Gần 13.000 tỷ nuôi xe công: Nước giàu cũng không thế

Vũ Lan |

"Chính phủ phải trả lời trước dân: Vì sao chủ trương đúng nhưng thực hiện chậm, phạm vi hẹp?", ĐBQH Bùi Đức Thụ thẳng thắn yêu cầu.

Vì sao chủ trương đúng nhưng không thực hiện được?

Ông Thụ cho rằng chủ trương khoán xe công đã có từ lâu nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, đối tượng thực hiện vẫn nằm trong phạm vi hẹp là do vướng mắc ở cơ chế thực hiện, điều hành của Chính phủ.

Vì vậy, ông Thụ đề nghị Chính phủ phải có phương án rà soát, đánh giá lại công tác quản lý, sử dụng xe công hiện nay.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Yêu cầu của vị ĐBQH được đưa ra sau khi Bộ Tài chính báo cáo số lượng xe công của Việt Nam hiện lên tới con số 40.000 và chi phí để duy trì lên tới 13.000 tỷ đồng/năm.

Nhìn vào con số này vị đại biểu giật mình cho biết, duy trì một số lượng xe công quá lớn là nguyên dân dẫn tới tình trạng lãng phí, tăng chi và gây áp lực lên ngân sách.

Nhất là trong bối cảnh ngân sách khó khăn, khả năng cân đối trong những năm gần đây và kể cả những năm tới vẫn còn vô cùng căng thẳng thì rõ ràng lo lắng này không chỉ là lo lắng của riêng vị đại biểu đoàn Lai Châu.

Theo đó, ông Thụ đề nghị phải cơ cấu lại nguồn ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết, chưa cần thiết, lãng phí, trong đó có vấn đề quản lý và sử dụng xe công.

Có thể nói, quy định về quản lý và sử dụng xe công đã có từ lâu nhưng thực tế thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng lạm dụng, lãng phí, cấp sai đối tượng, có những người chưa đủ điều kiện, không đủ điều kiện vẫn sử dụng xe công.

Việc này cần phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

Với những người đủ tiêu chuẩn sử dụng xe công cũng cần xem xét cân nhắc có nên giao xe để phục vụ hay thực hiện chế độ khoán. Theo vị địa biểu, việc này cũng phải căn cứ vào hiệu quả sử dụng để áp dụng phương án thực hiện cho phù hợp.

Theo quan sát của ông Thụ, việc thực hiện khoán xe sẽ đem lại hiệu quả hơn so với phương án giao xe cho cán bộ, công chức.

Vì chi phí xe đưa đón, lương cho người lái xe mỗi năm rất lớn, nếu thực hiện khoán theo tính toán của ông Thụ có thể giảm được một nửa chi phí hiện tại.

Như vậy, rõ ràng nếu thực hiện cơ chế này thì ngân sách đã có thể tiết kiệm được rất nhiều tỷ đồng từ nguồn chi phí nuôi xe công hàng năm.

"Chủ trương đã có, rõ ràng hiệu quả hơn, tiết kiệm cho ngân sách hơn nhưng vì sao tổ chức thực hiện lại chậm, đối tượng áp dụng hạn chế, trong phạm vi hẹp"?, ông Thụ đặt câu hỏi.

Vị ĐBQH một lần nữa đề nghị Chính phủ phải rà soát lại, tổng kết các quy định hiện hành để giải trình rõ nhất. Mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để sử dụng nguồn ngân sách một cách hợp lý, hiệu quả nhất.

"Hơn bao giờ hết, Chính phủ cần phải có báo cáo trước Quốc hội, trả lời trước dân: Vì sao chủ trương đúng nhưng thực hiện chậm, phạm vi hẹp", ông Thụ đề nghị.

Ông Thụ cũng đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo về định mức khoán hiện nay đã được coi là phù hợp chưa? Trên cơ sở đó, cùng với những yếu tố khác sẽ đưa ra giải pháp đồng bộ.

Uy tín của đại biểu không nhờ chiếc áo kim loại...

Trước ý kiến cho rằng, khoán xe công khó thực hiện vì lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất quá lớn khiến đại biểu cũng như cán bộ, lãnh đạo khó rời bỏ được nó.

Theo ông Thụ, cái lợi nhìn thấy ngay của những người đang sử dụng xe công là họ có xe và được đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc cũng như khi đi công tác.

Khi sử dụng máy bay cũng có thể được ưu tiên trong làm thủ tục hành chính, vé ngồi... điều này cũng là chuyện bình thường.

Có nhiều ý kiến phản ánh ĐBQH đi vé hạng sang là lãng phí, ông Thụ giải thích trong trường hợp còn ghế trống nếu để ĐBQH chuyển từ vé hạng thường sang hạng sang cũng là cách xắp xếp linh hoạt, có lợi cho doanh nghiệp.

Nhưng xét về mặt ngân sách nhà nước có thể phải trả thêm một khoản chênh giá vé, chịu thiệt một chút nhưng cái thiệt này ít hơn thiệt hại của doanh nghiệp nên có thể cân nhắc thực hiện được.

Ông Thụ cũng thẳng thắn cho rằng, thay cần phải đổi ngay tư duy cứ đi xe công mới là oai. Ở nhiều nước phát triển hơn Việt Nam từ Thứ trưởng đến Bộ trưởng vẫn đi làm bằng phương tiện công cộng.

Thậm chí có những nguyên thủ quốc gia ở những nước phát triển khi sang Việt Nam làm việc vẫn đi bằng máy bay thương mại chứ không đi bằng phi cơ riêng.

Cá biệt, trên thế giới cũng có một số nước có sử dụng phi cơ riêng để đưa đón đoàn đến làm việc. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hãn hữu, trong số đó có nước Pháp.

Theo chia sẻ của ông Thụ, do thủ đô Pháp dân số đông, hay tắc đường vì vậy các đoàn lãnh đạo cấp cao khi sang Pháp làm việc cũng có thể được đưa đón bẳng trực thăng. Nhưng ông nhấn mạnh việc này cũng chỉ áp dụng trong phạm vi hết sức hẹp.

Vì ở các nước phát triển, dù ngân sách lành mạnh hơn Việt Nam, quy mô nền kinh tế lớn hơn, GDP bình quân đầu người lớn hơn Việt Nam rất nhiều song mọi khoản chi tiêu công đều có những quy định, tiêu chuẩn, đối tượng hết sức chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng. Mọi vi phạm đều bị thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói vậy để thấy rằng, trách nhiệm, bổn phận của người công chức, lãnh đạo là phải hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển chung, vì quyền lợi chung. Cán bộ ở cương vị nào thì phải chịu trách nhiệm với cương vị, nhiệm vụ tương ứng.

"Đừng lo hình ảnh xấu xí, nhếch nhác hay mất oai vì phải đi xe ngoài hay taxi, mà hãy lo làm tốt nhiệm vụ của mình. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, có đi xe nào, khoác áo kim loại gì xã hội và dư luận cũng không ghi nhận", ông Thụ nhắc nhở.

Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm liên đới

Nói thêm về quy định đối tượng sử dụng xe công, ĐBQH Bùi Đức Thụ cho biết, quy định hiện hành đang quy định đối tượng đủ tiêu chuẩn sử dụng xe công có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên.

Nhưng theo ông, số lượng công bố hơn 40.000 xe rất lớn song tỉ lệ sử dụng đúng đối tượng, dùng để đưa đón đại biểu hoặc những người có mức trợ cấp 1,25 lại chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Nói về trách nhiệm quản lý, điều hành, ông Thụ cho biết việc sử dụng và quản lý xe công nằm trực tiếp tại các bộ ngành, địa phương. Theo phân công, phân cấp ai sử dụng sai, lạm dụng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý chung nếu quản lý không sâu, không sát gây thất thoát lãng phí, Bộ Tài chính cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại