>>> Ông Đặng Lê Nguyên Vũ "biến mất" thế nào sau tuyên bố chấn động?
Trung Nguyên không nên “theo đuổi giấc mơ lớn, bỏ bê việc hàng ngày”
Mới đây, thông tin Trung Nguyên đã ngừng cung cấp các sản phẩm cà phê hòa tan và chưa hẹn ngày bán lại đã khiến người tiêu dùng không khỏi hồ nghi về những bất ổn tại công ty cà phê này.
Lý do của việc tạm ngưng theo phía Trung Nguyên thông báo là “do nhu cầu bảo trì máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy trực thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên”.
Nhưng một số nguồn tin lại cho rằng: việc Trung Nguyên tạm ngưng cung cấp sản phẩm cà phê hoà tan từ 20 ngày nay xuất phát từ vấn đề gia đình chứ không liên quan đến dây chuyền sản xuất.
Thực hư chuyện này chưa được làm rõ. Nhưng có một điều mà ai cũng nhận thấy đó là: Thời gian này, “vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ rất “im hơi lặng tiếng”, ít xuất hiện trước giới truyền thông.
Nhất là khi “giấc mơ Mỹ” của ông “thai nghén” từ lâu vẫn chưa được thành hình.
Ông Đỗ, chuyên gia marketing và cố vấn tiếp thị của một thương hiệu danh tiếng về đồ ăn tại Việt Nam cho biết, một sản phẩm muốn gia nhập thị trường khó tính Mỹ cần đảm bảo nhiều điều kiện khắt khe.
Trong đó, đối với cà phê, Trung Nguyên muốn chinh phục Hoa Kỳ cần chú ý tới tiêu chí khó có thể vượt qua đó là: Hàm lượng hóa chất kê khai trong sản phẩm.
“Trung Nguyên chỉ bán được nguyên liệu thô, chứ thành phẩm muốn vào Châu Âu và Mỹ, phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Ủy ban An toàn thực phẩm, bộ tiêu chí này đã được nêu rõ trên trang của AmCharm và EU.
Muốn vào Mỹ, Trung Nguyên có thể mang cà phê thô sang sản xuất tại Mỹ qua một công ty gia công hoặc cũng có thể mua các thiết bị hợp chuẩn Mỹ để làm tại chỗ” – ông Đỗ nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh: 2 cách làm trên đòi hỏi cần nhiều tiền, nguồn vốn đầu tư lớn, chỉ thích hợp với những đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh.
Bởi lẽ kinh doanh chuỗi cà phê, mở rộng ra nước ngoài là những lĩnh vực không có hi vọng tạo ra lợi nhuận.
“Nó chỉ có ích cho xây dựng thương hiệu. Vì thế nếu doanh nghiệp ở trong tình trạng kinh doanh chưa có lãi nhiều hoặc không đủ tài chính để đầu tư dài hạn cho thương hiệu thì họ sẽ không thể làm dù rất muốn” – ông Đỗ lưu ý.
Cũng đồng tình với quan điểm này, chuyên gia marketing Hoàng Tùng, CEO Pizza Home cho rằng: “Theo tôi, doanh nghiệp cần tỉnh táo giữa những tuyên bố và khả năng thực thi.
Giấc mơ lớn luôn là cần thiết nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp cần phải thực thi công việc hàng ngày một cách hiệu quả để theo đuổi giấc mơ lớn, chứ không vì giấc mơ lớn mà bỏ bê công việc hàng ngày để rồi lạc lối”.
Việc Trung Nguyên chưa tấn công vào thị trường Mỹ, theo ông Hoàng Tùng: “Có thể có nhiều ẩn tình đằng sau khiến doanh nghiệp cảm thấy đó chưa phải là thời điểm thực sự chín muồi.
Với Trung Nguyên, tôi nghĩ: Khi nào G7 chưa chắc chân ngôi số 1 trong lĩnh vực café hòa tan, chuỗi quán Trung Nguyên chưa chắc chân số 1 trong lĩnh vực chuỗi quán thì thị trường trọng điểm của Trung Nguyên nằm chính tại Việt Nam chứ không phải Mỹ.
Đó có thể là góc nhìn hạn hẹp từ góc độ kinh doanh đơn thuần.
Tuy nhiên, nếu như Trung Nguyên có thể làm được “một cái gì đó” tại thị trường Mỹ thì nó cũng có thể tạo được hiệu ứng lan tỏa giúp cho Trung Nguyên tại Việt Nam tăng trưởng.
Chúng ta thấy PhinDeli với câu chuyện mua thị trấn Mỹ của anh Phạm Đình Nguyên đã làm được điều đó” – ông Tùng nhấn mạnh.
Trung Nguyên đã bị “soán ngôi vương”?
Cách đây không lâu, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam: Năm 2014, Vinacafé Biên Hòa hiện là nhà sản xuất cà phê hòa tan số một Việt Nam, sau đó đến Nestlé rồi mới tới Trung Nguyên.
Cụ thể, trong khi thị phần sản lượng cà phê của Vinacafé từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2014 là 41%, Netstlé 26,3% thì Trung Nguyên chỉ chiếm 16%.
Kết quả này được tính dựa theo sản lượng cà phê hòa tan bán ra trong năm 2014 thông qua dữ liệu của dịch vụ đo lường bán lẻ ở khu vực thành thị (36 thành phố, bao gồm kênh phân phối truyền thống và hiện đại, không bao gồm Co.opmart, Metro) và nông thôn.
Có thể nói, nếu chiếu theo số liệu trên, Trung Nguyên đang đánh mất “ngôi vương” của mình trên thị trường cà phê hòa tan nội địa.
Thực tế này hoàn toàn khác so với khát vọng “thống trị nội địa, chinh phục thế giới” của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ.
Chưa chinh phục được thị trường Mỹ - thủ phủ của đối thủ Starbucks như lời tuyên bố, Trung Nguyên thậm chí đang bị coi là yếu dần trên sân nhà. (Ảnh: Mạnh Quân)
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 8/2014, “vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn rất tự tin khi nói về mình.
Ông cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một thị trường cạnh tranh hết sức sôi động và đầy màu sắc trong năm nay.
Thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, kéo theo việc nhiều doanh nghiệp lấn sân kinh doanh, từ các đại gia nước mắm, bánh kẹo trong nước cho đến các thương hiệu quốc tế bước vào Việt Nam để tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên, họ kinh doanh cà phê chỉ đơn thuần là một chiến lược M&A để tăng thêm lợi nhuận chứ không phải là chuyên gia trong lĩnh vực”.
Còn G7, theo ông Vũ: Luôn khẳng định tính chuyên gia và tinh thần sống chết với đam mê của mình.
“Điều tuyệt vời G7 đã đạt được ở thị trường trong nước, đó là soán ngôi ngoạn mục để vươn lên dẫn đầu về thị phần, vượt lên đối thủ số 1 toàn cầu trong nhiều năm liên tiếp” – Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Vị Chủ tịch của Trung Nguyên khi đó đã đưa ra dẫn chứng: “Theo khảo sát của một Công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, cứ 10 người uống cà phê hòa tan sẽ có 5 người chọn G7.
Cà phê G7 tiếp tục trở thành thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích nhất và là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi nói đến cà phê hòa tan”.
Say sưa với niềm kiêu hãnh về G7, suốt 1 năm qua, người tiêu dùng không thấy những bước tiến vượt trội về sản phẩm của Trung Nguyên.
Có chăng chỉ là các hoạt động xã hội rầm rộ mang tính thường niên như Ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt 2015, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, chương trình tặng sách, giao lưu, diễn thuyết dành cho sinh viên các trường Đại học,…
Hình ảnh Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ năm 2015 xem ra đang mờ dần đi trong mắt của người dùng.
Và tới đây, khi viễn cảnh những gói cà phê mang tên Trung Nguyên mất hút trên các kệ hàng do công ty ngừng bán như 20 ngày qua, thì không biết hình ảnh thương hiệu của nhãn hàng quen thuộc này sẽ đi đâu, về đâu?!