'Giải mã' vệ tinh 72 triệu USD Việt Nam sắp phóng

Theo Infonet |

Chỉ nặng 120 kg nhưng vệ tinh VNREDSat-1A của Việt Nam sẽ đảm trách khối lượng công việc khổng lồ, bao gồm theo dõi tài nguyên, quản lý môi trường, giám sát thiên tai trên toàn lãnh thổ trong 5 năm.

Vệ tinh VNREDSat-1A được công ty chế tạo vệ tinh Astrium sản xuất riêng cho Việt Nam. Ngày 4/1 vừa qua, Astruym và Arianespace, công ty không gian có trụ sở tại Pháp, đã ký kết hợp đồng phóng vệ tinh VNREDSat-1A trị giá 55,2 triệu euro, tương đương hơn 70 triệu USD cho Việt Nam.

Mô phỏng vệ tinh VNREDSat-1A của Việt Nam.

Theo kế hoạch, việc phóng VNREDSat-1A sẽ được tiến hành trong quý II năm nay từ Trung tâm Vũ trụ Guiana, trực thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nằm ở Guiana, thuộc Pháp. Tên lửa đẩy được sử dụng trong lần phóng này là Vega, từng đưa rất nhiều vệ tinh vào quỹ đạo trái đất.

VNREDSat-1A là một vệ tinh quan sát quang học, được đưa vào quỹ đạo trái đất và hoạt động ở độ cao 670 km.

Nặng 120 kg, VNREDSat-1A sẽ đảm trách toàn bộ nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, tối ưu hóa việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như dự đoán nhằm sớm đưa ra biện pháp phòng tránh thiên tai của Việt Nam.

VNREDSat-1A đi vào hoạt động sẽ giúp các nhà chức trách đưa ra cảnh báo sớm nhất đối với người dân về những thảm họa sắp sửa ập đến.

VNREDSat-1A hoạt động nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời nên quỹ đạo bay của nó sẽ đồng bộ với quỹ đạo quay của trái đất.

Khi hoạt động, vệ tinh sẽ chụp những bức hình có độ phân giải 2,5m chế độ toàn sắc panchromatic (chi bao gồm màu đen và trắng) và độ phân giải 10 m ở chế độ đa quang phổ (ảnh màu) trên khu vực rộng 17.5 km/khung hình.

Trong khuôn khổ dự án, 15 kỹ sư của Việt Nam đã được đào tạo bởi đội ngũ của Astrium nhằm nắm toàn bộ công nghệ khai thác vệ tinh, giúp Việt Nam tự chủ hoàn toàn trong việc sử dụng VNREDSat-1A.

Với thời hạn sử dụng tối thiểu là 5 năm kể từ khi được phóng, VNREDSat-1A hứa hẹn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Đồng hành cùng VNREDSat-1A của Việt Nam trong chuyến đi lần này là vệ tinh Proba-V của Cơ quan Không gian châu Âu.

Tên lửa đẩy Vega được sử dụng cho nhiệm vụ lần này là một trong những tên lửa chuyên trách việc đưa các vệ tinh nhỏ vào không gian.

Với cấu tạo 4 tầng, chiều cao 30 m, đường kính 3 m và tổng trọng lượng lên tới 137.000 kg, Vega dễ dàng đưa những vệ tinh có trọng lượng 300–2.500 kg vào quỹ đạo 700 km.

Ngoài những giá trị về khoa học và công nghệ, VNREDSat-1A còn là minh chứng cho sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Pháp.

Được ký kết đúng thời điểm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, VNREDSat-1A là lời cam kết cho việc tiếp tục mở rộng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại