Không xúc phạm, miệt thị
Rất nhiều các ý kiến khác nhau đã được đưa ra sau khi nhóm truyền thông Trăng Đen của blogger Nguyễn Ngọc Long cầm biển quảng cáo "sinh viên chuẩn" đứng trước cổng trường Đại học QGHN và Học viện Báo chí Tuyên truyền vào hôm 20/8.
Đặc biệt, nội dung trên tấm bảng ở Học viện Báo chí tuyên truyền ghi: “Viết bài gãy tay, nhuận bút 200 ngàn, tham gia mạng lưới sinhvien... 1 tháng có 200 triệu. Sinh viên chuẩn, học làm giàu. Chỉ việc chơi, tiền bay tới".
Nhiều người thậm chí còn cho rằng, đây là những ngôn từ mang tính miệt thị, phản cảm, xúc phạm.
Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Long khẳng định, phần nội dung được ghi trên tấm bảng không có gì là xúc phạm hay miệt thị người nào, nghề nghiệp nào cả.
Theo blogger Ngọc Long, khoảng 1 giờ sáng 20/8, anh cùng Bùi Thế Long, Đinh Ngọc Hà, Hoàng Ngọc Hải, Hạ Hồng Việt chốt nội dung sẽ viết lên tấm bảng.
Ban đầu, nội dung ở trường báo chí định ghi là: "Viết báo bạc mặt, nhuận bút 200k/Vào Sinh....com có 200 triệu".
Nhưng sau đó, nhóm sửa đi sửa lại từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy và sau hơn một tiếng đồng hồ mới chốt phương án là: "Viết báo gãy tay, nhuận bút 200 ngàn/Tham gia mạng lưới sinhvien....com một tháng có 200 triệu".
"Tôi cho rằng, nội dung "viết báo bạc mặt" nghe hơi... tàn nhẫn và có thể gây phản cảm. Còn "viết báo gãy tay" thì mô tả đúng thực tế hơn.
Tất nhiên, sau khi chiến dịch diễn ra thành công thì cũng có ý kiến này khác coi câu đó là "xúc phạm nghề nghiệp", nhưng tôi cho rằng, không có gì xúc phạm và nếu ai thấy bị xúc phạm thì cứ việc chỉ ra".
Cũng theo anh Ngọc Long, khi ý tưởng này được nhen nhóm đã có 2 phương án được đề cập, sau đó, phương án tạo hình với nhân vật rất kỳ công được lựa chọn.
"Người đóng phải đẹp trai, cao trên 1m8, nặng trên 70kg, còn trẻ. Trang phục là quần âu đen, áo vest đen, giày đen, kính đen. Phụ kiện gồm có iPhone 6, đồng hồ kim cương, Apple Watch và nhiều thứ khác để "lòe mắt" thiên hạ.
Nhất quyết phải có một chiếc xe đạp thật ghẻ để dàn dựng cảnh 2 thanh niên đa cấp "giàu có sành điệu" lén lút chở nhau đi làm việc", blogger Ngọc Long cho hay.
Theo blogger Ngọc Long, anh phải đăng tin tuyển diễn viên phù hợp yêu cầu và nhờ một chuyên gia casting phim chọn giúp ứng viên qua ảnh.
Sau đó, diễn viên chính được chọn làm đa cấp bảnh bao là Trần Bá Nam, sinh viên trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh.
Người cầm bảng theo trợ giúp là Thanh Nguyễn. Còn người "vệ sĩ" là Nguyễn Cảnh Dũng tôi chọn "phát sinh" vào phút cuối, chỉ trước khi tình huống diễn ra gần 1 tiếng.
"Chiều 19/8, khi hai "người bán hàng đa cấp" Trần Bá Nam và Thanh Nguyễn qua tập, tôi đã mất gần 3 tiếng để giải thích những lý thuyết về tự do tài chính, tư duy triệu phú, lực hấp dẫn... để các bạn nắm được.
Sau đó, tôi bắt đầu chém gió điên đảo trong vai một thủ lĩnh đa cấp để các diễn viên thị phạm làm theo", blogger Ngọc Long kể.
Đồng thời, hai bạn Đinh Ngọc Hà và Hạ Hồng Việt đóng vai là những sinh viên khó tính. Các bạn này khi được Trần Bá Nam và Thanh Nguyễn dụ dỗ thì không nghe theo và chất vấn đủ kiểu, hỏi đủ câu và gây khó dễ.
Anh Long nói: "Tất tần tật các phương án chiêu dụ được diễn tập, để các thanh niên đa cấp có thể đóng tròn vai. Tôi yêu cầu các bạn ấy phải tuyệt đối tuân thủ những chú ý là từ đầu đến cuối không được nhận mình là đa cấp.
Nhưng phải sử dụng những đặc điểm của dân đa cấp, thông qua ngoại hình, từ ngữ (tuyến trên, tuyến dưới, mạng lưới, tự do tài chính...) và phong thái (nói văng nước bọt, chém tay, cuồng nhiệt, hào hứng, áp chế người đối diện...).
Trong trường hợp bị hỏi vặn "cuối cùng các bạn có phải đa cấp hay không" thì phải trả lời "đa cấp hay không hoàn toàn không quan trọng, cái chính là chúng tôi muốn mang đến sự giàu có cho các bạn" hoặc "nếu đa cấp thì cũng có gì xấu xa đâu?"".
Trong cái rủi có cái may
Theo anh Ngọc Long, dù đã lên kế hoạch chi tiết, nhưng khi vào thực hiện thì lại bị "vỡ" nhiều nội dung. Một số thành viên do bận việc nên phải quay về. Diễn viên đến muộn, trang phục của không đúng, phải tìm người đóng thế...
"Nếu nhìn kỹ các thanh niên đa cấp, các bạn sẽ thấy phần phụ kiện hoàn toàn biến mất. Chẳng có iPhone 6, đồng hồ Apple Watch hay máy tính bảng gì để loè thiên hạ. Chỉ may là nhìn các thanh niên ấy vẫn chuẩn đa cấp như thường", blogger Ngọc Long kể.
Theo đúng lịch trình thống nhất là sinh viên báo chí 11 giờ 30 tan học nên cả nhóm sẽ giăng bảng vào thời gian đó. Nhưng khi nhóm tới nơi thì trường vắng tanh.
Hỏi ra mới biết, sinh viên đã về từ 30 phút trước. Vậy là thông tin "nội gián" không chính xác, kế hoạch tanh bành mây khói. Cả đám "buồn bã" kéo đi ăn trưa rồi 12 giờ 45 phút quay lại.
Vì lý do lệch giờ vô duyên như vậy nên khi các thanh niên bắt đầu trưng biển chiêu dụ thì hầu như không có ai quan tâm.
Các em sinh viên cũng có lác đác đi qua đi lại dòm ngó nhưng vì vội vã vô trường điểm danh nên không nán lại. Tình thế lúc ấy khiến ai cũng cảm thấy chương trình đổ bể.
Thêm vào đó, kế hoạch ban đầu thì blogger Ngọc Long và Ngọc Hải sẽ tham gia quay phim chụp ảnh. Nhưng khi vừa giơ máy lên chụp thì anh Long đã bị lộ.
"Sau khi chụp được một số hình ảnh mà bản thân cảm thấy đã đủ sức lan truyền, tôi ra hiệu cho cả nhóm rút quân, đồng thời chia sẻ hình ảnh đầu tiên lên facebook cá nhân và fanpage khác. Một bạn nhận trách nhiệm đi chia sẻ ở một vài group.
Sau đó rất nhanh chóng, hình ảnh được lan truyên chóng mặt. Chỉ sau tầm 15 - 20 phút, đã có vài trăm người đăng ký thông tin để nhận "bí kíp làm giàu", blogger Ngọc Long chia sẻ.
Đến chiều cùng ngày, bất chấp những lời chửi bới dìm hàng, doạ đánh doạ giết các thanh niên đa cấp, nhóm tiếp tục cầm bảng ra ĐHQG Hà Nội với một tâm trạng cực kỳ hồi hộp và lo sợ vì nghe quá nhiều lời đe doạ trên facebook.
"Tôi liên tục hỏi các bạn, đứng chỗ này thì có chạy kịp không? Có biến thì chui vô phòng bảo vệ nhé? Ở kia có bốt công an? Hay là đứng gần phòng giáo viên? Bao nhiêu là phương án, cuối cùng 2 thanh niên đứng ở cổng trường.
Chụp được khoảng hai chục tấm hình là cả nhóm rút nhanh như chớp. Thú thực vừa đi vừa sợ, về tới nhà rồi vẫn tim đập chân run.
Rồi ngay lập tức, hình ảnh được tung lên mạng, cập nhật ở website và lời "thách thức" sẽ tiến quân tới trường khác vào sáng ngày 21/8. Chúng tôi lại tiếp tục đi đổ dầu vào lửa ở khắp mọi nơi có thể", anh thuật lại.
Cùng với đó, anh Long cho biết thêm, anh đã lên dự định hẹn hai thanh niên đa cấp tối đó đi quay clip giả vờ bị đánh cho cộng đồng mạng có thêm nguyên liệu để sôi sục tiếp, nhưng bất thành.
Anh bày tỏ: "Đây là dự án xã hội của chúng tôi thực hiện với mong muốn làm một bài test nhỏ để đo phản ứng của các bạn sinh viên, cũng như cộng đồng mạng với mô hình kinh doanh đa cấp.
Qua đây, chúng tôi cũng muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ là hãy để ước mơ của bạn được thực hiện một cách khôn ngoan và trong sáng. Hãy dừng lại trước khi quá muộn!
Hãy là một sinh viên chuẩn và chia sẻ lời kêu gọi này đến đông đảo bạn bè của bạn để đừng bao giờ vướng vào đa cấp".