Ngày 17/12/2012, nữ sinh Nguyễn Thanh V. - học sinh lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng. TP Tam Kỳ, Quảng Nam đưa lên mạng xã hội facebook “Tuyên ngôn học sinh…” để kêu gọi học sinh phải bằng mọi cách vượt qua đợt kiểm tra học kỳ I của nhà trường.
Trang facebook cá nhân của em V. (học sinh lớp 8 THCS Lý Tự Trọng) đã viết "Tuyên ngôn học sinh.." được coi là thóa mạ thầy cô, nhà trường gây xôn xao thời gian gần đây.
Trên facebook cá nhân của học sinh này ghi: “Hỡi toàn thể học sinh!! Chúng ta muốn an lành, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, bọn thầy cô càng lấn tới…” được cho đó là những lời lẽ thiếu văn hóa, thóa mạ nhà trường, thầy cô rất nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 15-12-2012, em V. đã bị ban giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng kỷ luật đuổi học ba ngày vì đánh nhau với bạn học và lôi kéo nhiều người ngoài tham gia.
Ngay sau đó, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Lý Tự Trọng họp và quyết định buộc thôi học một năm đối với em Nguyễn Thanh V. Đưa ra mức kỷ luật này, có không ít ý kiến trái chiều cho rằng hình phạt này quá nặng đối với một học sinh.
Độc giả Nguyễn Tài Tú nói: “Tôi nghĩ hình phạt hơi nặng vì em đó mới đang học lớp 8. Hơn nữa, đây là môi trường giáo dục, thầy cô và nhà trường nên bao dung, độ lượng với các hành vi sai trái. Đuổi học là trốn tránh trách nhiệm, thay vì đuổi học tại sao không có phương pháp giáo dục lại học sinh cá biệt? Nếu ở nhà một năm, có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và biết đâu khiến em bi quan, sa ngã hơn”.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tấn Sĩ, hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng khẳng định, hành vi của V. đã vi phạm đến 3/5 mục của Điều 41, Điều lệ Trường THCS mà Bộ GD-ĐT quy định và cho rằng hình thức kỷ luật như vậy là thích đáng.
Đồng tình với quan điểm của nhà trường, PGS Văn Như Cương cho rằng những phát ngôn của em không tục tĩu nhưng thể hiện thái độ quá hỗn láo với thầy cô. Và bản thân trường THPT DL Lương Thế Vinh đã từng đình chỉ học một năm với 2 học sinh có hành vi giống em V.
Tuy nhiên, ô ng Trần Văn Nhựt - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Nam lại cho rằng như vậy là quá nặng. “Việc cho một học sinh thôi học một năm đẩy về cho gia đình giáo dục, nếu không khéo vô tình đẩy các em đến chỗ hư hỏng thêm” - ông Nhựt nói thêm.
Em V. ân hận, ăn năn vì những hành động bồng bột, dại dột của mình.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý đào tạo nay là Học viện Quản lý Giáo dục, cũng cho rằng em học sinh này sai thì phải kỷ luật nhưng không nên đuổi học một năm đối với em.
“Không nên dùng chữ “đuổi” mà có thể kỷ luật em này tạm thời nghỉ đến trường để suy nghĩ về hành động bồng bột của mình, đồng thời nhà trường cần có phương thức giúp đỡ, giáo dục em tại nhà để em nhận ra thiếu sót của mình. Như vậy,bản thân em không cảm thấy bẽ bàng, ảnh hưởng đến tâm lý rồi dẫn đến hành động tiêu cực khác”, PGS Bảo giải thích.
PGS cho biết thêm: “Tôi có biết và rất nể phục một thầy hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội đưa ra hình thức kỷ luật “treo” tức là yêu cầu cho học sinh tạm dừng đến trường khi mắc sai phạm về đạo đức. Hoặc ở một số trường tư dùng cụm từ “ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục” để cảnh báo học sinh. Theo tôi, trước khi chúng ta trách học sinh này thì những người thầy nên trách mình đã không quan tâm sát sao. Tuổi trẻ có phút bồng bột, nhí nhố và trách nhiệm của người thầy là “dạy”, “dỗ” và “dọa”, nhưng “dọa” thế nào để học sinh không cảm thấy tủi hổ và mất đi viễn cảnh”.
Trước quy định đình chỉ học một năm đối với em V. của Trường THCS Lý Tự Trọng khiến dư luận xôn xao gần đây. Phải chăng mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng thiếu sự gắn kết và bị ảnh hưởng xấu từ cơ chế thị trường, xã hội thông tin?
Nhiều độc giả đặt câu hỏi: “Liệu rằng, sau một năm ở nhà, em V. có đủ can đảm để trở lại trường trước lời bàn tán của thầy cô, bạn bè?”