Làm “khó” các trường ngoài công lập
Những năm gần đây ngành Tài chính – Ngân hàng, kế toán được coi là ngành “hot”, hút thí sinh. Tuy nhiên, theo dự báo gần đây của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính cũng cho thấy, năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính, ngân hàng ra trường, nhưng sẽ chỉ có khoảng 20.000 người được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng.
Số còn lại, đương nhiên sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề. Còn trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không được tuyển sẽ khoảng 13.000 người.
Mới đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa 'đầu ra' như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này".
Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh chủ trương dừng mở ngành ngân hàng và kế toán. (ảnh minh họa).
Đề cập về việc quyết định tạm dừng mở ngành đào tạo thừa đầu ra, TS. Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi cho rằng hiện nay đang có tình trạng dư thừa quá mức nguồn nhân lực ngành ngân hàng, tài chính (NH- TC). Theo dự đoán của ông thì 2 – 3 năm NH - TC cũng khó “ngóc đầu” lên được.
“Việc tạm dừng có thể là chính sách, là cơ hội. Đó là do vấn đề thị trường. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu dừng nhưng khó cấm được. Hiện nay, ngành tài chính, kế toán rất quan trọng, ngành nào, nghề nào cũng phải cần quản lý tài chính, hạch toán…Tại sao nền kinh tế nước ngoài cũng suy thoái nhưng họ vẫn đào tạo? Tôi nghĩ, việc tạm dừng mở ngành chưa phải là bài toán thông minh, chưa phải là phương pháp hiệu quả nhất”, TS Luận trình bày quan điểm.
Đối với những trường công lập có đào tạo ngành này, các lãnh đạo trường đều cho rằng đây là chủ trương đúng đắn của Bộ, Nhà nước giúp điều chỉnh lại cán cân nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho sinh viên sắp ra trường ngành này có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, theo những lãnh đạo các trường ngoài công lập thì đây là “cách áp đặt”.
Bà Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch HĐQT Trường Dân lập Thăng Long giải thích: “Đối với trường công lập khó khăn ít bởi họ có nhiều lĩnh vực khác. Về chủ trương tạm dừng mở ngành đào tạo ngân hàng, kế toán, tài chính tôi cho là đúng vì hiện nay ra nhiều, sinh viên gặp khó tìm việc. Nhưng nên chặn các trường công thôi. Họ lãnh ngân sách nhà nước. Muốn nguồn ra phục vụ tốt xã hội thì chỉ nên làm vậy”.
Thay đổi hướng đào tạo
Con số dự đoán khoảng hơn 10 sinh viên ngành TC – NH sẽ đối mặt với thất nghiệp, trái ngành, TS Luận khẳng định, sinh viên học ngân hàng không nhất thiết phải làm trong ngân hàng mới là đúng ngành nghề. Nhu cầu tuyển dụng người huy động vốn, quản lý tiền, hạch toán...từ các doanh nghiệp là không giảm. Vì vậy, nhân lực tài chính, ngân hàng rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế.
Trả lời cho câu hỏi nhà trường sẽ thay đổi như thế nào trong tình trạng “bão hòa” nhân lực TC -NH, TS Luận đưa ra quan điểm: “Chúng tôi sẽ đầu tư thầy tốt, giáo trình tiên tiến, liên kết với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên năm 1, năm 2 ngành này có thể thực hành, tiếp cận với thị trường lao động sớm. Nếu sản phẩm ra trường tốt thì sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của nguồn nhân lực”.
TS Luận cho rằng, không thể “cài then” hay đóng cửa đào tạo để giải quyết vấn đề dư thừa nguồn nhân lực được mà: “Cần định hướng, dạy các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên để thích ứng tốt sau khi ra trường. Mình cần đào tạo sinh viên theo hướng công dân toàn cầu”.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời để giảm bớt nguồn nhân lực dư thừa trong ngành ngân hàng. (ảnh minh họa).
Bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng, mặc dù hiện nay các ngành ngân hàng bão hòa, không thể tuyển thêm nhân viên nhưng việc dừng mở ngành đối với các trường ngoài công lập thì phải cần thời gian, chuyển ngành dần dần.
Và GS Sính nhấn mạnh rằng đó là nhu cầu của xã hội và phải do xã hội tự điều chỉnh. GS ví dụ, năm vừa qua ngành tài chính ngân hàng của Trường ĐH Thăng Long đã giảm hơn một nửa thí sinh, từ 500 xuống còn 200 thí sinh.
Thay cho lời kết, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương nói: “Theo quan điểm của tôi, biện pháp mang tính cơ học không giải quyết được vấn đề, nó có thể giải quyết được 1 năm, 2 năm nhưng sau đó đâu lại vào đó. Điều quan trọng là phải định hướng và cung cấp thông tin cho học sinh phổ thông, phụ huynh để tiếp cận thị trường lao động tốt nhất, tránh tình trạng ồ ạt theo phong trào vào các ngành “hot” như hiện nay”.