Gặp siêu bão, sóng thần, Việt Nam sẽ rơi vào thảm cảnh về ứng xử

Thiên Di (ghi) |

(Soha.vn) - Nếu một ngày, Việt Nam hứng chịu sự "nổi giận" khủng khiếp của thiên nhiên- là sóng thần, là siêu bão như ở Nhật Bản, Philippines...Chúng ta sẽ ứng xử như thế nào?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi về chủ đề này với PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên là giảng viên Khoa Báo chí Truyền thông - Trường ĐHKHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội. PGS Nguyễn Thị Minh Thái là một nhà nghiên cứu, phê bình văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng. Bà đã có cuộc chia sẻ cởi mở với chúng tôi về văn hóa ứng xử của người Việt.

Việt Nam có thể sẽ xảy ra thảm cảnh?

- Thưa bà, nhiều người thắc mắc rằng tại sao người Philipines không có cách ứng phó với hậu quả của cơn bão Haiyan một cách bình tĩnh, đậm đà tình người như người Nhật trong vụ sóng thần 2011?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Văn hóa của một dân tộc thể hiện qua cách cư xử của họ đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, vì thế, bất kể dân tộc nào cũng phải ứng phó với sự dữ dội của thiên nhiên mà mình không thể chế ngự, chủ động được. Nắng mưa là chuyện của Trời (thơ Nguyễn Bính).

Và dân tộc nào cũng phải đối đầu với những quan hệ giữa người và người rất có thể sẽ là tệ hại hoặc cao thượng, tốt đẹp khi lâm vào những thảm họa mà tự nhiên gây ra. Do đó, có thể cùng một kiểu thảm họa của tự nhiên, song cách ứng xử văn hóa của các quốc gia lại rất khác nhau.

Tôi công nhận người Nhật có thái độ ứng xử rất văn hóa đối với thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Từ rất lâu, người Nhật đã nhận thức được rằng, họ đang sống ở miền đất ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa, y như trên tấm lưng luôn quẫy đạp của một con cá hung dữ. Vì vậy, người Nhật luôn luôn xác định một tâm thế chủ động, sẵn sàng đối phó với thiên tai. Khi thảm họa tự nhiên ập đến, người Nhật đã đủ bình tĩnh ứng phó, nhất là họ đã cư xử với nhau thật tử tế, tốt đẹp. Còn ở Philipines vừa qua cơn bão rất lớn, thì tình hình lại khác. Nhiều ứng xử giữa người và người đã xảy ra theo chiều hướng rất đau lòng, thật hoang dã và bản năng, như: trộm cắp, cướp bóc, hôi của, tranh giành thực phẩm…

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bàn về văn hóa ứng xử của người Việt đối với thiên nhiên.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bàn về văn hóa ứng xử của người Việt đối với thiên nhiên.

- Còn ở Việt Nam sẽ hành xử như thế nào nếu phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên khủng khiếp như sóng thần, siêu bão?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi rất lo lắng khi nghĩ rằng, thảm họa như cơn bão Haiyan vừa rồi mà xảy ra ở Việt Nam (thật may mắn mà Việt Nam đã tránh được bão đổ bộ, chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó rất tốt, truyền thông Việt Nam thông tin, cập nhật thông tin cũng rất tốt), rất có thể nó sẽ gây ra thảm cảnh về ứng xử xã hội không thua gì ở Philipines. Bởi vì ở xã hội Việt Nam hôm nay, nhiều giá trị tinh thần đang bị xói mòn, bị mất giá. Sự vô cảm, lạnh lùng kiểu “sống chết mặc bay” đang chi phối các quan hệ xã hội và gia đình.

Và theo sự hiểu biết của tôi về văn hóa ứng xử của người Việt hôm nay, tôi ngờ rằng ở Việt Nam sẽ xảy ra một cơn bão, không phải do thiên tai, mà nhiều phần là do thái độ cư xử giữa người với người…

- Bà tưởng tượng thảm cảnh ở Việt Nam sẽ như thế nào lúc đó? Sẽ an toàn không hề xảy ra hỗn loạn hay sẽ tồi tệ, khủng khiếp?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Nếu những cơn sóng thần, siêu bão có đổ bộ vào Việt Nam thì, trước tiên, tôi rất ao ước người Việt Nam có ứng xử với nhau, với thiên tai như cách người Nhật đã ứng xử với thiên tai năm 2011. Nhưng theo tôi dự đoán, có thể người Việt ta sẽ có cách ứng xử nghiêng về cung cách Philipines nhiều hơn vào cuối 2013. Đó là một dự cảm đau xót!

Bởi tôi nghe được từ nhiều người dân cho rằng, nếu cơn bão khủng khiếp Haiyan tràn vào Việt Nam, tình hình ứng xử có thể sẽ là thê thảm! Văn hóa ứng xử của người Việt đang có thể ở mức báo động. Tôi xót xa khi nghĩ đến thái độ vô cảm của người Việt khi gặp tai nạn giao thông trên đường, chỉ tò mò xem, không chịu cứu giúp, rồi thi nhau hôi của…. Nếu gặp hoàn cảnh không thuận như bão dữ làm tan hoang môi trường sống chẳng hạn, những thái độ vô cảm ấy sẽ có thể gia tăng đến kinh khủng…

Cảnh tượng ở một thành phố Philippines sau cơn bão Haiyan vừa qua.

Cảnh tượng ở một thành phố Philippines sau cơn bão Haiyan vừa qua.

Học từ người Nhật điều gì?

- Vậy xét về căn nguyên sâu xa lý do tại sao người Việt Nam lại không có được cách hành xử đối với thảm họa thiên tai như người Nhật thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Cái đó là do giáo dục, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Quan hệ giữa người với người hôm nay đang có vấn đề, ngày nào báo chí cũng la liệt thông tin cha giết con, vợ giết chồng, con giết cha, mẹ, ông bà….Trẻ em sinh ra vốn tự nhiên đều lương thiện như nhau. Nhưng lớn lên đứa trẻ ấy sẽ thành tướng cướp hay vĩ nhân, phần nhiều do giáo dục mà nên. Giáo dục không giống việc trồng cây 10 năm là kết quả, giáo dục nghĩa là “trồng người” phải mất hàng trăm năm... như Bác Hồ từng dạy.

Giáo dục tốt mới mong có thái độ ứng xử tốt với thiên tai. Hiện nay, cách ứng phó với thiên tai chưa tích cực, nặng về tư duy duy tình, thiếu vắng tư duy duy lý, bởi cách nghĩ của người Việt hiện đại vẫn còn mang nặng “căn tính nông dân” (gốc rễ là nông dân). Hơn nữa, cách cư xử của người Việt với thiên nhiên hôm nay đang mắc nhiều lỗi văn hóa. Nào là nạn ăn cắp gỗ quý, săn bắt động vật quý hiếm, chặt phá rừng…Chúng ta nên tự trách chúng ta vì thái độ ứng xử đó chứ không thể trách thiên nhiên khi có hạn hán, lũ lụt, triều cường…

Trân trọng cảm ơn bà!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại