Bò tót là một trong số ít loài động vật hoang dã được xếp loại quý hiếm nhất vì đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Với bản tính rất hung dữ nên việc lai tạo bò tót với bò nhà để cho ra thế hệ bò tót F1 là cực kỳ khó khăn.
Vậy mà, hiện ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã có một trang trại bò tót lai 20 con được thuần dưỡng tại vùng rừng của Vườn quốc gia Phước Bình, huyện miền núi Bác Ái.
Câu chuyện truyền giống này của bò tót ở Ninh Thuận bắt đầu từ gần 7 năm trước…
Năm 2008, một con bò tót đực trong đàn bò tót gần 30 con cư trú ở các cánh rừng của 2 huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) bỗng nhiên tách bầy, lang thang xuống vùng rừng thuộc tiểu khu 20 của Vườn quốc gia Phước Bình.
Sau vài tháng tạm cư, con bò tót này đã “tán tỉnh” mấy “cô” bò cái chăn thả của đồng bào Raglai địa phương. Sáu năm qua, từ các “cuộc tình” của con bò tót đực với nhiều con bò cái nhà đã có gần 20 bò tót con lai F1 ra đời.
Để duy trì và phát triển nguồn gen quý của bò tót lai, đầu năm 2013, Sở Khoa học - Công nghệ của 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại Vườn quốc gia Phước Bình với 10 con bò tót lai của bà con nông dân được mua lại để thuần dưỡng.
Trang trại bò tót lai Phước Bình là vùng rừng có diện tích hơn 2 ha, được rào chắn bằng lưới B40. Trang trại có chuồng rộng hơn 300 m2 để bò nghỉ dưỡng khi thời tiết khắc nghiệt.
Hầu hết diện tích còn lại là đồi núi, rừng tự nhiên để chúng tự do đi lại. Một phần của trang trại được trồng cỏ, làm thức ăn cho bò…
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình, cho biết: Những con bò tót lai F1 tăng trọng nhanh, đề kháng tốt một số bệnh thường xảy ra trên đàn bò nhập nội và bò nhà.
Bước đầu chúng đã dần quen với các điều kiện nuôi dưỡng theo kiểu quảng canh của bà con nông dân.
Hiện đơn vị đang nghiên cứu, xác định công thức lai để cho ra thế hệ bò tót lai F2, thể hiện đầy đủ tính trạng ban đầu của bò tót cha.