Chúng tôi tình cờ gặp GS Lưu Lệ Hằng vào sáng 23/7, khi bà đã có buổi giao lưu với sinh viên Đại học Huế và cán bộ nghiên cứu khoa học ở Huế về chủ đề “Cách nhìn mới về hệ mặt trời”.
GS Hằng sinh ra ở TP Hồ Chí Minh, năm 1975 bà bắt đầu theo cha mẹ sang định cư tại Mỹ.
Bà đã giành được học bổng của Trường Đại học (ĐH) Stanford. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa Vật lý tại trường này, bà chuyển đến làm việc tại phòng thí nghiệm của NASA.
“Tại đây, vì quá ấn tượng bởi hình ảnh về các hành tinh chụp bởi tàu nghiên cứu không gian gửi về nên tôi đã quyết định theo đuổi chuyên ngành thiên văn học từ đó”, bà chia sẻ về bước ngoặt trong cuộc đời mình.
Bà kể, năm 27 tuổi, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về sự liên quan giữa sao chổi và thiên thạch tại Trường ĐH California và làm việc dưới sự hướng dẫn của GS David Jewitt.
Chỉ sau một thời gian ngắn, bà cùng vị GS này bắt tay nghiên cứu về ngoại vi hệ mặt trời.
Mặc dù vào năm 1949, nhà khoa học người Ireland tên Edgeworth đã có giả thuyết về hệ mặt trời không kết thúc ở Pluto (Diêm Vương tinh) mà ngay rìa của hệ mặt trời còn có vành đai các tiểu hành tinh.
Tuy nhiên, theo GS Hằng, thời gian sau đó chẳng còn nhà thiên văn học nào chú ý đến đề tài này bởi họ nhận định rằng: “Mọi ngõ ngách trong hệ mặt trời đều được các tàu thăm dò của Mỹ và Nga thám sát hết!”.
Thế nhưng, một điều hết sức bất ngờ đối với giới khoa học Mỹ và thế giới là sau 5 năm quan sát, năm 1992, chính GS Lưu Lệ Hằng cùng GS Jewitt đã khám phá ra vành đai Kuiper ngoài hệ mặt trời khi phát hiện thiên thể đầu tiên nhờ sử dụng kính thiên văn 2,2m của Viện ĐH Hawaii ở đài quan sát Mauna Kea...
Năm 1991, GS Lưu Lệ Hằng vinh dự được Hội Thiên văn Mỹ trao tặng giải thưởng Annie J. Cannon.
Để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, người ta đã lấy tên bà đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu.
Năm 2012, người phụ nữ gốc Việt này tiếp tục đón nhận giải thưởng Shaw và Kavli, đây là 2 giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực Thiên văn học.