân I-rắc khi vừa bước xuống con hào mới đào xong thì bỗng nhiên bị ngất xỉu. Hai công nhân khác xuống đưa người này lên cũng bị ngất xỉu tại chỗ.

Sau cùng phải cho người đeo mặt nạ và trang phục chống độc, đeo bình ô-xy xuống mới đưa được ba công nhân này lên, nhưng khi lên đến nơi cả ba đều đã chết.

Hai cây đa trước Đền Quán Đôi được gắn với những câu chuyện li kì.
Hai cây đa trước Đền Quán Đôi được gắn với những câu chuyện li kì.

Sau khi nghe đơn vị thi công báo cáo tình hình sự cố, chính quyền I-rắc đã cử ngay các nhà khoa học từ thủ đô Bát-đa cùng các thiết bị khoa học đến để khảo sát tìm hiểu nguyên nhân.

Họ đã tìm ra nguyên nhân cái chết của ba công nhân là do bị ngạt vì khí mê-tan, ở bên dưới hào rất nhiều loại khí này. Các nhà khoa học I-rắc đã sử dụng các biện pháp khoa học cần thiết để can thiệp và xử lý ngay lập tức và công việc thi công kênh đào vẫn được tiến hành  bình thường”.

“Còn sự cố khi cải tạo sông Tô Lịch của ta thì đơn vị thi công và một số nhà khoa học lại làm khác. Đổ hết trách nhiệm cho yếu tố tâm linh, lập đàn tế lễ, khiến cho dư luận thêm phần hoang mang. Đầu hàng thánh vật là sai lầm. Làm nhà khoa học ai lại nói thế”, TS Vũ Văn Bằng nói.

“Giải oan” cho ngôi đền từng bị nghi có “thánh vật” ở Hà Nội (kỳ 1)

(Soha.vn) - Đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện “thánh vật” sông Tô Lịch đã lắng xuống. Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng nhiều người từ các nơi kéo đến cúng bái, tế lễ ở đền Quán Đôi vào các ngày sóc, vọng đang có xu hướng tăng lên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Nhiều người trong số đó vẫn ngộ nhận rằng câu chuyện “thánh vật” là có thực và lôi kéo, thuyết phục nhiều người khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại