Bài 1: Thất bại nhục nhã của giặc phương Bắc trước Việt Nam
Bài 2: Nhìn lại trận đánh khiến giặc phương Bắc "khiếp hồn bạt vía"
11 năm 1788, quân Thanh chia làm bốn đạo tiến vào nước ta. Đạo quân chủ lực do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, qua Lạng Sơn tiến xuống Thăng Long. Đạo quân thứ hai do tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy, qua Cao Bằng tiến xuống. Đạo quân thứ ba do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy, qua Tuyên Quang tiến xuống. Đạo quân thứ tư theo đường Yên Quảng (Quảng Ninh) tiến vào.
Ngày 17/1/1788, quân Thanh chiếm đóng thành Thăng Long và một phần đất Bắc Hà. Tôn Sĩ Nghị buông lỏng cho quân lính mặc sức hoành hành, cướp bóc, hãm hiếp nhân dân. Bọn phong kiến phản động trong nước cấu kết chặt chẽ với bọn cướp nước. Dân chúng lầm than khổ cực.
Trước cảnh đất nước bị quân giặc giày xéo, mọi người đã tập hợp lại dưới lá cờ đại nghĩa của người anh hùng Nguyễn Huệ. Quân Tây Sơn ở Bắc Hà lúc bấy giờ do tướng Ngô Văn Sở chỉ huy, chỉ độ một vài vạn quân.
Ngày 21/12/1788, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ được tin báo khẩn cấp của Ngô Văn Sở. Ngày hôm sau, ông làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung.
Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ. (Ảnh: Internet)
Quang Trung dừng quân lại ở Nghệ An hơn 10 ngày để bổ sung thêm lực lượng, nâng quân số lên 10 vạn, tổ chức thành 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Ngoài ra còn có một đội tượng binh với 200 voi chiến. Vua Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà.
Ngày 15/1/1789, quân Tây Sơn tập kết ở Tam Điệp. Sau khi nghiên cứu tình hình mọi mặt, Quang Trung quyết định mở cuộc tấn công lớn nhằm tiêu diệt nhanh chóng và triệt để toàn bộ lực lượng quân địch. Quân Tây Sơn chia làm năm đạo tiến ra theo những hướng khác nhau tạo thành một thế bao vây chiến lược dồn quân địch vào tình thế hoàn toàn bị động. Trước tình thế đó, quân địch bị tiến công dồn dập và bị bao vây tiêu diệt không cách nào cứu vãn nổi.
Đêm 25/1/1789 (tức đêm 30 Tết Kỷ Dậu), đạo quân chủ lực của ta do Quang Trung chỉ huy vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy). Tiêu diệt đồn tiền tiêu trên hệ thống phòng ngự của địch mở đầu cuộc tiến công đại phá quân Thanh. Quân Tây Sơn nhanh chóng tiến lên, liên tiếp tiêu diệt các đồn quân Thanh và đuổi theo bắt gọn quân do thám của giặc. Đêm 28/1, quân Tây Sơn bí mật vây chặt đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây). Quân Thanh hoảng sợ nên ngay lập tức phải đầu hàng.
Quân ta tiêu diệt một đồn lũy trọng yếu của địch cách Thăng Long 20km mà không tốn một mũi tên, hòn đạn.
Tái hiện hình ảnh Vua Quang Trung cưỡi voi vào thành Thăng Long sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. (Ảnh: Báo Bình Định)
Nhận được tin mất Hà Hồi, quân Thanh hoảng hốt nói với nhau: “Thật là tướng trên trời rơi xuống, quân dưới đất chui lên”. Tôn Sĩ Nghị kinh ngạc trước đòn trời giáng đã phải “rút kiếm chém xuống đất nói rằng; sao mà thần đến thế”.
Mờ sáng ngày 30/1, quân Tây Sơn tiến đánh đồn Ngọc Hồi, một cứ điểm mạnh cách Thăng Long 14km, giữ vị trí then chốt bảo vệ trực tiếp cửa ngõ phía nam Thăng Long. Quân địch ở đây có khoảng 3 vạn tên với chỉ huy của Hứa Thế Hanh, phó tướng của Tôn Sĩ Nghị và là tướng chỉ huy toàn bộ hệ thống phòng ngự phía Nam. Quang Trung trực tiếp chỉ huy trận này.
Mặc dù quân địch đông, có thành luỹ kiên cố, ra sức chống đỡ nhưng quân Tây Sơn với đội tượng binh hơn 100 voi chiến, những lá chắn lớn chống tên đạn, đột nhập giáp chiến với “thế lực ồ ạt như nước triều dâng”, chỉ trong 1 ngày đã san phẳng đồn Ngọc Hồi, tiêu diệt bộ phận lớn quân địch. Số còn lại cố chạy về Thăng Long nhưng đến vùng Đầm Mực (Thanh Trì, Hà Nội) thì bị đạo quân Đô đốc Bảo bí mật mai phục sẵn ở đây tiêu diệt hết.
Cũng mờ sáng ngày 30/1, đạo quân thứ hai bất ngờ tiến công mãnh liệt vào đồn Khương Thượng-Đống Đa. Quân Thanh bị tiêu diệt hàng vạn tên, tướng chỉ huy Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử. Quân Tây Sơn chọc thẳng vào thành Thăng Long.
Chỉ trong vòng 5 ngày đêm (từ ngày 25 - 30/1/1789), dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung – Nguyễn Huệ đã vùng lên quét sạch gần 30 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)