(Minh họa: Ngọc Điệp)
Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì việc làm này vẫn chỉ nằm ở những bước ban đầu. Khâu quyết định cuối cùng vẫn còn ở phía trước. Tất cả sẽ bằng không nếu như việc bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới không mang lại hiệu quả. Cụ thể là nếu như các cuộc bỏ phiếu không tìm ra và loại bỏ những nhân sự yếu kém, không đủ năng lực cũng như phẩm chất để đảm nhiệm chức vụ thì chưa thể nói là Quốc hội đã trả xong “món nợ”.
Ngày 26/11 vừa qua, trong buổi tiếp xúc với cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Việc này nếu làm tốt, đúng đắn, hiệu quả thì chắc chắn sẽ xoay chuyển tình thế”.
Tuy nhiên, đã xuất hiện ý kiến lo ngại trong thực tế, có thể việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ vấp phải sự nể nang, dĩ hòa vi quý, tránh va chạm thậm chí không loại trừ sự vận động, mua chuộc, tiêu cực, mua phiếu… xảy ra.
Trước những băn khoăn này, Chủ tịch Nước đã nhắc nhở mỗi người cầm lá phiếu phải có trách nhiệm đầy đủ, khách quan, công tâm, vì sự nghiệp của đất nước chứ không vì lợi ích cá nhân hay vì cái ghế của mình đang ngồi.
Có thể nói những lo ngại về sự thiếu trung thực, khách quan khi bỏ phiếu không phải là không có cơ sở. Thế nhưng không phải khi đã là đại biểu muốn làm gì thì làm mà còn chịu sự giám sát của cử tri, những người đã bầu ra đại biểu.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội, một trong ba chức năng của Quốc hội là chức năng giám sát tối cao toàn bộ các hoạt động của Nhà nước thì theo Điều 51, cử tri cũng có quyền và trách nhiệm giám sát các đại biểu quả mình.
Luật qui định: “Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan”.
Điều 56 còn qui định: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”.
Tại buổi tiếp xúc trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn kêu gọi và khẳng định: “Cử tri là những người bầu ra đại biểu Quốc hội nên cử tri cũng phải có trách nhiệm đòi hỏi đại biểu làm đúng ý chí của mình.
Còn nếu không thực hiện ý chí đó là không còn tư cách đại biểu nữa. Tôi hy vọng rằng, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trên cả nước đừng để mất lòng tin của dân khi họ đã bỏ phiếu cho mình”.
Như vậy là đã rõ, ai đủ tài đức, đủ tinh thần trách nhiệm và đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri thì xứng đáng là đại biểu. Nhân dân tin các Đại biểu Quốc hội, giao trọng trách cho đại biểu Quốc hội thì ngược lại, đại biểu cũng phải có trách nhiệm và xứng đáng với mong đợi của cử tri. Còn nếu như ngược lại, họ sẽ bị Quốc hội hoặc cử tri sẽ bãi nhiệm.
Để đi đến kết quả hôm nay, Quốc hội đã trải qua hành trình 12 năm đằng đẵng với rất nhiều quyết tâm. Xin đừng vì sự nể nang hay một lý do nào đó mà làm mất đi sự chờ đợi, niềm tin cậy của nhân dân.
Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: “Nếu vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong. Muốn chế độ vững bền thì người cầm lá phiếu phải đầy trọng trách”.