Bài 1: Tổ ong khổng lồ đáng giá cả một gia tài ở Tuyên Quang
“Chuyện anh Bông lấy mật ong khi chưa cúng, chưa hỏi ý kiến "Thần Ong", khiến mọi người trong bản đều hãi. Vài hôm sau, anh Hoàng Văn Bông đã chết thảm khốc trong một hang đá”.
Không chỉ anh Hoàng Văn Bông mà theo lời kể của thầy cúng Lý Thức Tình, còn có một vài nạn nhân chịu hậu quả thảm khốc vì "phạm" tới "Thần Ong".
Người suýt mất mạng, kẻ ốm liệt giường liệt chiếu vì tự tiện xua ong, trộm mật. Thực hư câu chuyện đã được chính vị Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) chia sẻ với phóng viên.
Những câu chuyện nhuốm màu kỳ bí
"Theo lời các cụ kể lại, ngày xưa, khi di cư đến bản Giang Chí, ngọn núi cao nhất Tuyên Quang, thuộc huyện Lâm Bình bây giờ, đói khát quá, lại mắc nhiều bệnh, nên một người trong họ đã trèo lên lấy mật ong.
Khi trèo đến nơi, chưa lấy được tổ ong nào, thì bỗng một đám mây đen ào ào bay đến, cơn gió nổi lên, thổi bay người này xuống, chết tan xương nát thịt dưới chân núi.
Từ trên vách núi, vang xuống một lời nói rằng "Thần Ong" ngự trên quả núi này, không ai được phép tự tiện quấy phá.
"Thần Ong" cũng báo rằng, nếu muốn lấy mật thì phải cúng bái đàng hoàng, nếu "Thần Ong" cho phép, thì mới lấy được mật, còn "Thần Ong" từ chối, thì nhất định không được động vào, kẻo mất mạng như chơi.
(Như đã lý giải ở bài Tổ ong khổng lồ đáng giá cả một gia tài ở Tuyên Quang, thờ cúng "Thần Ong" thực chất là việc trông nom tổ ong khổng lồ, một cách chăm sóc đời sống tinh thần của người Dao).
Từ bấy, người Dao ở bản Giang Chí cúng bái cẩn thận mỗi khi muốn khai thác ong", thầy cúng Lý Thức Tình kể.
Nghe thầy cúng Lý Thức Tình kể câu chuyện giông gió nổi lên thổi bay người lấy ong, tôi chợt nhớ đến những vụ chết người kỳ lạ trên hồ thủy điện Na Hang.
Những ngày lênh đênh trên hồ, tôi được đám lái đò kể nhiều chuyện kỳ lạ về thứ gió, mà người ta gọi là gió hang.
Thứ gió ấy như thể một cơn lốc đột ngột, khiến sóng hồ cồn lên, nhấn chìm thuyền. Hoặc, thuyền máy đang chạy, cơn gió khủng khiếp ấy bỗng bốc thuyền, nhấn chìm tất cả.
Sau này tìm hiểu mới biết, gió hang không phải là gió thổi ra từ hang đá, mà là những luồng khí bị những dãy núi đá vôi nén lại, rồi bung mạnh ở phía mặt hồ, khiến những chiếc thuyền đen đủi chạm phải lật úp, dẫn đến chết người.
Có lẽ, chuyện gặp cơn gió mạnh quật chết người lấy ong có liên quan đến luồng gió gọi là gió hang, chứ không có gì thần bí.
Thế nên với câu chuyện bầy ong vật người, ngay khi thầy cúng Lý Thức Tình vừa dứt lời, tôi dám khẳng định đó chỉ là những lời đồn thổi vô căn cứ.
Để tôi tin lời về quần thể tổ ong linh thiêng, đặc biệt là chuyện "Thần Ong" vật người, thầy cúng Lý Thức Tình sai cậu con trai đi gọi thêm mấy người trong bản.
Lát sau, anh Bàn Phúc Hiền, cư ngụ ở mỏm núi bên cạnh có mặt. Anh Hiền năm nay mới 48 tuổi, nhưng răng rụng gần hết, móm mém, trông như đã ngoài 60.
Anh Hiền bảo rằng, trước kia, hang ong là tài sản chung của cả bản, nhưng giờ dân bản hạ sơn hết rồi, chỉ còn 4 hộ gia đình ở lại trông nom, nên thuộc sở hữu của 4 gia đình, trong đó có gia đình anh.
Anh Bàn Phúc Hiền chỉ quần thể tổ ong trên vách đá.
Theo lời anh Hiền và ông Tình, cách nay 10 năm, anh Hoàng Văn Bông, ở xã Sinh Long (Na Hang) đã mất mạng thảm khốc vì dám xâm phạm "Thần Ong".
Anh Bông là người Tày, sống ở vùng dưới, nhưng thường xuyên vào rừng săn thú. Anh Bông có tài bắt rắn siêu hạng. Chỉ cần biết quả núi nào có hổ chúa, Bông sẽ bắt bằng được.
Đi rừng nhiều, thú dữ không sợ, nên anh Bông chẳng sợ gì ong. Anh vẫn thường xuyên lấy mật ong rừng về bán.
Hồi đến đỉnh Giang Chí, biết trên vách núi có nhiều tổ ong, anh Bông đã quyết định lấy vài lít về dùng. Thấy anh Bông có ý định lấy ong ở đỉnh Giang Chí, nhiều người đã can ngăn, nhưng không ăn thua gì.
Khi đó, trưởng bản Bàn Phúc Héng còn ở đây, đã ngăn cản, nhưng anh Bông nói càn, rằng núi đó là núi hoang, ong là của rừng, nên anh có quyền lấy, không ai can ngăn được anh.
Nghĩ tổ ong còn nhiều, anh Bông chỉ lấy vài lít, nên mọi người cũng mặc kệ anh Bông. Để lấy được mật, anh Bông chuẩn bị dụng cụ đầy đủ, gồm quần áo dày, gang tay, mũi lưới bọc mặt.
Toàn bộ thân thể đã bịt kín, anh Bông trèo lên đỉnh núi, buộc dây rừng bện to bằng bắp tay vào người, rồi tụt xuống vách đá.
Anh Bông bẻ lấy một góc tổ ong, rồi trèo lên. Miếng tổ ong ấy cho khoảng 5 lít mật. Đàn ong khoái bị người lạ xâm phạm nổi điên, bu đen lấy anh Bông, nhưng không con nào đốt được vì anh Bông đã mặc đồ bảo hộ kín mít.
Chuyện anh Bông lấy mật ong khi chưa cúng, chưa hỏi ý kiến "Thần Ong", khiến mọi người trong bản đều hãi, nói anh này liều mạng, kiểu gì cũng gặp vận rủi.
Y rằng, vài hôm sau, dân bản nghe tin báo lên, anh Hoàng Văn Bông đã chết thảm khốc trong một hang đá.
Ở hang Phủng, thuộc bản Phiêng Que (xã Xuân Tiến, Lâm Bình), có thứ đất bazan kỳ lạ, chứa nhiều diêm sinh. Người dân trong vùng vẫn vào hang Phủng khai thác đất bazan về làm thuốc súng.
Họ đào đất trong hang, đánh cho tơi, đựng vào những chiếc sọt đan bằng nứa, rồi đổ nước lên. Nước thấm vào sọt đất, chảy xuống dưới thành giọt. Nước chảy qua lớp đất được cô đặc lại sẽ cho ra thuốc nổ.
Hôm đó, anh Bông và một người cùng bản đang đào đất trong hang, thì những tảng đá khổng lồ trên trần hang sập xuống, đè luôn lên người anh Bông, vít luôn cửa ngách.
Người bạn cùng bản đào đất ở ngách khác, nên không hề hấn gì. Anh này về bản gọi người ứng cứu, tuy nhiên, mấy chục con người kéo đến hang Phủng mà không có cách nào lấy được xác anh Bông ra ngoài.
Những tảng đá khổng lồ, nặng hàng chục tấn đã vít chặt cửa hang, nghiền nát thân thể anh Bông. Không lấy được xác, gia đình đành làm lễ cúng, rồi coi ngách hang Phủng ấy là nấm mồ chôn anh Bông.
Theo ông Lý Thức Tình, trước thời điểm anh Bông liều mạng khai thác tổ ong, rồi chết thảm khốc, thì một người Mông ở Hà Giang mò sang, ăn trộm tổ ong, cũng suýt mất mạng.
Anh này nghe tin đỉnh Giang Chí có nhiều mật ong, đã mò đến khai thác.
Anh này vác cây sào dài, tính chọc cho tổ ong rụng xuống. Tuy nhiên, điều kỳ lạ xảy ra, đó là anh này vừa trèo lên thang, còn cách tổ ong cả chục mét, thì bầy ong đã lao xuống tấn công, đốt cho mấy chục vết.
Người dân bản Giang Chí phát hiện anh này bị ong tấn công, đã hái thuốc cho anh vừa đắp, vừa uống, rồi thầy cúng Lý Thức Tình phải mổ gà cúng ở núi mấy ngày, anh người Mông kia mới tỉnh lại, thoát chết.
Hồi đầu năm 2013, anh chàng người Mông, ở Bắc Mê, tên là Vàng Seo Vần, cũng gặp hạn lớn khi vô tình xâm phạm "Thần Ong".
Anh này lên núi Giang Chí khai thác củ ba mươi (củ cát cánh) để bán cho Trung Quốc làm thuốc. Anh này đã làm lò sấy ở dưới chân núi, nơi có quần thể tổ ong.
Thấy khói bốc lên nghi ngút, dân bản tưởng có kẻ đốt lửa đuổi ong để trộm mật, nên chạy lên, mới biết Vàng Seo Vần đã nổi lửa sấy củ ba mươi cả tiếng đồng hồ.
Lửa cháy lớn, khóc mùi mịt quyện lên vách đá, khiến đàn ong sợ hãi bỏ đi cả. Phải mất một năm sau, đàn ong mới quay về làm tổ.
Điều kỳ lạ là, khi đàn ong bay đi, anh chàng Vàng Seo Vần ốm liệt giường chiếu, không đi rừng được nữa.
Gia đình anh này đã mời cả chục thầy cúng, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, vẫn không khỏi bệnh. Gia đình đã khiêng anh xuống tận Hà Nội điều trị mà vẫn chẳng ăn thua.
Thế nhưng, khi đàn ong quay về làm tổ vào đầu năm 2014, thì anh này tự nhiên hết bệnh.
Sức khỏe hồi phục, Vàng Seo Vần lại vào rừng tìm củ ba mươi, nhưng không bao giờ Vần dám đến gần vách đá nơi có tổ ong, chứ đừng nói đến chuyện làm việc gì kinh động đến nơi ở của ong.
"Chỉ là vô tình trùng hợp"
Chuyện bầy ong vật người thoạt nghe đã thấy chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ thế nhưng vì có một vài trường hợp vô tình trùng hợp khi không may bị chết, bị bệnh nên bao nhiêu năm, chuyện về bầy ong vì thế vẫn nhuốm màu kì bí.
Đem câu chuyện mà thầy cúng Lý Thức Tình và anh Bàn Phúc Hiền vừa kể, tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Dưng (Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình).
Vị Chủ tịch huyện đã tái khẳng định suy nghĩ của tôi: “Tôi cũng đã nghe một số anh em bên nông nghiệp kể về vách núi có quần thể tổ ong trên đỉnh Giang Chí và nhiều chuyện kỳ bí liên quan đến quần thể tổ ong ấy.
Tuy nhiên, chuyện "Thần Ong" vật người thì chắc chắn không bao giờ có. Đồng bào ở đây thường thần bí hóa nhiều chuyện trong cuộc sống thường ngày, từng gốc cây, hang đá cũng gắn với những truyền thuyết bí ẩn.
Về việc những người xâm phạm tổ ong bị chết, hoặc bị bệnh, chỉ là vô tình trùng hợp mà thôi, rồi được đồn thổi lên.
Theo tôi, đồng bào thần bí hóa những tổ ong còn có mục đích tạo ra rào cản tâm linh, nhằm bảo vệ tổ ong khỏi bị xâm phạm bởi kẻ trộm”, ông Dưng cho biết.
Còn theo chuyên gia tâm linh Lê Thái Bình (Viện nghiên cứu tiềm năng con người), ở nước mình, không chỉ quần thể tổ ong, mà hòn đá, gốc cây, con vật bình thường cũng được thờ cúng, được thần thánh hóa.
Khi quan sát bất kỳ hiện tượng, sự vật nào, mà không giải thích được, thì họ sẽ quy cho đó là thần linh. Hiện tượng thần thánh hóa đã nằm trong tâm thức người Việt.
Việc mượn màu sắc huyền bí để quy chụp cho một hiện tượng nào đó và tôn sùng là thần thánh là mê tín dị đoan, lợi dụng "thần linh" để đạt mục đích nào đó.
"Ở trường hợp "Thần Ong" vật người này, tôi nghĩ rằng đồng bào không cố tình bịa tạc để dọa dẫm ai, hay lợi dụng thần thánh, mà đơn giản là đồng bào ở đó chưa có sự hiểu biết khoa học, nhận thức chưa cao, nên tin vào bất cứ điều gì mà ai đó thổi phồng lên.
Nghiên cứu về tâm linh nhiều năm, tôi khẳng định không có thánh thần nào vật người cả.
Việc ai đó chết, hay mắc bệnh sau khi xâm phạm tổ ong chắc chắn chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.
Mỗi ngày, có hàng người vào rừng tìm ong, hàng ngàn tổ ong được lấy ra khỏi rừng, thì thiếu gì chuyện tai nạn, bệnh tật này khác", chuyên gia Lê Thái Bình dẫn giải.
(Còn nữa)
>>Sự thật về chiếc trực thăng trên nóc nhà của đại gia Hải Dương
>>Hàng trăm con rắn đu mình trên cây tại "vương quốc" độc xà