Ép học sinh học thêm, giáo viên có thể bị phạt 30 triệu đồng

Bùi Hà |

(Soha.vn) - Hiện các mức xử phạt hành chính giáo dục ở bậc đại học có sự chênh lệch quá lớn.

Phạt tiền tối đa 100 triệu đồng

Sáng nay (19/3), Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến đóng góp của đại diện các Sở GD, các trường đại học, cao đẳng về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trước khi trình lên Chính phủ vào tháng 4 tới.

Đây là một trong những việc làm nhằm hạn chế một số vi phạm nhưng chưa có quy định để xử phạt như hiện tượng dạy thêm trái phép, bố trí số lượng người học trong lớp quá lớn hay các hoạt động liên kết đào tạo, liên thông tràn lan, cơ sở tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vi phạm quy định về tổ chức, học phí, lệ phí…

Theo ông Nguyễn Hữu Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GD&GD, những điểm mới về Dự thảo Nghị định là việc bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả, tăng mức phạt 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục và cần xác định rõ quy định thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra cấp Bộ và cấp Sở trong việc xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ông Nguyễn Hữu Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Hữu Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT.

Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ phạt từ 3 – 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm, ép học sinh học thêm để tăng tính răn đe, đảm bảo chất lượng giảng dạy trong nhà trường.

Bên cạnh đó, đại diện các Sở GD, các trường đại học cao đẳng còn nhiều ý kiến băn khoăn về quy định xử phạt dạy thêm, học thêm trái phép; quy định về hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý và cấp bằng chứng chỉ…

Bày tỏ ý kiến, Trưởng phòng thanh tra ĐH Vinh Hà Văn Sơn góp ý, dự thảo nên quy định rõ ràng mức phạt tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân; 100 triệu đồng đối với tổ chức, cơ sở vi phạm.

Và theo đại diện ĐH Luật Hà Nội cho rằng, mức phạt trong dự thảo của các hành vi vi phạm chênh nhau rất lớn, căn cứ vào đâu để phân chia như thế? Phạt như thế đã hợp lý hay chưa?

Đại biểu này dẫn dụ: “Trong điều 7, khoản 4 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tuyển sinh để đào tạo. Nếu tuyển sinh chênh 1 người học (quy định dưới 10 người) đã phạt 10 triệu rồi. Nên tách riêng ra, lần 1 cảnh cáo, lần 2 phạt tiền. Điều 15 (khoản 2) quy định phạt 5 triệu – 10 triệu đồng đối với hành vi gây rối, đe dọa, dùng vũ lực ngăn cản người coi thi, chấm thi…liệu có quá nặng hay không? Chúng ta có nên đồng nhất vi phạm quy chế và vi phạm pháp luật hay không?”

Phạt 30 – 50 triệu đồng nếu không công khai cấp bằng trên web?

Điều 18 trong dự thảo quy định về công khai và sử dụng văn bằng chứng chỉ, trong đó phạt tiền từ 30 triệu đồng-  50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về cập nhật và công khai thông tin về cấp phát bằng chứng chỉ trên webstie của đơn vị.

Không đồng tình với quy định này, đại biểu Võ Văn Khang – Thanh tra ĐH Huế lý giải: “Tình trạng công khai số lượng sinh viên cấp bằng trên website thực tế rất nhiều trường không làm, thực tế không ít trường chưa có website. Vậy có nên quy định công khai hay không? Hay ở điều 19 quy định về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn, tôi thấy từ bậc mầm non đến đại học đều vi phạm nếu thanh tra, kiểm tra. Theo tôi, cái gì phổ biến, chưa khắc phục được thì khoan đưa ra, khi nào đạt đến 70% thực hiện thì hãy phạt”.

Đại diện Trường ĐH Luật phát biểu đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục.

Đại diện Trường ĐH Luật phát biểu đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Dũng – Trưởng phòng Thanh tra khảo thí, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc công khai văn bằng trên website là cần thiết và cần làm mạnh để hạn chế tình trạng mua bán bằng cấp giả tràn lan hiện nay.

Ông còn đề xuất: “Tại sao ở tiểu học có quy định dạy thêm, học thêm mà đại học lại không? Những buổi phụ đạo thu thêm có bị xử phạt hay không?”.

Bên cạnh những ý kiến đó, để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, nhiều đại biểu đề xuất: cần đưa thêm quy định các thuật ngữ vào điều khoản; xác định rõ ai có thẩm quyền được xử phạt cơ sở, cá nhân vi phạm? Cấp xã, huyện có được phạt hay không, có thẩm quyền được phạt tất cả hành vi hay nhóm hành vi nào.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại