Gia đình có tay chân nhọn như mũi kim ở Hà Nam

Năm nay người anh đã bước sang 74, còn người em vừa tròn 60 tuổi nhưng ông Tiến và ông Tuấn vẫn chưa lý giải được sự kỳ lạ khiến nhiều người trong gia đình họ có tay chân "nhọn như mũi kim".

Đó là hoàn cảnh của hai gia đình ông Nguyễn Hữu Tiến (SN 1939) và Nguyễn Văn Tuấn (SN 1953), là hai anh em ruột cùng trú tại thôn Hoàng Lý, xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam. Hai anh em ông Tiến, ông Tuấn dù tuổi đã khá cao nhưng trông phong thái vẫn rất minh mẫn, vui tính và luôn thể hiện sự lạc quan trong suy nghĩ và lối sống.

Gia đình có tay chân nhọn như mũi kim ở Hà Nam
Mang trên mình đôi tay, đôi chân nhọn như những mũi kim nhưng cả ông Tuấn, lẫn ông Tiến đều có những biệt tài khiến nhiều người phải nể phục như viết chữ, làm thơ, điêu khắc, chăm sóc uốn cây cảnh…

Tuy tay chân không được lành lặn nhưng cả hai người rất có tài hoa vẽ tranh, điêu khắc, viết chữ, chăm sóc cây cảnh… Riêng người con trai út của ông Tiến là Nguyễn Văn Đạt (SN 2000) cũng bị tật như bố nhưng em đã biết khắc phục khó khăn, học hành rất tiến bộ.

Cụt tay chân nhưng không "cụt" lý tưởng sống

Đang loay hoay với với bộ đồ gỗ uốn hình đầu rồng, mai rùa, do chính ông tự dùng vài ngón tay, chân còn sót lại, ngồi khắc, chế qua nhiều tháng ngày mới xong, ông Tuấn cười niềm nở rồi khoe: “Tôi đặt tên cho sản phẩm này là “long ly quy phượng”, đầu rồng, thân uốn hình mai rùa”.

Trong gia đình có 6 anh em, làm nghề nông khó khăn, 4 người khác đều khỏe mạnh, riêng chỉ có ông Tuấn và người anh trai Tiến là chịu thiệt thòi ngay từ lúc được sinh ra khi mỗi tay chân chỉ có duy nhất 1 ngón. “Nhiều người nhìn tay chânanh em tôi nhọn hoắt rồi bảo chẳng khác nào mũi kim”, ông Tuấn cười.

Nhà nghèo, học đến lớp 10 thì chàng trai Tuấn ngày đó phải thôi học rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, cơm nước, riêng ông Tiến vẫn được bố mẹ lo cho học tiếp.

Gia đình có tay chân nhọn như mũi kim ở Hà Nam
Cận cảnh đôi bàn tay một ngón của ông Tuấn.

Mang hình hài dị tật, tuổi thơ anh em ông Tuấn phải trải qua nhiều tủi cực trước những ánh mắt soi mói của người đời. Vượt lên tất cả, ông Tuấn sớm nhận ra mỗi người đều có một hoàn cảnh, một số phận. 

Dù có trớ trêu đến đâu thì cũng phải sống cho tốt, cho có ích để không hoài phí công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Hai anh em ông bỏ ngoài tai tất cả những lời dị nghị, quyết tâm sống “tàn nhưng không phế”. Họ bắt đầu giúp nhau rèn luyện đôi tay, đôi chân tật nguyền của mình có thể làm được những công việc như mọi người vẫn làm. Kiên trì luyện tập, mỗi lần thất bại là một lần rút ra kinh nghiệm.

Nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi, anh em họ nhanh chóng điều khiển đôi tay “thiếu ngón” làm được nhiều công việc từ rửa bát, khâu vá, chăn trâu, cắt cỏ đến… đi xe đạp thuần thục trước con mắt trầm trồ thán phục của mọi người. Không chỉ vậy, đôi tay kỳ lạ của ông còn làm được những việc mà người bình thường có khi cũng lắc đầu chào thua.

“Có bị cụt tay hay cụt chân thì xin đừng cụt lý tưởng sống, bởi mỗi người có một số phận riêng. Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời, cứ cố gắng rồi sẽ thấy cuộc sống này vẫn còn ý nghĩa”, ông Tuấn tâm sự thêm.

Trong lúc đang trò chuyện với ông Tuấn thì ông Tiến cũng vừa đi chơi về. Trưởng thành từ khoa Trung văn của Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), ông Tiến từng làm phiên dịch viên Trung ngữ một thời gian dài cho nhiều đoàn công tác.

Gia đình có tay chân nhọn như mũi kim ở Hà Nam
Ông Tuấn khoe về những bức tranh sơn mài do chính 2 người con cũng bị khuyết tật như ông chế tác, hiện họ đang làm ở Hà Nội.

Năm 1964, ông tham gia giảng dạy tại trường Nguyễn Huệ (Hà Nội). Những ngày đi dạy, người thầy giáo tàn tật cũng băn khoăn, lo lắng bởi hình dáng không bình thường sẽ là bức rào cản ngăn cách thầy trò. Thế nhưng, mọi lo lắng của ông đã được hóa giải bằng chính sự tài hoa của mình.

Thôi việc “gõ đầu trẻ”, ông Tiến chuyển công tác sang ngành ngân hàng của tỉnh Hà Nam. Năm 40 tuổi, đã vợ con đuề huề, ông vẫn mải miết đi học thêm đại học tại chức. Công tác đến năm 1992, ông về hưu và tìm niềm vui qua việc làm thơ, vẽ tranh, dịch gia phả, tài liệu Hán văn hay câu đối cho các đình chùa trong thôn, ngoài xã. Tiếng lành về tri thức và sự tài hoa của người đàn ông “1 ngón” khiến nhiều người hiếu kỳ tìm đến tận nhà ông để được tai nghe, mắt thấy.

Trong 6 người con gái của ông có chị Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1976, cũng bị dị tật giống bố. Song, ông Tiến luôn tự hào vì cô con gái cũng giàu nghị lực . Hiện chị Hương đang làm công nhân tại một xưởng may dành cho người khuyết tật ở Hà Nội.

Gia đình có tay chân nhọn như mũi kim ở Hà Nam
Vợ chồng ông Tuấn, bà Xuân.

Những người vợ mơ có được "chồng cụt"

Ông Tiến cưới vợ từ ngày mới hơn 20 tuổi, rồi hai người lần lượt có với nhau 7 người con khôi ngô, tuấn tú. Hạnh phúc ấy tưởng chừng như sẽ ngày một được vun đắp nhưng rồi trải qua một cơn bạo bệnh, vợ của ông qua đời. Từ đó ông và những đứa con ngơ ngác khuyết chốn nương tựa.  Sống cảnh “gà trống nuôi con” qua nhiều năm, các con của ông dần trưởng thành.

Thương bố, họ đã động viên ông Tiến “đi thêm bước nữa”, một phần là để gia đìnhthêm tiếng nói cười, phần còn lại vì các con của ông vẫn ý thức được rằng “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Biết rõ tính cách hiền lành, tốt bụng và những tài lẻ trong con người ông Tiến, bà Nguyễn Thị Thỉnh (SN 1950) là một người xã bên đem lòng yêu thương. 

Hai người gặp nhau, hiểu được cảnh ngộ rồi họ sớm nên duyên vợ chồng vào năm 2000. “Dù tay chân không được lành lặn nhưng ông ấy vẫn luôn cố gắng đảm nhận trọn chức trách của một người chồng”, bà Thỉnh nói.

Gia đình có tay chân nhọn như mũi kim ở Hà Nam
Còn đây là gia đình ông Tiến với vợ và đứa con trai út Nguyễn Duy Đạt.

Năm 2005, Nguyễn Duy Đạt, con trai riêng đầu lòng của vợ chồng ông Tiến, bà Thỉnh chào đời. Cậu bé Đạt mang gương mặt sáng sủa, thông minh nhưng lại bị dị tật giống ông Tiến. “Thấy con sinh ra không được lành lặn, tôi đau lắm chứ nhưng số trời đã định nên phải vui vẻ đón nhận”, ông Tiến tâm sự.

Thừa hưởng gen tài hoa của ông, ngay từ khi còn nhỏ, Đạt vẽ đẹp chẳng kém bố. Cậu còn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 6 năm qua. Đạt tâm sự, lớn lên em muốn trở thành họa sĩ để vẽ những bức tranh làm đẹp cho đời.

Hạnh phúc không chỉ luôn hiện hữu trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Tiến mà cạnh đó là gia đình ông Tuấn cũng thế. Vợ của ông Tuấn là bà Lê Thị Xuân (SN 1953), họ cưới nhau từ năm 1978, có với nhau 2 đứa con nhưng cả hai cũng khuyết tật tương tự như ông Tuấn. “Các cháu khuyết tật nên không có điều kiện theo học, hiện cả hai đứa đang làm sơn mà, vẽ tranh cho một nhà hàng ở Hà Nội”, bà Xuân nói.

Suốt những năm tháng chung sống, chăm sóc chồng con, bà Thỉnh và bà Xuân là những người phụ nữ phải chịu những thiệt thòi nhất định nhưng chính họ đã góp phần rất quan trọng làm hài hòa mối quan hệ trong gia đình , nuôi con cái ăn học tử tế.

“Dù cho chúng tôi được chọn lại, chúng tôi xin nguyện tiếp tục chọn hai lão chồng cụt làm chồng”, bà Thỉnh và bà Xuân cùng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại