Đời u ám của gã đào mộ trót gây oán với giang hồ

lananh |

Ma túy, "gái mú" và ảo tưởng "quyền lực đen" đã dần biến Hải thành tội phạm thực sự.

Những người có việc đi qua khu vực nghĩa trang Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thường thấy một người điên tầm tuổi trung niên, hình dáng tiều tụy, luôn lầm rầm trong miệng những câu không rõ nghĩa, đi quẩn quanh giữa những bia mộ bạt ngàn. Nhiều năm trước, người tâm thần này từng là Hải "nghĩa địa", du đãng khét tiếng một thời.

Đào Trọng Hải sinh năm 1972, ngụ thị trấn Văn Điển, có biệt danh "nghĩa địa" phản ánh đúng nghĩa về xuất thân. Cha Hải là nông dân nhưng không thể kiếm đủ ăn từ mấy sào ruộng ông bà để lại. Theo chân một số người trong làng, ông đến nghĩa trang Văn Điển xung vào đội quân đào mộ thuê.

Ngày đó nghĩa trang chưa trở thành đài hóa thân hoàn vũ như bây giờ, vẫn là nơi an nghỉ cuối cùng của hàng vạn người Hà Nội. Tuy nhiên nghề đào mộ thuê phải qua nhiều công đoạn, công sá cũng khá khẩm nhưng thường phải chia năm xẻ bảy, phần mang về cho gia đình chẳng còn được bao nhiêu.

Khi Hải tròn 3 tuổi, người mẹ không chịu được cảnh sống khổ cực đã bỏ hai bố con để ra đi tìm nguồn vui mới. Cha Hải "gà trống nuôi con", tuy rất thương đứa con côi cút nhưng dù gì cũng là đàn ông, sự quan tâm không thể đủ đầy như người mẹ. Người cha quan niệm rằng chỉ cần gắng sức làm lụng để con không phải đói ăn khát uống, còn tương lai thế nào thì ông không tính đến.

Đứa trẻ gần như thất học, được một số bạn đồng trang lứa có đi học dạy lại chứ nên biết viết chút ít, đánh vần được những từ đơn giản. Trước khi trở thành giang hồ cộm cán với biệt hiệu "nghĩa địa", Hải là một đứa trẻ ngoan. Sáu, bảy tuổi đã biết làm mọi công việc nhà. Vài tuổi nữa thì đã theo cha ra nghĩa địa, phụ giúp đội thợ những việc nhỏ như nhổ cỏ, trồng hoa trên mồ mả. Nhiều đứa trẻ khác ở lứa tuổi của Hải vẫn còn mơ hồ nỗi sợ ma sợ quỷ.

Công việc đào thuê huyệt mộ thường diễn ra vào lúc trời còn chưa sáng, cái cảm giác âm u sẽ khiến những người yếu bóng vía phải rợn tóc gáy. Nhưng với cậu bé này, nghĩa địa như “ngôi nhà thứ hai”. Có lẽ vì thế mà Hải đào luyện được cho mình sự gan dạ hơn người. Cái đức tính ấy sẽ rất hữu ích nếu được đặt vào đúng nơi đúng lúc. Tiếc là với cậu bé, sự gan dạ lại được thể hiện trong cả quãng đời giang hồ lầm lạc.

doi-u-am-cua-ga-dao-mo-trot-gay-oan-voi-giang-ho

Nghĩa trang Văn Điển

Khoảng năm 16 tuổi, một biến cố khủng khiếp đã làm thay đổi cuộc đời thiếu niên Hải. Bấy giờ Hải đã đủ sức để làm những việc nặng nhọc ở nghĩa địa thay cha nên có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, người cha bắt đầu tìm đến rượu chè.

Thực ra hỏi một trăm người làm nghề đào huyệt thuê thì cả trăm người đều uống rượu, uống để chống lại cái lạnh lẽo nơi nghĩa trang, uống để quên đi một nỗi sợ mơ hồ. Cha Hải có con gánh vác thay công việc, ông từ uống ít đến uống nhiều hơn rồi dần trở thành "nát rượu".

Thường xuyên lang thang "chén chú chén anh" ở khu vực ga Văn Điển, chỉ cần uống vài chén là ông say, bấy giờ nỗi hận người vợ bội bạc tràn về, ông ngồi đâu là lèm bèm chửi đấy. Vô phúc, một ngày cha Hải nhè đúng lúc gã “đầu gấu” nhất nhì khu vực đi qua mà chửi. Ông chửi bâng quơ nhưng gã giang hồ lại chạnh lòng. Mà thực chất, thói giang hồ quen ứng xử bằng nắm đấm, đừng nói bị nghe chửi...

Gã "đầu gấu" tóm cổ đánh cha Hải như “giã cua trên thớt”. Ông lão dù từng là lực điền quen cày cuốc nhưng phần tuổi già, phần vì say nên không chống đỡ nổi. Trận đòn thù vô cớ này đã khiến ông quỵ ngã, ốm liệt giường liệt chiếu.

Dân cư sinh sống quanh khu vực ga chứng kiến vụ ẩu đả nhưng sợ "thế lực đen" của gã đầu gấu nên không dám báo chính quyền. Hải đưa cha về nhà chăm sóc, nhiều ngày trôi qua nhưng không thấy gia đình gã "đầu gấu" qua lại hỏi thăm gì. Thương cha đau đớn, nỗi hận thù mỗi lúc một chất chứa trong lòng Hải. Đáng ra phải báo chính quyền để đòi lại công bằng cho cha nhưng kém hiểu biết luật pháp, cậu trai đã chọn một phương pháp sai lầm.

Vụ trả thù của Hải đã khiến chấn động giang hồ địa phương. Giữa lúc gã "đầu gấu" đang ngồi nhậu nhẹt oai vệ cùng "đàn em", Hải một mình một chiếc "cuốc chim" (loại cuốc ngắn, nhỏ nhưng là hung khí rất nguy hiểm - PV) lao vào “tả xung hữu đột”.

Sức mạnh của anh đào huyệt thuê khiến đám du đãng không kịp bật dậy chống cự, đám "đàn em" chạy tán loạn, bỏ mặc "đàn anh" bị thương nằm lại. Hải không còn làm chủ được mình. Hai nhát cuốc vung lên, gã trai làng đã khiến kẻ "đầu gấu" vĩnh viễn phải ngồi xe lăn và không còn nhớ mình là ai nữa.

"Chưa đánh được người mặt đỏ như vang. Đánh được người rồi mặt vàng như nghệ". Gây án xong, Hải chạy về nhà, dìu cha bắt xe khách đi trốn. Chưa nghĩ sâu đến chuyện phải trả giá trước pháp luật, nhưng Hải biết nếu ở nhà sẽ không thể tránh được sự truy sát của đám đàn em gã "đầu gấu". Chẳng quen biết ai, Hải đành đưa cha đến ngõ Lò Lợn (phố Bạch Mai) ở nhờ một người họ hàng.

Đúng như dự đoán, nạn nhân là một "giang hồ số má" nên khi biết tin, một số "chiến hữu" của gã đã lồng lộn đòi "máu phải trả bằng máu". Dù gì vẫn chỉ là gã trai non nớt việc đời, trốn đến nhà họ hàng, Hải đâu biết đám "giang hồ" không mấy khó khăn để tìm ra tung tích của mình. Hơn một tháng sau, chúng đã dò ra được Hải đang làm bốc vác ở khu vực chợ Mơ. Vụ trả thù tàn khốc chỉ còn là vấn đề thời gian...

Giữa lúc ấy, một "đại ca" khét tiếng" trong giới du đãng Hà Thành, sống ngay trong ngõ Lò Lợn, vô tình cùng ngồi ăn ở một quán trong ngõ, nghe cha Hải kể chuyện, đã hứa sẽ ra tay cứu giúp. Vụ trả thù của "giang hồ" Văn Điển nhằm vào Hải đã được ngăn chặn kịp thời.

Gã "đại ca" đứng ra giải quyết tất cả các vấn đề cá nhân như tiền đền bù, thuốc men cho nạn nhân. Tuy nhiên, trách nhiệm trước pháp luật khi gây tội ác thì không thể trốn tránh. Được sự "tư vấn" của "ân nhân", Hải về địa phương đầu thú. Tuy gây tội ác nghiêm trọng nhưng là vị thành niên nên Hải chỉ phải chịu án 8 năm tù.

Ra tù năm 1996, Hải lập tức tìm về với "ân nhân". Quan niệm sai lầm về cái gọi là "trả nợ giang hồ" đã khiến Hải sa chân vào con đường tối. Với sự gan lì được tôi luyện những ngày làm việc ở nghĩa trang, Hải trở thành một dạng "sát thủ" dưới trướng "ân nhân" của mình. "Du đãng" Hà Thành bắt đầu biết đến cái tên Hải "nghĩa địa" từ lúc này.

Xuất phát điểm là trả nợ ân tình nhưng Hải ngày càng bị tiêm nhiễm bởi những thói hư tật xấu. Ma túy, "gái mú" và ảo tưởng "quyền lực đen" đã dần biến Hải thành tội phạm thực sự. Ngày càng lọc lõi trong các hoạt động tội ác nhưng nực cười là Hải "nghĩa địa" vẫn mù quáng "trả nợ" của mình.

Trong quãng đời giang hồ, Hải đã tham gia rất nhiều vụ đâm chém theo mệnh lệnh của "ân nhân", nhưng nếu bị bắt, gã tuyệt nhiên không hé răng, khăng khăng nhận mọi tội trạng về mình. Hơn 10 năm trời sau đó, Hải còn phải đi "bóc lịch" 3 lần nữa trong khi đại ca vẫn "bình yên vô sự".

Nhưng tội ác trước sau gì cũng phải trả giá, cách này hay cách khác. Năm 2008, vừa mãn hạn tù lần thứ 3, Hải cùng chiến hữu đi ăn nhậu tại một nhà hàng thuộc khu vực Tây Hồ mà không biết mọi di biến động đều đã lọt vào tầm ngắm của một băng nhóm đối địch.

Chờ nhóm Hải uống say mờ mắt, vụ thanh toán mới diễn ra chớp nhoáng. Hơn chục đối thủ bịt mặt kín mít với "hàng lạnh" lăm lăm trong tay lao vào đâm chém. Hải bị hàng chục vết thương, gục ngay tại bàn nhậu.

Hậu vụ việc, những di chứng thương tích khiến sức khỏe tàn tạ và đầu óc anh trai làng năm nào không bình thường nữa. Thời gian này, Hải thường xuyên phải chịu những đợt điều trị thần kinh nhưng có vẻ như bệnh điên mỗi lúc một nặng hơn. Gã về quê, thường lang thang trong khu vực nghĩa trang, lầm bầm nói một mình những điều không ai hiểu nổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại