Đúng là ông, Đinh La Thăng!

Đinh Duy Hòa |

Nhậm chức xong, vào việc ngay, chỉ đạo cái này, khắc phục cái kia... Đúng là ông, không có gì khác so với thời là Bộ trưởng Giao thông. Vẫn kiểu xông xáo, cụ thể, quyết đoán, dám đương đầu và trách nhiệm.

Chính trị gia trên thế giới cũng như ở ta, có lúc thật và cũng có lúc diễn, diễn lâu quá sẽ lộ và dân chúng rất nhanh sẽ dò ra cái nào là diễn, cái nào là thật.

Thiên hạ muốn bình kiểu gì cũng được, nhưng nếu ở ông là “diễn” thì người dân thành phố, trộm nghĩ, cứ mong ông diễn nữa đi càng tốt, bởi đã quá lâu rồi hiếm có những người diễn như vậy.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại cuộc gặp với thiếu nhi TP sáng 27/2. Ảnh: Đinh Tuấn

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại cuộc gặp với thiếu nhi TP sáng 27/2. Ảnh: Đinh Tuấn

Dân chúng luôn công bằng và khách quan khi đánh giá các nhà lãnh đạo. Hãy hỏi người dân Đà Nẵng về Nguyễn Bá Thanh, người dân Hội An về Nguyễn Sự và giờ đây là người dân TP.HCM về Đinh La Thăng.

Thời gian nhậm chức cho đến giờ của ông là quá ngắn, chưa biết gần 5 năm tới ra sao, nhưng dấu ấn ông mang lại đã là đáng suy ngẫm.

Chính quyền còn xa dân

Rất nhiều ý kiến của dân, doanh nghiệp, đặc biệt là qua đường dây nóng. Sao mà nhiều vậy nhỉ! Thành phố vốn luôn được xem là phát triển tốt, luôn trong tốp đầu các địa phương về các loại chỉ số đánh giá mà còn như vậy thì các tỉnh khác sao đây?

Mà chúng ta đã có ti tỉ thứ quy định về khích lệ, động viên người dân tham gia quản lý nhà nước như dân chủ cơ sở, chế độ cơ quan nhà nước tiếp công dân, thậm chí người làm luật còn cao tay quy định đích thân người đứng đầu các cơ quan nhà nước định kỳ phải trực tiếp tiếp dân, rồi hòm thư góp ý, đường dây nóng...

Ấy thế nhưng qua câu chuyện này mới thấy những thứ đó chưa đủ, khoảng cách giữa chính quyền - dân vẫn xa xôi và người dân thành phố có quá nhiều bức xúc nay tự nhiên có chỗ đáng tin cậy có thể gửi vào.

Đường xá đi lại, đất đai, nhà cửa, dự án và thu hồi đất cùng giá cả đền bù, đầu ra cho nông nghiệp... toàn là những việc không mới và điều cơ bản là toàn việc của chính quyền các cấp.

Chính quyền thành phố vẫn hoạt động, giải quyết việc này, việc kia, nhưng đến khi ông Thăng vào cuộc mới lộ ra còn nhiều thứ chưa ổn.

Đi vào, tìm hiểu và có giải pháp giải quyết ngay là thể hiện trách nhiệm của chính quyền với dân, là làm đúng trách nhiệm của chính quyền các cấp, là khắc phục cho được những món nợ với dân từ bao lâu nay.

Lấn sân hay không lấn sân

Có người bảo ờ cũng hay đấy, nhưng Bí thư thành ủy đi vào những việc như vậy có chuẩn không và liệu có lấn sân chính quyền hay không.

Dân chúng đương nhiên chẳng quan tâm lấn hay không lấn, mà giả sử có lấn thì lấn vậy cũng quá tốt, dân được nhờ qua kiểu lấn vậy.

Bí thư thành ủy là người đứng đầu hệ thống chính trị thành phố. Đảng thông qua bí thư và cả bộ máy thực hiện sự lãnh đạo toàn diện đối với thành phố.

Mà đã là lãnh đạo toàn diện thì có nghĩa là từ a đến z, từ chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, xã hội...

Nói cụ thể ra, lớn thì là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế, GDP, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, nhỏ thì là chỗ để xe, đèn đường, rác thải, nắp cống, nhà vệ sinh công cộng...

Chẳng thế mà Chủ tịch nước, Thủ tướng đi địa phương thường quan tâm câu chuyện người nghèo, chỉ đạo tết lo cho người nghèo...

Nếu đúng ra có người lại nghĩ không biết có đúng tầm không nhỉ. Cho nên câu chuyện lãnh đạo của ta rất mang sắc thái ta.

Làm lãnh đạo mà chỉ ra được nghị quyết hay, không biết cụ thể đời sống dân chúng qua nghị quyết được và mất gì là hỏng, là mất điểm trong con mắt người dân, không biết cấp dưới thực thi công việc ra sao cũng không ổn.

Bí thư thành ủy đi vào những cái nhỏ như vậy, trước hết dân được nhờ, nhưng cái được lớn hơn cho bộ máy là cảnh tỉnh, nhắc nhở các cơ quan trong cả hệ thống chính trị của thành phố đấy là việc của mình, đáng ra phải làm tốt, nhưng chưa làm hoặc làm chưa tốt thì nhanh chóng mà khắc phục, mà làm cho tốt.

Bí thư thành ủy không có sức và cũng không đủ thời gian để ngày nào cũng đi như vậy, nhưng qua cái cách đi kiểu này buộc cấp dưới phải suy nghĩ, phải hành động, phải lo sợ đến trách nhiệm của mình.

Nếu như người đứng đầu hơn 300 cấp xã, gần 30 cấp huyện và ngót nghét 20 sở ngành toàn thành phố chuyển mình theo kiểu Bí thư, lúc đó thành phố sẽ có sự thay đổi lớn và chắc đường dây nóng đến Bí thư thành ủy sẽ “nguội tanh”.

Đấy chính là một dấu hiệu lớn về sự hài lòng của dân chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền.

Cái đáng lo nhất lại nằm ở trong hệ thống chính trị của thành phố. Sức cản, sức ỳ trong bộ máy, cách làm cũ...

Hy vọng cách lãnh đạo, cách thuyết phục, động viên cũng như sự nghiêm minh thưởng phạt của Bí thư thành ủy được bản thân hệ thống ủng hộ, tạo đà cho thành phố tiếp tục đi lên. Ngược lại, đành để thời gian cho lời giải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại