Khi đôi mắt của mình cứ mờ dần, mờ dần và có lúc không nhìn thấy gì, thầy Phạm Đình Thắng – giáo viên phụ trách nội trú, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã rất đau buồn. Thế nhưng khi đất nước đứng trước những “sóng gió” mới - Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, người thầy giáo già ấy còn dấy lên một cảm giác đau buồn hơn gấp bội.
“Với một con người, đôi mắt cứ mờ dần đi thì ai chẳng đau, chẳng buồn. Nhưng lúc đó, tôi lại tìm nguồn vui trong những phần thị lực còn lại. Tôi vẫn có thể đóng góp cho đời, vẫn giảng dạy và vẫn có thể giúp các em khiếm thị như mình. Đôi mắt chỉ là nỗi buồn của cá nhân còn việc Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lại là nỗi buồn của đất nước”, thầy Thắng trải lòng.
Những ngày này, thầy Thắng dành nhiều thời gian để theo dõi thời sự, truy cập internet cập nhật tình hình căng thẳng ở biển Đông. Dù những hình ảnh cả dân tộc Việt Nam siết tay nhau tạo thành khối đoàn kết, học sinh - sinh viên xếp hình đất nước Việt Nam, xếp hình quốc kỳ… thầy chỉ nhìn thấy mờ mờ nhưng trái tim thầy mách bảo, dân tộc Việt Nam đang xích lại rất gần nhau.
Từ khi biển Đông "dậy sóng", những học sinh nội trú của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu luôn hướng về thông tin xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam. Để rồi tất cả cùng bàn luận sôi nổi, cùng phẫn nộ với hành động ngang ngược của Trung Quốc, cùng gắn bó niềm tin vào chính nghĩa. Các em đều tin tưởng rằng, với sức mạnh toàn dân tộc cũng như sự ủng hộ của nhân dân thế giới, Việt Nam sẽ chiến thắng. Tinh thần sục sôi ấy, các em còn gửi gắm vào ca từ, giai điệu của bài hát Quốc ca trong mỗi buổi lễ chào cờ đầu tuần.
“Đây là vấn đề mang tầm vóc quốc gia nên người Việt Nam, dù già hay trẻ, người lành lặn hay người khuyết tật đều quan tâm. Tôi và các em học sinh khiếm thị cũng không đứng ngoài dòng chảy đó. Các em có thể nghe thông tin qua TV hoặc radio, theo dõi trên internet bằng phần mềm dành cho người khiếm thị”, thầy Thắng nói.
Với thầy Thắng, thầy không ngạc nhiên trước hành động của Trung Quốc tại biển Đông. Bởi lẽ, “tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã thể hiện từ lâu qua sử sách và qua thực tế”, thầy Thắng cho hay.
Khi còn là hiệu trưởng của Trường THPT Đồng Đăng (Lạng Sơn) vào năm 1979, khi đôi mắt bị cận và phải đeo cặp kính dày 18 diop, thầy Phạm Đình Thắng đã từng lãnh đạo học sinh của mình tham gia đấu tranh với thế lực bành trướng ở biên giới Việt – Trung. Sự tham gia ấy thể hiện qua những hành động thiết thực của các em học sinh như cắm chông ở biên giới, bảo vệ đoạn đường sắt ở Đồng Đăng khi Trung Quốc có ý định xâm chiếm.
Khi Trung Quốc xâm lấn một số tỉnh ở biên giới phía Bắc, học sinh trường THPT Đồng Đăng đã phải sơ tán cách trường khoảng 30km để hoàn thành chương trình còn lại của năm học. Sau đó, tại Nhà hát lớn Hà Nội, thầy Thắng đã vinh dự thay mặt thầy trò Trường THPT Đồng Đăng (Lạng Sơn) báo cáo với Đảng, Nhà nước những thành tích góp vào chiến thắng biên giới.
Giờ đây, trước những hành động ngang ngược táo tợn và liều lĩnh của Trung Quốc, những kí ức của trận đánh năm 1979 tại biên giới Việt – Trung lại chảy về trong tiềm thức của thầy. Ở vào tuổi 76, người thầy giáo khiếm thị đã không còn sức trẻ ngày xưa để xung phong ra tuyến đầu Tổ Quốc nhưng thầy Phạm Đình Thắng vẫn luôn gửi gắm tinh thần, nhiệt huyết của mình vào các chiến sĩ cảnh sát biển, các kiểm ngư viên, các ngư dân đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền. Thầy tâm sự: “Không chỉ các cảnh sát biển, các gia đình ngư dân làm kinh tế ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng đang thực hiện nhiệm vụ của những người chiến sĩ chứ không chỉ là người đánh cá thông thường. Phía sau mỗi người đều có nhiệm vụ của riêng mình. Với học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, nhiệm vụ đó là phải học tốt. Đồng thời, tham gia tích cực vào các hoạt động chung thể hiện lòng yêu nước”.
Hơn 50 năm gắn bó với môi trường sư phạm, thầy Phạm Đình Thắng cho biết: "Rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhà nước ta đã kiên quyết giữ chủ quyền bằng nhiều biện pháp. Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, qua thông tin đầy đủ, đa dạng trên các cơ quan báo đài, lớp trẻ, trong đó có học sinh của tôi, càng có điều kiện hiểu sâu về vấn đề chủ quyền biển đảo. Đó cũng là một cách để chúng ta giữ toàn vẹn chủ quyền Tổ Quốc".
Khi được hỏi về mong ước một lần được ra với biển đảo, người thầy khiếm thị trầm ngâm: “Tôi chưa bao giờ ra Hoàng Sa, Trường Sa. Thỉnh thoảng tôi cũng nói với mọi người, nếu có được chuyến đi như thế thì rất vui nhưng có lẽ đó là điều không thực tế…”. Rồi thầy cười, nhấp ngụm trà, im lặng lắng tai nghe cuộc sống chảy quanh mình.