Lộc "trời cho"
Theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ & Đời sống, anh Tô Quang Dần, thôn Đông Phú, xã Đông Phú, Lục Ngạn, Bắc Giang chính là người đầu tiên ở Việt Nam thuần hóa vịt trời thành vịt nhà.
Với những nỗ lực tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm chăn nuôi, anh đã được Hội Nông dân Việt Nam trao giải 3 trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc.
Năm 1992, anh nhập ngũ và được rèn luyện trong quân đội gần 2 năm. Trở lại địa phương do không có bằng cấp gì nên anh vẫn quanh quẩn với gia đình làm vải thiều và chăn nuôi lợn gà.
Mặc dù chịu khó làm ăn nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, gia đình anh gần như lúc nào cũng thuộc diện hộ nghèo nhất xóm.
Thế rồi, định mệnh đã sắp xếp cuộc đời anh vào một công việc chưa từng có ở địa phương. Vào một ngày mùa đông năm 2010, trên chiếc thuyền nan quen thuộc, anh khua mái chèo đi đánh cá.
Nhưng hôm đó anh không đánh được con cá nào mà bắt được một đôi vịt trời. Vừa chán nản vừa tò mò anh mang đôi vịt trở về nhà nhưng không làm thịt mà dành thời gian để quan sát theo dõi chúng.
Ban đầu, anh thấy đôi vịt sợ sệt, đập cánh bay rầm rập thế nhưng vài ngày sau thì chúng quen dần. Mỗi khi thấy anh nhẹ nhàng đưa thóc, cá, tôm vào máng, đôi vịt ríu rít đến gần.
Sau 2 tháng nuôi nhốt, anh mở lưới cho vịt ra ngoài, dọn sẵn một bãi đậu nho nhỏ ven hồ và đặt máng thức ăn. Lần đầu thả vịt về thiên nhiên anh cũng sợ chúng sẽ bay mất, cả ngày hôm ấy anh cứ nhìn trân trân vào cái chuồng nhỏ không biết vịt có quay lại hay không.
Thế rồi anh vô cùng sung sướng khi buổi chiều hôm đó đôi vịt đã quay lại với chủ nhân của mình. Như vậy là anh đã thuần hóa thành công đôi vịt trời này, theo lời kể trên tờ Lao động.
Thu gần 1 tỷ đồng trong năm 2014 nhờ vịt trời
Có lẽ đôi vịt là "lộc trời" cho anh thật. Hai con thì đúng một con đực, một con cái.
Tờ Vietnamnet ghi nhận, sự kiện quan trọng nhất tới với anh Dần là khi anh nuôi 2 con vịt trời được 7 tháng. Một buổi sáng, anh ra vườn phát hiện thấy quả trứng đầu tiên.
Tuy nhiên, con mái duy nhất chỉ đẻ 2,3 quả rồi lại dừng. Theo kinh nghiệm bản thân, đoán vịt trời đẻ chưa đều do cho ăn chưa tốt, anh đi mua cám cho vịt đẻ ngoài của hàng về cho vịt ăn thêm.
Đúng như dự đoán, những tháng sau đó, con vịt mái đẻ đều đều 20, 23 trứng/tháng. Lúc này, ý tưởng nhân giống vịt trời chính thức xuất hiện trong đầu anh Dần.
Đem điều này đi chia sẻ, anh bị nhiều người cười vì ý tưởng viển vông. Có người nói anh nói phét như Cuội.
Tự làm, tự nhân giống, tự đem những quả trứng đầu tiên cho gà ấp, anh Dần đã có những con vịt trời đầu tiên sau gần 1 năm thuần hóa hai con vịt trời. 6, 7 tháng sau, đàn vịt trời nuôi đầu tiên xuất hiện trên thị trường.
Ôm những con vịt trời này đi khắp các nhà hàng ở Bắc Giang, anh ra giá 250.000 đồng/con. Con thì được trả giá 250.000 đồng; con thì 220.000 đồng; con thì chỉ được 200.000 nhưng anh rất vui vì đây là những đồng tiền công sức đầu tiên.
Cứ ngỡ khó, song ngay sau khi tới tay khách hàng, các nhà hàng liên tiếp gọi điện cho anh đặt hàng.
Khi vịt cái đẻ nhiều, anh Dần phải huy động toàn bộ gà mái của gia đình ấp cũng không xuể. Vì thế anh đã đưa trứng đến những lò ấp công nghiệp hiện đại.
Khi vịt nở anh cho chúng ăn cám của gà con, từ ngày thứ 21, anh cho vịt trời ăn cám của vịt đẻ, sang tháng thứ 3 trở đi, anh cho ăn toàn thóc.
Những con vịt trời được nuôi trong chuồng xi măng. Hàng ngày chúng được thả ra hồ, ăn, bơi trong hồ đến tối lại quay về chuồng. Ảnh: Vietnamnet
Từ cuối năm 2013, anh Dần bắt đầu trở thành triệu phú khi mở rộng việc thuần hóa vịt trời và nhân giống với số lượng lớn.
Sau khi vay mượn được 80 triệu đồng để làm vốn đầu tư, anh Dần xây 2 dãy chuồng vịt, xung quanh quây lưới mắt cáo, nền chuồng láng xi măng và anh còn làm cả nơi cho vịt tắm.
Chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ & Đời sống, anh dần tự hào: "Loại vịt trời này xương nhỏ, thịt chắc và không hôi nên ngày càng nhiều người tìm mua vịt trời thương phẩm.
Nhà tôi giờ có gần 300 con vịt giống, mỗi ngày thu khoảng 300 trứng và thu 40-50 triệu/tháng. Năm 2014 gia đình tôi thu được gần 1 tỷ đồng từ vịt trời đấy".
Mô hình nuôi vịt trời của anh Dần hiện đang được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ cực Nam tổ quốc là Cà Mau đến khu Lào Cai, Yên Bái... giống vịt trời của anh đã có mặt.
Ông Vũ Đức Việt - Phó chủ tịch UBND xã Đông Phú - cho biết, hiện xã đã tìm hiểu và nghiên cứu thấy mô hình nuôi vịt trời của anh Tô Quang Dần rất hiệu quả.
Chính quyền xã đã cử người tư vấn giúp gia đình anh trong việc phòng chống dịch, hỗ trợ về việc tuyên truyền...
Xã cũng đang nghiên cứu áp dụng và nhân rộng mô hình này trong toàn địa phương nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Tổng hợp