“Vua diệt chuột” Trần Quang Thiều và chiếc bẫy diệt chuột đoạt giải Vifotex.
Sáng hôm nào cũng vậy, nhân viên trong xưởng chế biến nhìn đống chuột lớn bé, cả những con ngót cân thịt nửa xuýt xoa, nửa trầm trồ. Dù sợ, nhưng các chị vẫn lấy điện thoại chụp ảnh lại, bảo về khoe với gia đình, vì chưa bao giờ nhìn thấy cùng lúc nhiều chuột như thế.
Con nối...
Đã 2 năm nay, định kỳ 6 tháng/lần, xưởng chế biến thức ăn gia súc do anh Nguyễn Văn Tuyến quản lý lại mời Cty diệt chuột chuyên nghiệp của người nông dân nổi tiếng với biệt danh “vua diệt chuột” Trần Quang Thiều (ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) về “thanh lý” đàn chuột. Lần nào cũng vậy, cả trăm con bị tóm gọn.
Xưởng thức ăn gia súc nằm trong khu công nghiệp Ngô Quyền và khá gần hệ thống cống rãnh trong thành phố. Lũ chuột đã mò đến ngay từ khi xưởng mới hoạt động, thậm chí từ khi còn đang xây dựng. Không ít lần, các bao tải thức ăn xuất xưởng đã ra đến cửa ôtô chuyển đi, phải để lại vì lỗ chỗ thủng do chuột cắn.
Một đêm chúng cắn ít nhất cũng 5 – 10 bao. Cám thức ăn vừa được hấp chín, vừa ấm vừa thơm nên chuột rất thích chui vào đó làm tổ, đẻ con. Đặc biệt trong mùa đông, hang đất ngoài trời lạnh, xưởng chế biến thức ăn lại càng là nguồn thức ăn và chỗ trú ẩn lý tưởng. Vừa làm tổ, chúng thường vừa cắn vỏ bao tải.
Đó không chỉ là những thiệt hại về tài sản do chuột cắn bao bì nguyên liệu, thành phẩm mà cả những mầm bệnh tiềm ẩn trong phân, nước tiểu chuột để lại sau khi chúng cắn phá. Lợn ăn phải thức ăn có mầm bệnh rất dễ bị tiêu chảy. Vì thế, mỗi lần thuê Cty về đánh chuột dồn dập trong 2 – 3 ngày, đàn chuột mới bớt đi.
…từ cha truyền
Hôm nay, người đảm nhận việc diệt chuột cho xưởng thức ăn gia súc của anh Tuyến là con trai thứ 5 của "Vua diệt chuột" Trần Quang Thiều. Anh Nghìn phân loại các loại chuột bẫy được, đủ cả từ chuột nhà, chuột leo, chuột cống, chuột chù. Con chuột còn trắng bụng là loại mới đi từ ngoài đồng ruộng vào nhà. Những con chuột cống ngót nghét cả cân thịt, theo anh Nghìn, thường đã sống vài năm.
Con trai ông Thiều - Trần Văn Nghìn đã thừa hưởng và phát huy tốt nghề diệt chuột từ cha.
Từ khi còn học lớp 7, anh Nghìn đã theo bố đi diệt chuột. Sáng đi học, chiều đến các hợp tác xã, hướng dẫn cho bà con nông dân thành lập tổ diệt chuột quanh huyện Thường Tín rồi các huyện lân cận. Nghìn không sợ chuột vì thấy đặt bẫy thì chuột nào cũng chết, chỉ sợ thiên địch của chuột - loài rắn độc mới là nguy hiểm nhất.
Nhưng ngán nhất là những hôm đặt bẫy lại đúng ngày trời mưa gió. Một cơn gió mạnh, cơn mưa nặng hạt cũng khiến hàng loạt bẫy – vốn hoạt động trên cơ sở quả đối trọng caosu bằng bao diêm được gắn vào móc cài mồi có thêm hai râu để giữ thăng bằng - đã… tự sập trước khi lũ chuột tới. Thế là phải làm từ đầu.
Mười ba năm gắn bó với nghề, anh đã thuộc nằm lòng những đặc tính của loài gặm nhấm này. “Chuột là con vật đa nghi, tinh ranh, chẳng thế mà chúng đứng đầu 12 con giáp. Giờ sống gần người hơn, chúng càng dạn dĩ. Nhưng khi đã nắm bắt được những đặc tính sinh học của chuột và phương pháp xử lý thì việc bắt chúng không khó”.
Chuột hay chui rúc thì đặt bẫy vào khoảng nửa tối nửa sáng, như góc tủ kê đồ, chúng không có lối ra nào khác bắt buộc là phải “đi” qua bẫy. Đặt bẫy vuông góc với đường chạy để chúng không nhìn thấy vật cản, chúng tưởng là an toàn thì sẽ mất cảnh giác và sập bẫy. Nếu đặt liên hoàn vài chiếc như dựng thiên la địa võng thì cả những con tinh ranh nhất cũng khó lòng thoát được.
Chân dung “Vua diệt chuột”
Để tìm ra đặc tính sinh học của chuột, ông Trần Quang Thiều đã mày mò, thậm chí bắt nuôi chúng, cắt râu, bịt mắt, cắt tai xem chúng hoạt động thế nào. Theo sách vở, ở VN có 43 loài chuột thì ông Thiều đã “gặp” được 38 loài.
Ông phân loại: Thân chuột dài 12cm, đuôi 13,5cm thì đó là chuột leo; đuôi ngắn hơn thân là chuột cống; đuôi dài bằng thân là chuột đồng; còn đuôi ngắn hơn thân nhiều thì đích thị chuột đất. Định dạng chuột bằng tai, mõm không chính xác bằng đếm lông mõm. Lông mõm có 18 đôi là chuột vùng núi, 20 đôi trở lên là đồng bằng, còn 16 đôi lông mõm dài thì là chuột rừng.
“Mê” diệt chuột, ông cũng bỏ công nghiên cứu cách diệt chuột dưới nước, trên cây, trên dây… Bẫy chuột dưới nước, chỉ cần ghim chặt bẫy vào mảnh gỗ, cắm cọc giữ bẫy ngang bằng với mặt nước. Khi chuột bơi qua sẽ mắc bẫy. Còn bẫy trên cây sẽ dùng đinh để cố định nằm ngang đường đi. Khi chuột chạy qua sẽ dính ngay.
Một mình làm không xuể, lại thấy các con đều học được nghề của cha, ông đứng ra làm thủ tục cho 4 người con, mỗi người đứng tên một Cty diệt chuột chuyên nghiệp và truyền hết lại những hiểu biết về loài chuột, kinh nghiệm cho các con.
Đến mỗi nơi, quan trọng nhất phải tìm ra được quy luật hoạt động của chuột ở đó. Ví dụ như ở chợ Đồng Xuân, chuột ăn đồ khô thì hay khát nước, vì thế nên cứ lúc người ta lau sàn nhà chuột ra uống nước.
Đặt bẫy đâu vào đấy xong, ông Thiều nhờ Ban quản lý chợ mang nước ra lau sàn. Thế là chuột sập bẫy như ngả rạ. Hay ở một số chùa, lễ hoa quả vừa đặt lên bàn thờ, lũ gặm nhấm đã tìm đến làm phật tử khiếp vía, còn nhà chùa thì đau đầu.
Nắm được thói quen của chuột cứ có thắp hương là chuột tới, ông Thiều cũng đặt những thứ hoa quả lên thắp hương và sau đó thì đi nhặt các bẫy và gỡ chuột mà thôi…
Những kinh nghiệm diệt chuột, ông đúc kết viết thành cuốn sách: “Giáo trình diệt chuột”, trong đó hướng dẫn 12 cách đặt bẫy, 15 cách phát hiện đường đi của chuột ở ngoài đồng ruộng và trong thành thị.
Ông cũng lưu ý chuột là loài mắn đẻ. Mỗi năm 1 đôi chuột sinh ra, rồi từ đó sinh sôi tầng tầng lớp lớp ra thành 2.040 – 2.048 con. Sau 15 ngày đẻ lứa trước, chuột con lông bụng còn đỏ, chuột mẹ đã có khả năng tiếp tục mang thai. Trong thời kỳ phát dục của chuột, nếu không bắt được chuột cái thì đàn chuột sẽ sinh sôi nảy nở không phanh như thế.
Hơn 10 năm qua, với chiếc bẫy chuột sinh học mà ông sáng chế ra và đã đạt giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Vifotec, người nông dân Trần Quang Thiều đã đi khắp Bắc-Nam, đồng bằng miền núi. Số chuột ông diệt được đã lên tới 30 triệu con. Mỗi lần hoàn thành hợp đồng với đơn vị nào đó, Cty lại thống kê và tính cộng nên con số có thực này.
Ở đâu có trâu bò, lợn gà ở đó chắc chắn có chuột, chúng vào máng cám ăn thức ăn thừa. Và thế, chuột được coi là vật trung gian làm lây nhiễm nhiều dịch bệnh sang gia súc và cả con người, như các bệnh lở mồm long móng, sốt chuột cắn, sốt xuất huyết với hội chứng thận, dịch hạch, bệnh Leptospirose, nhiễm khuẩn Salmonella.
Vì thế, diệt chuột không chỉ mang ý nghĩa ngăn chặn sự thiệt hại kinh tế do tài sản bị cắn phá mà còn phòng ngừa nhiều căn bệnh cho cộng đồng.
Cty diệt chuột Trần Quang Thiều đã là đối tác nhiều năm nay của các nhà máy, Cty lớn như Nhà máy bia Đông Nam Á, Việt Hà, Sài Gòn, Cty Vinamilk, Cty bay Nội Bài, Cty Ford ở Cẩm Giàng (Hải Dương)…
Với gần 10 chi nhánh cung cấp bẫy và dịch vụ diệt chuột, nắm trong tay hàng chục nhân viên, danh hiệu “Vua diệt chuột” của người nông dân Trần Quang Thiều đã vượt ra khỏi quê hương ông, đến khắp mọi miền đất nước. Ông và công ty của ông đã góp phần cho cuộc sống của người dân được an toàn và lành mạnh.