Có bạn đọc đã cung cấp cho tác giả bài viết thêm nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến công trình tượng Phật để giúp làm sáng tỏ cũng như giải tỏa những thắc mắc của rất nhiều người:
Bức tượng Phật dốc 47 nằm ở một vị trí đắc địa nhất trên tuyến QL 51 ai là người xây dựng? Thời gian khởi công xây? Mục đích xây dựng để làm gì?
Địa danh dốc 47, nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử
Về địa danh dốc 47 trên QL 51 đoạn qua xã Tam Phước, TP.Biên Hòa (trước năm 1975 tên là QL 15 - hay còn gọi là lộ 15, mãi đến những năm 1990 mới đổi thành QL 51) có rất nhiều cách lý giải khác nhau.
Có người cho rằng, thời xưa muốn đi từ Sài Gòn về Vũng Tàu thì đến ngã 3 Tân Vạn phải rẽ vào con đường qua cầu Gành (Cù Lao Phố) rồi xuyên qua thị xã Biên Hòa, qua Long Bình rồi đến chân dốc thì mất đúng 47km (tính điểm khởi đầu từ bưu điện Trung Tâm Sài Gòn khi đó).
Hiện nay trên QL 51, trụ cây số KM47 đã không còn mà thay vào đó là trụ cây số KM10 để đánh dấu cách ngã 4 Vũng Tàu còn 10 Km nữa.
Cũng có lý giải khác cho rằng, sở dĩ gọi dốc 47 là vì chiều dài con dốc từ chân dốc tính từ chân cầu suối Độn kéo dài lên tận đỉnh dốc là đúng 47m.
Và cũng có thêm một ý kiến nữa nói ngày xưa người Pháp bắt đầu xây dựng hệ thống lưới điện trên con đường này thì ngay tại đầu dốc có đặt một trụ điện thứ 47 (?).
Sách “Địa chí Đồng Nai” (NXB Đồng Nai 2011) ghi, QL 51 được người Pháp cho xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 dựa trên con đường “thiên lý cù” đất đá gập ghềnh.
Rồi những năm 1960, người Mỹ mới tiếp tục mở rộng nâng cấp con đường tỉnh lộ thành quốc lộ trải nhựa nóng, rộng hơn 10m, có hai làn xe để phục vụ chuyên chở hàng hóa, thiết bị nhập khẩu từ cửa biển Vũng Tàu chở về Biên Hòa, Sài Gòn.
Do đây là tuyến đường độc đạo để người Pháp, người Mỹ vận chuyển hàng hóa, thiết bị quân sự phục vụ cho chiến tranh từ biển vô đất liền nên tại địa danh dốc 47 thường xảy ra những trận đánh hay phục kích của lực lượng cách mạng nhắm vào đối phương.
Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Long Thành 1930-1975” (Thạc sĩ Trần Quang Toại, Thạc sĩ Phan Đình Dũng biên soạn năm 2008) có ghi lại sự kiện vào ngày 28-10-1945, một đoàn xe của quân Anh, Pháp từ Biên Hòa xuống Vũng Tàu, tới dốc 47 thì bị dân quân Tam Phước, Phước Tân kết hợp với phân đội bộ đội chủ lực chặn đánh.
Trận chiến đấu kéo dài từ sáng đến trưa. Địch bị bắn cháy 1 xe, chết vài tên phải bỏ dở cuộc hành quân rút về Biên Hòa.
Trong trận đánh không cân sức này, một dân quân Tam Phước Nguyễn Văn Tranh hy sinh, đó là người chiến sĩ huyện Long Thành đầu tiên ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên mảnh đất quê hương.
Ngày 19-12-1960, hàng trăm đồng bào Tam An, Tam Phước, Phước Tân (huyện Long Thành) phối hợp cùng du kích phá các chốt dân vệ, tấn công đồn quân Mỹ đóng tại chân dốc 47, giải phóng và làm chủ được vùng đất 5 ấp.
Đây là trận đầu tiên dân quân Long Thành tập kích trực tiếp vào quân Mỹ xâm lược.
Đặc biệt, vào ngày 14-07-1974, tại địa điểm dốc 47, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tổ chức một điểm bầu cử tổng thống tại khu vực huyện Long Thành.
Huyện ủy Long Thành bấy giờ chỉ đạo dân quân du kích địa phương phải tìm cách phá và cuộc bầu cử của chính quyền Thiệu tổ chức tại đây bị thất bại hoàn toàn.
Tượng Phật dốc 47 và nỗi niềm của những người đã khuất
Ông Trần Văn Nhu (chín Nhu, 86 tuổi), hiện đang làm thủ từ đình thần Phước Tân (ấp Miễu, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) nhớ lại trước năm 1975 thì con dốc 47 rất dài, cao và khá hiểm trở vì thực ra nó còn có một khúc cua khá ngặt.
Tay tài xế nào mới vào nghề, chạy lên con dốc này đều phải ngán “xanh mặt” nếu không biết xử lý trả số hay tăng ga thì xe dễ bị chết máy ngay tại giữa dốc.
Tại dốc này thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc nên cánh tài xế đương thời còn gọi dốc 47 là “dốc tử thần”.
Cụ Chín Nhu kể lại câu chuyện ám ảnh cụ đến giờ là khoảng năm 1960 có một chiếc xe lam chở đoàn toàn ni sư từ Sài Gòn đi hành hương tại các chùa ở huyện Long Thành đi đến đây gặp tai nạn, tất cả ni sư trên xe đều thiệt mạng...
Trong một lần đi thị sát địa bàn Long Thành, một sĩ quan của tiểu khu Biên Hòa (chế độ cũ) - ông Trần Ngọc Thới (sinh năm 1932) từ trên máy bay nhìn xuống mới phát hiện được xung quanh dốc 47 là một quả đồi thấp trồng tre xanh bạt ngàn, hình dáng như một cái mu rùa úp ngược (thực ra, gọi là quả đồi cũng không đúng, chính xác là cái gò vì trong cuốn “Biên Hòa sử lược toàn biên” (năm 1971), cố sử gia Lương Văn Lựu có nhắc địa danh “Gò 47”).
Từ đó, ông Trần Ngọc Thới manh nha ý định muốn xây dựng một tượng Phật đặt trên gò dốc 47 có hình dáng con rùa theo quan niệm tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng.
Ý tưởng này được sự đồng lòng đóng góp công sức tài vật của bạn bè ông Thới ở Sài Gòn. Nổi bật trong nhóm người phát tâm đó có ông Đỗ Minh Sính (sinh năm 1910), một thương nhân cư ngụ tại Quận 6 (Sài Gòn).
Ông Đỗ Minh Sính vốn là một cư sĩ Phật giáo tu tại gia, là người phác thảo bối cảnh và thiết kế bức tượng đức Phật.
Công trình này được phân chia công việc rõ ràng, ở Biên Hòa thì ông Trần Ngọc Thới lo xây dựng phần thân trụ bệ đỡ có hình 4 cánh với vật liệu có sẵn ở địa phương như gạch Tân Vạn, đá Hóa An, cát sông Đồng Nai; còn ở Sài Gòn ông Đỗ Minh Sính liên hệ nghệ nhân đúc tượng Phật nổi tiếng thời đó là ông Lê Văn Chánh (Bảy Chánh) tác tạo.
Công trình từ khi phác thảo bản vẽ đến hoàn thành kéo dài trong gần 1 năm.
Vào đầu năm 1970, buổi lễ an vị tượng Phật được tổ chức trọng thể với sự tham gia của hàng trăm bà con Phật tử ở Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một... cùng các vị chức sắc của chính quyền chế độ cũ.
Ông Lê Văn Tiến (Hai Tiến) là con trai nối nghiệp nghề đúc tượng của ông Bảy Chánh kể lại, chính ông và ba ông đã trực tiếp tham gia vào công đoạn ráp đầu tượng Phật vào chân trụ.
Đây là một công việc vô cùng khó khăn, phải có sự tính toán chặt chẽ vì đầu Phật được chế tác nặng gần 100 ký.
Để đưa đầu Phật vào vị trí chính xác trên thân trụ cao gần 4m phải sử dụng cây cần cẩu “khổng lồ”, từng thao tác của nhân viên phải phối hợp nhịp nhàng ăn ý.
Theo bản vẽ thiết kế của ông Đỗ Minh Sính, ngoài bức tượng Phật, xung quanh còn xây dựng thêm nhiều hạng mục như bồn hoa, nhà mát cho khách hành hương có chỗ nghỉ chân, con đường trải nhựa cho xe chạy từ chân dốc chạy thẳng lên chân tượng Phật.
Tuy nhiên, giai đoạn từ sau những năm 1970, cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt và dữ dội nên ý định xây dựng các hạng mục trên phải tạm hoãn và ngưng hẳn cho đến ngày giải phóng miền Nam (sau năm 1975, người ta còn gọi tượng Phật dốc 47 có tên là “Tượng Phật cô đơn” vì nằm lặng lẽ xung quanh không có một ngôi chùa nào).
Hiện nay, những người có công đóng góp xây dựng tượng Phật dốc 47 như ông Trần Ngọc Thới, cụ Đỗ Minh Sính, cụ Lê Văn Chánh đều đã qua đời nhưng tâm nguyện họ gởi gắm lại cho con cháu đời sau vẫn còn hiện hữu.
Mục đích chính xây dựng tượng Phật (phía trên là tượng bán thân Phật A Di Đà, dưới có chân trụ xòa ra bốn cánh tượng trưng cho bốn phương trời trong nhân gian, đồng thời 4 cánh cũng mang ẩn dụ sâu sắc của đạo lý Phật giáo: thành, trụ, hoại, không chỉ đơn thuần là cầu an cho bá tánh khắp nơi.
Theo người dân xã Tam Phước, cũng thật “lạ” và có chút gì đó tâm linh từ khi dốc 47 có an vị tượng Phật thì tai nạn giao thông tại “điểm đen” này giảm hẳn.
Thế hệ con cháu sau này của các ông Trần Ngọc Thới, cụ Đỗ Minh Sính đều có chung nhiều nỗi niềm day dứt là trước lúc lâm chung di nguyện của cha, của ông họ là muốn con cháu tiếp tục đóng góp công sức vật chất để tu bổ và hoàn thiện tiếp các hạng mục dang dở.
Tuy nhiên, sau 1975, diện tích đất trên đồi dốc 47 là đất quốc phòng thuộc sự quản lý của Tỉnh đội Đồng Nai nên việc có được xây dựng chỉnh trang, tu bổ tượng Phật nảy sinh nhiều vấn đề cần phải bàn bạc.
Trao đổi với chúng tôi về công trình tượng Phật trên đồi dốc 47, đại diện chính quyền địa phương xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết trước đây có một nhóm người tự phát chở đất, đá, gạch, cát lên đồi dốc 47 nói là để gia cố lại chân trụ tượng Phật.
Vì đây là phần đất quốc phòng muốn xây dựng sửa chữa gì phải xin phép cơ quan chức năng nên chính quyền địa phương buộc can thiệp.
Đại đức Thích Thiện Trí - Chánh Thư ký Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh Đồng Nai chia sẻ, từ lâu GHPG tỉnh Đồng Nai cũng đã biết sự tồn tại của công trình tượng Phật có giá trị nghệ thuật và mang đầy ý nghĩa Phật giáo cung đường QL 51.
Các tổ chức và cá nhân Phật tử nào phát tâm muốn tu bổ công trình Phật này thì làm đơn trình bày rõ ràng cụ thể mọi lý do phát nguyện gởi đến trụ sở GHPG tỉnh Đồng Nai: ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Từ đó, Ban trị sự GHPG tỉnh Đồng Nai sẽ xem xét đơn của Phật tử và sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Đồng Nai để xin ý kiến theo quy định trình tự của pháp luật hiện hành.