Cần một cơ chế đặc thù với Đường Lâm
Vừa qua, câu chuyện một số hộ dân sinh sống ở Đường Lâm xin trả lại “danh hiệu” di sản đã làm dậy sóng dư luận.
Với đặc thù là một “di tích sống”, việc quản lý, bảo tồn làng cổ Đường Lâm gặp nhiều khó khăn dẫn đến mâu thuẫn với phát triển đời sống dân sinh, gây nên những bức xúc của người dân.
Thực tế, những bất cập trong quản lý di tích đã xuất hiện ngay từ những năm 2008 - 2009 nhưng để giải quyết triệt để các bất cập này, theo các chuyên gia nhấn mạnh, không phải một sớm, một chiều và cũng không phải chỉ là trách nhiệm của riêng đơn vị, cá nhân nào cả mà phải là tổng lực của cộng đồng.
Trao đổi tại hội thảo “Chung tay gìn giữ giá trị của viên ngọc quý - Làng cổ Đường Lâm” do Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững phối hợp cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức cách đây ít hôm, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng khẳng định bảo tồn làng cổ Đường Lâm không chỉ bảo tồn di tích mà là bảo tồn các giá trị đặc trưng của một mô hình cư trú điểm dân cư nông thôn truyền thống vẫn đang tồn tại và phát triển như một cơ thể sống.
Với một số trường hợp các hộ dân xây nhà 2 tầng để phục vụ đời sống, ông Cường cho rằng: “Nếu cho phép xây nhà 2 tầng và thỏa hiệp thì liệu những cụm nhà cổ còn có ích gì khi xung quanh là đô thị hiện đại? Chúng ta không phải bảo tồn nhà cổ mà phải bảo tồn làng cổ, bảo tồn không gian văn hóa. Phải thuyết phục được người dân giữ nguyên trạng và tiến hành giãn dân”.
Ông Cường đã đề xuất các giải pháp cho các xu hướng có thể xảy ra trên, trong đó nhấn mạnh đến việc thành phố Hà Nội cần có sự quan tâm kiểm soát các dự án phát triển xung quanh, đảm bảo sự phát triển đó không có tác động tiêu cực đến các làng cổ về cảnh quan và các yếu tố văn hóa xã hội khác.
Cùng với đó, ông Lưu Quang Huy, Phó viện Trưởng viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng đề nghị cần đảm bảo công bằng giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ, xem xét kỹ phương án đưa người dân ra khu tái định cư với những điều kiện phù hợp, tạo không gian hòa quyện giữa sự phát triển mới và cảnh quan cũ.
Cùng với đó, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý (BQL) Di tích làng cổ Đường Lâm cũng cho hay: “Chúng tôi đã thỏa thuận với Sở Quy hoạch kiến trúc được khu giãn dân, vấn đề bức xúc về nhà ở của người dân sẽ được giải quyết trong nay mai. Nhưng, nếu phải đóng 100 triệu mới được ở khu giãn dân thì sẽ không có ai chịu di dời, phải có cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân tái định cư”.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng nhấn mạnh: "Đối với Đường Lâm nó là một di sản sống, kể cả trong Luật di sản cũng chưa có điều nào điều chỉnh đến nó, vì vậy trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải có những cái cơ chế riêng để điều chỉnh hoạt động của làng cổ được bảo tồn và phát huy được tốt hơn".
Đồng thời, ông Tiến cũng thừa nhận, Sở VHTT&DL có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra những bất cập trong quản lý di sản Đường Lâm.
Gắn lợi ích người dân làng cổ bằng du lịch
Một trong những giải pháp bảo tồn di sản được TS. Nguyễn Thu Hạnh (Chủ tịch Liên hiệp khoa học phát triển Du lịch bền vững) đã đưa ra đó là tạo lợi ích cho người dân làng cổ bằng sản phẩm du lịch từ cây lúa, để Đường Lâm sẽ là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu “Làng Việt cổ”...
"Tour du lịch đặc biệt “Mùa lúa chín” với các hoạt động tham quan, tạo ra các hình nộm rơm, phát triển ẩm thực dân gian, sáng tạo đồ lưu niệm từ vật liệu truyền thống… sẽ giúp người dân “sống” được từ đồng ruộng và di tích", TS Hạnh nói.
Đồng tình với giải pháp này, PGS.TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia) cũng cho rằng: "Du lịch cộng đồng sẽ giúp bảo tồn và chuyển giao di sản văn hóa dưới dạng nguyên gốc cho các thế hệ tương lai và phát huy giá trị văn hóa di sản phục vụ nhu cầu tinh thần của cộng đồng gắn với phát triển du lịch bền vững.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, nhà nước không nên làm thay cộng đồng và cũng không được khoán trắng cho cộng đồng.
Muốn thực hiện xã hội hóa, muốn phát huy vai trò của cộng đồng, nhà nước cần tăng cường đầu tư và luôn có biện pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa để hướng cộng đồng vào những mục tiêu chiến lược đã đặt ra trong từng giai đoạn phát triển.
Phát triển du lịch cộng đồng, người dân địa phương sẽ được khuyến khích tham gia, có quyền ra quyết định, chịu trách nhiệm thực thi và điều hành các dự án du lịch cộng đồng. Các thế hệ cộng đồng cư dân địa phương được tạo sinh kế, công ăn việc làm và lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch"
Còn ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cũng bày tỏ “Muốn người dân ở Đường Lâm cùng chung tay góp sức bảo vệ làng cổ Đường Lâm, phải làm thế nào để bà con được hưởng lợi.
Để bà con được hưởng lợi bền vững, phải bắt đầu từ nông nghiệp, du lịch không thể trông chờ vào những lệ phí thu vé hàng năm ở làng. Phải để cho người dân ở làng cổ thấy được họ được hưởng lợi ích thì họ mới chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản của làng cổ”.