Đu cáp bay qua sông mùa lũ

Hàng trăm hộ dân sống ven những đoạn sông suối chảy qua các huyện Lắk, Buôn Đôn, Krông Bông tỉnh Đắk Lắk vào mùa lũ dù biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải đu dây qua sông.

“Bay” trên sợi cáp

Chúng tôi tìm về xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 60 km về phía đông nam, chứng kiến cuộc mưu sinh của gần 200 hộ dân từ thôn 2 đến thôn 9 tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, với 300 ha đất canh tác thuộc các xã Cư Kty (huyện Krông Bông), xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắk) nằm phía bên kia sông Krông Ana, hằng ngày phải vượt sông đi làm bằng đu mình trên dây cáp tự chế.

Trước kia, người dân dùng cầu khỉ và thuyền bè để đi lại. Mùa khô, nước rút người dân có thể lội qua sông còn mùa mưa dùng thuyền nhỏ để qua. Nhưng khi lũ về mực nước dâng cao tới 4 - 5 m, cuộn xoáy cuốn trôi cả cầu.

Không còn cách nào khác, người dân phải đu mình trên dây cáp rất thô sơ, được cấu tạo bằng một sợi dây cáp giăng giữa 2 cọc gỗ hoặc sắt tự chế đóng cố định ở hai bờ.

Một rọ sắt được nối trực tiếp với dây cáp bằng bánh xe quay, hoặc dây curoa. Phải chọn vị trí đôi bờ cao thấp, có độ dốc để đặt điểm cáp treo cho thuận đà “diễn xiếc” qua sông mà không có bất kỳ phương án bảo hộ nào.

 

Chúng tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh khi chứng kiến tận mắt cảnh người dân đu cáp “bay” lơ lửng trên không, dưới là dòng nước hung bạo, đục ngầu chảy cuồn cuộn, chực chờ nuốt chửng người đu.

Tiếp đất gần chỗ chúng tôi đứng, lấy chiếc mũ trên đầu lau những giọt mồ hôi trên mặt, ông Lê Văn Bình (thôn 6, xã Hòa Lễ) nói: “Thu nhập của cả gia đình tôi trông vào gần chục héc ta rẫy bên kia sông. Mỗi lần đu trên độ cao từ dây cáp cách mực nước khoảng 10m, mới đầu ai cũng sợ, nhưng sau đó làm liều nhắm mắt phi qua, lâu rồi thành quen. Đến mùa thu hoạch có ngày đu đến 8 lần, cả gia đình 4 người cùng nông sản theo ròng rọc đi đi về về”.

Ông Bình tiếp: “Vì nhu cầu qua lại ngày càng nhiều, chúng tôi còn chế tạo cả lồng sắt để chở trẻ nhỏ qua. Nhà chị Nguyễn Thị Mai hai vợ chồng ở riêng, mỗi khi đi rẫy không có ai trông con hộ, đành cho con đu cáp cùng qua sông trong một cái lồng sắt. Đang vào mùa mưa lũ nên nước chảy xiết hơn, người đu quen còn thấy hãi chóng cả mặt. Thực tế chẳng có người dân nào muốn đu dây qua sông đi làm cả. Ai cũng mong có một cây cầu thuận tiện đi lại để khỏi phải đánh cược mạng sống thế này”.

Cả gia đình ngồi trong lồng sắt qua sông

Hiện nay, dọc theo sông Krông Ana có tất cả 20 điểm dân tự chế cáp treo. Sợi cáp có đường kính từ 0,6 - 0,8 cm, chiều dài từ 80-100m. Tiền làm cáp treo chỉ từ 5-7 triệu đồng do một hộ hoặc một số hộ tự góp để sử dụng chung.

Thôn 6 có 8 điểm cáp treo, thôn 5 có 9 điểm cáp. Tốc độ “bay” qua rất nhanh, chỉ vài phút là qua tới bờ bên kia, vì thế để tiếp đất an toàn tránh va đập chấn thương khi sắp chạy đến bờ người đu dây phải làm động tác lắc qua lắc lại để giảm tốc độ.

Đánh cược với tử thần

Ông Mai Văn Năm ở thôn 3, xã Hòa Lễ nói: “Không đu thì chỉ còn cách đi vòng xa hơn tới 20 cây số. Ban đầu đu tôi sợ đến nỗi không dám mở mắt nhìn, tim đập loạn xạ, nhưng rồi đu mãi thành quen!”.

Tương tự như xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, người dân ở thôn 7, thôn 8, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn cũng đã quen với việc đu dây cáp vượt sông Sêrêpôk đến rẫy canh tác.

“Đang đu mà dây cáp đứt là coi như mất mạng, nhưng không đi làm rẫy được thì cũng chết đói, vì thế phải đánh đu với tử thần thôi”, anh Phạm Thành Luân (thôn 7, xã Ea Huar) cho biết.

 

“Việc đu dây qua sông rất nguy hiểm. Chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo bà con về mức độ rủi ro, đặc biệt trong mùa mưa lũ, đã đề nghị bà con tháo dỡ toàn bộ số cáp treo này nhưng bất lực vì nhu cầu mưu sinh của họ. Cách đây một tháng, người dân thôn 9 tự góp tiền làm được cây cầu bằng sắt và ván. Đây cũng là một cây cầu tạm, độ an toàn không cao, nước lũ có thể cuốn trôi bất cứ lúc nào. Mong sao sớm có một cái cầu để thuận lợi cho việc qua lại của người dân”.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch xã Hòa Lễ

Mới đây, ngày 15/8 xảy ra một vụ tai nạn rớt cáp. Bà Nguyễn Thị Thọ (52 tuổi, dân thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đang đu dây qua sông thì bị ngã bất tỉnh tại chỗ. Khoảng một giờ sau mới được người dân phát hiện đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông cấp cứu.

 

Bà Thọ cho biết, khi đang đu trên dây mới được hơn 2m thì bánh xe trượt khỏi dây cáp, kẹt cứng, bà tuột tay rơi xuống ngay bờ bên này, may có người phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu.

Trước đó, cuối tháng 6/2014, anh Nguyễn Văn Tiêu (thôn 7, xã Ea Huar) cùng vợ và con trai 7 tuổi đu cáp vượt sông Sêrêpôk. Trượt tới lưng chừng sông thì dây cáp đứt, vợ con anh rơi tòm xuống dòng nước chảy cuồn cuộn. Anh Tiêu hốt hoảng tri hô, may được người dân xung quanh ứng cứu kịp thời, vợ con anh thoát chết nhưng đều bị thương nặng.

Nghiêm trọng hơn, vụ đứt cáp mùa lũ năm 2012 đã khiến ông Nguyễn Ngọc Phương (thôn 2, xã Hòa Lễ) rớt xuống sông, tuy được bà con nhanh tay vớt nhưng ông vẫn bị chấn thương nặng ở lưng, phải điều trị ở bệnh viện thời gian rất dài.

Ông Lê Xuân Vinh – quyền trưởng phòng Quản lý giao thông Sở GTVT Đắk Lắk: “Các điểm cáp treo dân tự tạo đều không nằm trên trục giao thông chính thức nên Sở không thể nắm rõ, chỉ được biết do huyện báo cáo lên .

Sau đó, Sở trực tiếp xuống tận nơi kiểm tra, và đã có văn bản tham mưu gửi ra ngoài Bộ GTVT. Trước mắt, Sở đã đề xuất Bộ ưu tiên cho xây một cầu treo dân sinh dài khoảng 120 m tại thôn 5, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, nơi hiện có tới 9 điểm cáp treo dân tự tạo”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại