Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực, thực hiện khám cấp cứu cho 84.523 trường hợp, nhập viện điều trị nội trú hơn 52.000 trường hợp, chuyển viện 4.518 trường hợp, thực hiện 6.423 ca phẫu thuật, đỡ đẻ/mổ đẻ, đón thêm 8.485 trẻ chào đời.
Tổng số khám cấp cứu do tai nạn giao thông là 17.278 trường hợp (tăng 113% so với Tết Ất Mùi), trong đó 1.928 trường hợp chấn thương sọ não (chiếm 11,2%), đã phẫu thuật cho 182 trường hợp chấn thương sọ não.
Tổng số tử vong do tai nạn giao thông kể cả trước viện và tiên lượng tử vong xin về là 88 trường hợp.
Có 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ, không có trường hợp tử vong, số nhập viện tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi.
Cao nhất là Quảng Ngãi, với 17 trường hợp nhập viện, trong đó 15 trường hợp nhập viện do sự cố pháo hoa tại quảng trường thành phố, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức cấp cứu kịp thời.
Có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ, song không có ca tử vong.
Tổng số ca khám, cấp cứu do đánh nhau là 1.971 trường hợp (giảm 83% so với 3 ngày Tết Ất Mùi). Tuy nhiên có 10 trường hợp tử vong do đánh nhau, con số này trong 3 ngày Tết Ất Mùi là 4 trường hợp.
Tổng số ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn chủ yếu là rối loạn tiêu hoá, ngộ độc (say) rượu là 1.971 trường hợp.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị yêu cầu các BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành đảm bảo công tác thường trực khám chữa bệnh, cấp cứu, không để người bệnh đến bệnh viện không có người khám chữa bệnh.
Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ.
Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã.