Mà cà rồng chuyện hoang đường
Hỏi thăm người dân nào ở xóm về nhà cụ Lò Thị Mai - người bị vu cho là ma cà rồng, ai cũng e ngại. Họ cảm thấy sợ sệt khi nhắc đến bà Mai. Có người còn bảo: “Các anh không sợ mất mạng à. Có giỏi thì cứ tự đi mà tìm nhà con ma đó”. Niềm tin mù quáng về một thứ ma tà đã khiến những người dân nơi đây như đã ăn vào tiềm thức.
Nhiều lần vòng đi, vòng lại quanh xóm, tôi cũng được một người phụ nữ ở nơi khác đi làm qua xóm núi chỉ cho ngôi nhà của mẹ con cụ Mai. Gian nhà của mẹ con bà Mai nằm bên hông của dãy nhà tập thể đã xuống cấp. Thấy có người khách lạ vào chơi, chị Miên – con gái của cụ Mai tỏ ra bất ngờ. Chị lại lặng lẽ làm việc coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Dường như tâm trạng của người phụ nữ này luôn đề phòng và không muốn tiếp người lạ.
Bởi lẽ từ lâu rồi, nhiều người dân trong xóm đã đến tận nhà để vu oan, đổ tội cho mẹ con chị đã làm hại con cháu họ. Quãng thời gian im lặng đó cứ nặng nề trôi qua, chị Miên chỉ mong chúng tôi rời ngôi nhà của mẹ con chị càng sớm, càng tốt. Phải mất một lúc lâu tôi mới thuyết phục được người phụ nữ này tin rằng, chúng tôi đến không phải để vu vạ gì cho mẹ con chị.
Chị tỏ ra miễn cưỡng khi tiếp chuyện chúng tôi. Câu đầu tiên chị "đãi" chúng tôi là một lời than thở não nề về kiếp người nhiều năm chịu oan khuất: “Nhà tôi như bị cái xóm nhỏ này bỏ rơi”. Chưa kịp nói hết câu, chị lặng lẽ đưa tay áo lên ngạt đôi hàng lệ đang trào ra từ khóe mắt. Rồi chị khóc nức nở như tìm được nơi để trút bầu tâm sự: “Họ bảo rằng mẹ con tôi là ma cà rồng, chuyên đi hút máu người. Thi thoảng có người có con bị ốm hay sốt nặng là họ sang nhà tôi chửi rủa thậm tệ. Họ mắng, chửi mẹ con tôi luôn phải cắn răng chịu đựng. Suốt nửa đời người mang nỗi hàm oan đó mà chẳng biết kêu ai…”.
Dường như tâm lý của người phụ nữ này đã bị dồn nén đến mức cực độ. Khi đã khóc cho thỏa cơn uất hận, chị mới kể tiếp, quê chị ở thị trấn Mường So, huyện Phong Thổ - cách chỗ ở hiện tại gần 40 cây số. Ngày đó, chị là người con gái xinh đẹp có tiếng của thị trấn.
Nhiều chàng trai mong muốn cùng chị kết mối tơ hồng. Lạ thay chị chỉ yêu 1 chàng trai lái xe của huyện. Tình yêu của họ đã đơm hoa, kết trái, tưởng như chẳng gì có thể chia lìa được. Họ đã hẹn thể với nhau cuối năm đó sẽ tổ chức đám cưới.
Thế rồi tai ương đã đổ xuống gia đình chị theo một kịch bản không ai ngờ tới. Khi đó bà con sống ở Mường So vẫn còn rất tin vào chuyện ma cà rồng hút máu. Và có một người con gái khác cũng thầm yêu trộm nhớ người yêu của chị. Người này muốn chia rẽ mối lương duyên tưởng như sắp thành của chị.
Họ tự bịa ra một câu chuyện là mẹ con chị là ma cà rồng. Với người dân ở miền sơn cước mà bị coi là ma cà rồng, ai cũng khiếp sợ và tránh xa. Ngay cả người yêu của chị đã từng thề non hẹn biển cũng không tránh được tâm lý dao động. Cuối cùng người yêu chị đã bỏ chị, không một lời nhắn nhủ. Đường tình duyên bị lỡ dở mà tiếng oan là ma cà rồng vẫn đeo bám lấy mẹ con chị từ dạo ấy.
Đầu năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới, gia đình bà và nhiều hộ dân khác ở Mường So cùng chuyển về nơi ở hiện nay sinh sống là Tổ dân phố số 1, thị xã Lai Châu. Những tưởng câu chuyện về ma ca rồng cũng theo đó mà tan biến, nào ngờ miệng lưỡi của người đời thật đáng sợ, mẹ con chị không sao giải tỏa được nỗi oan khuất trước họ. Hàng ngày họ xa lánh và không muốn quan hệ với mẹ con chị.
Cuộc đời chị cũng có quãng thời gian được bù đắp là có 1 người đàn ông đã dám lấy chị làm vợ. Họ chung sống được với nhau được gần 20 năm, chồng chị bị bệnh trọng rồi mất. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, người dân nơi đây lại vu cho là chị đã biến thành ma cà rồng hút máu chồng đến chết.
Dường như bao nỗi oan khuất, những chuyện gì xấu xa nhất của loài ma cà rồng, họ đổ lên đầu hai mẹ con chị. Nhà nào con cái bị ốm đau, cảm sốt, họ đều nghi cho mẹ con chị là thủ phạm.
Mù quáng dẫn đến hoang mang
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi cụ Mai đi chợ về. Cụ cố lết từng bước đi nặng nhọc vào nhà. Phía sau lưng cụ là một gùi rau to tướng chưa bán hết. Hóa ra cụ đi chợ bán rau để kiếm miếng ăn cho qua ngày. Cũng giống như chị Miên, cụ Mai tỏ ra ngạc nhiên khi có mấy người khách lạ đến nhà.
Cụ lặng lẽ hạ chiếc khăn đội đầu xuống để xổ ra mái tóc đã bạc trắng. Cụ tỏ ra mệt mỏi và chán chường vì không bán hết được gùi rau. Trên gương mặt đã già nua hằn những nếp nhăn. Khi đã yên vị và biết rõ mục đích của mấy người khách lạ, cụ Miên mới trút bỏ được tâm lý đề phòng.
Cụ nhìn người con gái như để cảm thông với nỗi khổ của 2 mẹ con cụ đã phải chịu trong suốt mấy chục năm qua. Năm nay cụ đã tròn 80 tuổi nhưng vẫn phải làm lụng vất vả để kiếm sống. Sau khi chồng mất, chị Miên mới về đây ở cùng cụ.
Mấy năm trước, gia đình cụ còn được công nhận là hộ nghèo. Nhưng không hiểu vì lý do gì đó, họ đã cắt suất hộ nghèo của mẹ con cụ từ năm 2008. “Trước còn có sổ bảo hiểm hộ nghèo, đi khám, người ta còn cho ít thuốc miễn phí. Giờ đây điều đó là ước mơ xa vời với tôi rồi”, cụ Mai buồn rầu nói về gia cảnh của mình. Nói đến đây cụ lại ho lên từng hồi, trên tay cụ cầm đôi tất đã cũ mèm và vá chằng, vá đụp như sợ người khách lạ nhìn thấy, cụ vội giắt chúng vào đầu giường.
Cuộc sống của mẹ con cụ giờ trông cả vào những gùi nhau đưa lên chợ vào buổi sáng. Nếu cụ bán được rau thì có gạo ăn, không bán được, mẹ con lại rau cháo qua ngày. Tuổi cao sức yếu, cụ lại bị bệnh khớp nên mỗi sáng thức dậy, không tài nào nhấc chân lên nổi.
Bao khó khăn của một kiếp người, ăn đói, mặc rét, mẹ con cụ có thể vượt qua. Ấy vậy mà khi nhắc tới 2 từ “phi sư” – ma cà rồng, cụ như cảm thấy có ai đó dùng dao cứa vào từng khúc ruột vậy. Cô con gái đã từng lỡ dở tình duyên, giờ đây mẹ con cụ còn bị người đời xa lánh và cô lập.
Cụ kể, mỗi khi cụ đi ra đường nhìn thấy mấy đứa trẻ được người lớn bế trên tay, cụ có hỏi chuyện, người thân của đứa trẻ gạt phắt ngay. Họ xa lánh cụ như tránh tà vậy. Nhiều người còn độc mồm độc miệng nói như vỗ vào mặt cụ: “Bà là ma cà rồng chuyên hút máu người. Tốt nhất là bà nên tránh xa con cháu tôi ra”. Cái nỗi sợ lớn nhất của đời người là bị đồng loại xa lánh, ghẻ lạnh và nghi kị. Suốt mấy chục năm qua, 2 mẹ con cụ chưa được một lần được minh oan, rửa tủi hờn.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, ma cà rồng là câu chuyện truyền thuyết đã có từ rất lâu. Nó không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà ngay cả các nước châu Âu cũng thường xuyên rộ lên tin đồn này. Ít nhiều, nó gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Bởi lẽ, tâm lý người dân ở bản làng miền núi vùng sâu vùng xa do nhận thức kém nên dễ bị ảnh hưởng từ những lời đồn ma quỷ.
GS Thịnh cho biết: “Tôi đã từng nghe rất nhiều lời đồn về ma quái rất kinh khủng và ghê gớm. Tuy nhiên chưa bao giờ tận mắt thấy con ma ấy hình thù thế nào. Qua bao năm tìm hiểu, tiếp xúc với người dân tộc, tôi chưa gặp ai khẳng định đã tận mắt gặp con ma hút máu người ấy”.
GS Thịnh cho rằng, đây là sự mê tín dị đoan thái quá của người dân. Có thể một ai đó do suy nghĩ nhiều đã mường tượng ra và kể lại cho người khác. Qua lời đồn thổi khiến cho con ma mường tượng ấy trở nên ghê gớm. Từ đó nhiều gia đình hoang mang, không dám cho con trẻ ra khỏi nhà. Chính quyền địa phương nên có những lời giải thích, tuyên truyền, từng bước xóa bỏ những lời xuyên tạc về ma cà rồng.