Dương Chí Dũng thêm 2 tội danh nếu khai man về "ông anh cao cấp"

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Sau ngày đầu tiên xét xử em trai Dương Chí Dũng, luật sư Chu Mạnh Cường cho biết, nếu nhân chứng khai không đúng có thể sẽ phải đối diện với 2 tội danh khác.

Trong ngày xét xử đầu tiên vụ án liên quan đến Dương Tự Trọng cùng 6 đồng phạm, Dương Chí Dũng xuất hiện với tư cách là người làm chứng. Tại phiên xử, Dương Chí Dũng đã khai tên người báo tin và khuyên mình bỏ trốn. 

Sau buổi xét xử đầu tiên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính (Đoàn luật sư Hà Nội) về một số vấn đề liên quan đến phiên xử này.

Trước những thắc mắc về việc bị cáo hoặc nhân chứng khai trước tòa mà không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác thì có bị khép tội vu khống hoặc một tội danh nào khác hay không, luật sư Cường đã dẫn ra tại điều 55 khoản 4 điểm b Bộ luật tố tụng hình sự quy định về nghĩa vụ của người làm chứng trong vụ án hình sự phải: “Khai báo trung thực tất cả các tình tiết mà mình biết về vụ án”.

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trường Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Luật sư Chu Mạnh Cường - Trường Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

“Trong trường hợp có đủ cơ sở kết luận lời khai của người làm chứng là không đúng sự thật thì tùy theo mức độ vi phạm, nguyên nhân, động cơ, mục đích, thiệt hại xảy ra để có chế tài xử lý phù hợp. Điều 55 khoản 4 điểm b Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định về trách nhiệm của người làm chứng trong trường hợp họ khai báo gian dối: “Khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 307 Bộ luật hình sự”. Điều 307 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật”. Theo đó nếu người làm chứng mà khai báo gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt tù quy định đối với tội danh này cao nhất lên đến 7 năm tù giam”, ông Cường nói.

Vị luật sư này cho biết thêm: “Bên cạnh tội danh “Khai báo gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật” được quy định tại điều 307 Bộ luật Hình sự, trong trường hợp người làm chứng khai báo, cung cấp thông tin, tài liệu mà họ biết rõ là không đúng sự thật trước tòa án mà có đủ cơ sở kết luận những thông tin, tài liệu đó gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, và người có quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có đơn yêu cầu xử lý thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự của nhân chứng đã khai báo gian dối, cung cấp thông tin không đúng sự thật theo điều 122 Bộ luật Hình sự - “Tội vu khống”. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này được quy định tới 7 năm tù giam”.

Với tư cách là nhân chứng tại phiên xét xử, Dương Chí Dũng có nghĩa vụ phải khai sự thật

Theo quy định, với tư cách là nhân chứng tại phiên xét xử, Dương Chí Dũng có nghĩa vụ phải khai báo trung thực tất cả các tình tiết mà mình biết về vụ án.

Khi được hỏi về việc nếu báo chí đăng tải các thông tin mà bị cáo hoặc nhân chứng khai trước tòa chưa được kiểm chứng hoặc không đúng sự thật thì các cơ quan báo chí đó phải chịu tránh nhiệm gì không, luật sư Cường nói:

“Trong trường hợp báo chí đăng tải các thông tin mà bị cáo, nhân chứng khai trước tòa chưa được kiểm chứng hoặc không đúng sự thật, về nguyên tắc, sau này, khi những người có quyền lợi bị xâm phạm chứng minh được sự thật và chứng minh được báo chí có lỗi trong việc đăng tải các thông tin này thì căn cứ theo điều 9 Luật báo chí quy định về Cải chính trên báo chí thì: “Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận đó””.

Về vấn đề các cơ quan báo chí và người phát ngôn sai sự thật có thể bị kiện hay không, luật sư Chu Mạnh Cường cho hay thêm: “Bên cạnh đó, điều 28 Luật báo chí còn quy định xử lý vi phạm, theo đó: “Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự”.

Điều 6 Luật Báo chí quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, trong đó có quyền: “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”.

Và căn cứ theo quy định này, xét về góc độ pháp lý thì trong trường hợp báo chí chỉ đưa thông tin về nội dung, diễn biến, các tình tiết về một phiên tòa đang được xét xử công khai minh bạch, và việc đưa tin của báo chí, về bản chất chỉ đưa thông tin một cách khách quan, trung thực diễn biến phiên tòa, không lồng ghép ý chí chủ quan của mình, không cố tình đưa tin sai sự thật thì khó có cơ sở để chứng minh báo chí có lỗi trong việc đăng tin để buộc báo chí phải chịu trách nhiệm về “tính trung thực” của các thông tin được đưa ra tại phiên tòa. Về nguyên tắc pháp lý, trong trường hợp này báo chí đang thực hiện quyền của mình được pháp luật quy định, đó là: “Quyền đưa thông tin trung thực …” đối với một sự kiện đang diễn ra công khai.

Tuy vậy, bên cạnh góc độ pháp lý, đối với những vụ việc mang tính nhạy cảm cao, ảnh hưởng lớn đến các vấn đề chính trị, xã hội, … báo chí cũng nên xem xét thận trọng dưới nhiều góc độ trước khi đưa tin.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại