Giá điện tăng cận Tết: Người dân kêu trời!

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Đau đầu với cái Tết đang cận kề nay giá điện lại được quyết định tăng 5% chẳng khác gì đẩy người dân vào chỗ khó.

Kể từ ngày 22/12, giá điện được áp dụng mới sẽ tăng thêm 5%, đưa mức bình quân từ 1.369 đồng mỗi kWh hiện nay lên 1.437 đồng. Đây là lần tăng giá điện thứ 2 trong năm nay, kể từ ngày 1/7. Theo tính toán của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng thêm 0,12% sau đợt điều chỉnh này.

Tăng giá điện vào dịp cận Tết đã khiến người dân không khỏi hoang mang lo lắng, khi ngoài việc trực tiếp làm đội lên chi phí sinh hoạt hàng tháng của các hộ gia đình, người dân còn lo sợ giá cả các mặt hàng khác cũng leo thang "ăn theo" một cách tự ý và vô tội vạ.

Giá điện tăng trong dịp cận Tết khiến người dân khó càng thêm khó.
Giá điện tăng trong dịp cận Tết khiến người dân khó càng thêm khó.

Chị Trần Thị Tuấn (khu vực Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc tăng giá điện chỉ sau có 2 ngày thông báo và lại vào dịp cận Tết thế này chắc khác gì việc "ép" người dân vào chỗ khó.

"Tôi mới nghe được thông tin từ hôm 20/12 là tăng giá điện, xong lại thấy luôn là áp dụng từ ngày 22/12, như vậy, là sau có 2 ngày áp dụng ngay, như vậy là quá nhanh.

Tăng thêm 5% nhìn thì không nhiều nhưng vào cái dịp cận Tết này, khi mọi thứ hàng hóa đều đang tăng giá chóng mặt thì 5% đó sẽ là tác động kép, đẩy giá tiếp tục tăng mạnh.

Năm nay, kinh tế đã khó khăn, làm ăn đều kém cả mà lại phải chịu tăng giá mạnh vào cận Tết thế này thì khó càng thêm khó" chị Tuấn bày tỏ.

Cùng suy nghĩ đó, chị Trần Thu Hương (khu vực Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) cũng nhấn mạnh: "Năm nay là một năm đầy thăng trầm với rất nhiều người. Đồng tiền kiếm được thực sự là rất khó khăn, nhưng "điện, nước, xăng, cơm áo..." thì ngày nào cũng phải chi tiêu. Cuối năm nhiều gia đình rất đau đầu với bài toán cái Tết đang cận kề. 

"Việc quyết định tăng giá điện thêm 5%, tuy tính ra mỗi tháng mỗi nhà chỉ thêm vào vào nghìn, vài chục nghìn nhưng hàng triệu nhà trên cả nước, số tiền tăng lên sẽ rất nhiều. Hơn thế, lại vào dịp này nữa, chẳng phải là ngành điện đang "ép" người dân quá hay sao?", chị Hương chia sẻ.

Đối với các hộ gia đình và sinh viên đang ở trọ thì, việc tăng giá điện dù ít hay nhiều cũng sẽ khiến các chủ nhà trọ tha hồ tăng thêm giá điện, nước, nhà trọ.

"Ngay hôm mới có thông báo tăng giá điện, chủ nhà đã nói bóng nói gió là chuẩn bị phải tăng giá nhà, giá điện, nước để đối phó. Hiện giờ giá điện đã là 3.500 đồng/kwh rồi, giờ nhà nước tăng thế này thì chắc chủ nhà phải đòi tới 4.000 đồng, đó là còn chưa kể giá nhà, nước... 

Năm nay, làm ăn đã khó, công ty ít việc, ăn uống còn phải lo từng ngày, lại Tết nhất sắp đến rồi, trong khi chưa lo được gì cả mà giá lại tăng dây chuyền đến nơi thế này thì khổ lại thêm khổ", chị Phạm Thị Bích, công nhân tại một nhà máy ở khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi Chính phủ đang nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân về thuế và phí thì việc tăng giá điện đã đi ngược lại chính sách. Doanh nghiệp và người dân sẽ càng gặp khó, thêm gánh nặng chi tiêu. 

"Năm 2012, ngành điện có lãi, tình hình thủy văn thuận lợi nên thủy điện giá rẻ được khai thác nhiều.

Nếu việc tăng giá điện lần này nằm trong lộ trình để bù lỗ cho nhiệt điện chạy than, dầu giá cao cũng như lỗ do tỷ giá thì EVN phải có tính toán thời điểm hết lỗ và dừng lại", ông Phong nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại