Gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ương đã điều trị cho nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun ở mắt. Hầu hết bệnh phẩm lấy được từ mắt bệnh nhân là giun chỉ trưởng thành có độ dài từ 5 - 12 cm
Ca điển hình là bệnh nhân Bùi Huy V. (47 tuổi, ngụ Hà Nội) vào Bệnh viện Mắt Trung ương khám vì cộm, vướng ở mắt phải và có dấu hiệu tấy đỏ. Soi dưới kính hiển vi, các bác sĩ phát hiện ký sinh trùng hình dạng giống giun, trong suốt, chuyển động tại chỗ.
Sau khi được chuyển phẫu thuật cấp cứu, các bác sĩ đã gắp được từ trong mắt của bệnh nhân V. một con giun dài 7 cm.
Sau khi phân tích gien tại Viện Công nghệ sinh học, các chuyên gia xác định đó là loài giun chỉ Dirofilaria Repens thường ký sinh trên chó, mèo và động vật hoang dã nhưng “nhập cư” vào người thông qua muỗi đốt. Khi xâm nhập vào người, loại giun này thường cư trú ở mắt (dưới kết mạc), ngoài ra còn có thể tìm thấy ở phổi, cơ, não, mô mềm (vú), dưới da, gan...
PGS-TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng Trường ĐH Y Hà Nội, còn cho biết một trường hợp người bị 7 con giun ký sinh trong mắt. Bệnh nhân này cho biết tự nhiên thấy cộm ở mắt trái, soi gương lật xem thì thấy 3 con giun nhỏ chui ra nhưng cộm và ngứa thì vẫn không hết. Khi đến BV khám, các bác sĩ đã gắp nốt số giun còn lại đang trú ngụ trong mắt. Loại giun này có tên khoa học là Thelazia callipaeda, trước đây chỉ tìm thấy ký sinh ở chó.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đề, một loài giun khác cũng sống ký sinh trong mắt là Toxacara. Người bệnh nhiễm giun này đang ngày càng phổ biến, có năm phát hiện tới gần 40 bệnh nhân.
Nguyên nhân có thể là do trẻ nghịch bẩn, chơi với chó; người lớn làm những công việc tiếp xúc với chó. Trứng của loài giun này thường nằm ở trên mặt của chó, mèo và có thể lây sang người thông qua tay người khi tiếp xúc. Nếu ôm ấp, hôn hít chó, mèo sẽ rất dễ bị nhiễm ấu trùng giun.
PGS-TS Nguyễn Văn Đề cảnh báo loại giun này không cư trú ở ruột và thường xâm nhập theo đường máu đến các cơ quan nội tạng của cơ thể như phổi, mắt, gan, não... Điều đáng nói là bệnh nhân có thể tử vong do giun “chạy” lên não vì không được điều trị kịp thời. Ngay cả với những bệnh nhân được điều trị cũng có thể để lại hậu quả mắt nhìn mờ.
“Mới đây, tại BV Nhi Trung ương, tôi đã điều trị cho hai bệnh nhi bị giun lươn tấn công vào não gây viêm màng não mủ. Chúng tôi phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu các cháu mới khỏi bệnh”- PGS-TS Nguyễn Văn Đề cho biết.
Lưu ý khi đau một bên mắt, nhìn mờ
PGS-TS Hoàng Minh Châu khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc quá gần với chó, mèo, đồng thời tập thói quen rửa tay trước khi ăn, tránh nguy cơ nuốt phải trứng giun. Nếu trẻ tiếp xúc với chó, mèo hay nghịch bẩn mà có biểu hiện đau một bên mắt, nhìn mờ thì nên đưa trẻ đến chuyên khoa mắt để được khám và điều trị sớm.
Để tránh các loại ký sinh trùng nhiễm vào cơ thể, cần bảo đảm vệ sinh ăn uống, hạn chế ăn tiết canh, gỏi cá, ăn rau sống thì cần rửa sạch... Ngoài ra, không uống nước lã và tắm rửa ở những vùng nước không bảo đảm vệ sinh.
“Trường hợp phát hiện giun tại mắt cần xét nghiệm và theo dõi trong thời gian dài để có thể loại trừ nhiễm giun sang các bộ phận khác” - PGS-TS Hoàng Minh Châu lưu ý.
Theo Dân Việt