Bỗng chốc trở thành thương binh
Khuôn mặt chăm chú lật giở từng bộ hồ sơ trong đống giấy tờ chất cao ngất, thi thoảng Trung tá Nguyễn Đức Chung nhíu mày rồi dùng tay xoa, vỗ nhẹ lên đỉnh đầu. Trung tá Chung, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 5, Công an Hà Nội mất 25% sức khỏe, trở thành thương binh hạng 3/4 sau lần bị người vi phạm giao thông lao thẳng xe máy vào người lúc đang làm nhiệm vụ dù anh đã ra hiệu lệnh dừng xe.
Sau khi công việc đã hoàn tất, anh Chung cười bảo: "Ngày mai trời sẽ có mưa hoặc giông đấy chú ạ. Mỗi khi trái gió, trở trời là anh lại bị nhức đầu do vết thương cũ tái phát". Cứ nghĩ là anh đùa nhưng không phải vậy. Ngay tối hôm đó về nhà xem dự báo thời tiết trên ti vi thấy báo ngày mai Hà Nội có mưa rào.
Khi nhắc lại chuyện cũ, anh Chung ngồi trầm ngâm, dường như sự việc anh bị kẻ đâm thẳng xe vào người xảy ra hôm nào lại hiện về trong anh.
Theo lời kể của anh Chung, hôm đó vào khoảng 12h30, khi tổ công tác Y1/141, Công an Hà Nội, do anh làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Vọng (địa phận phường Thịnh Liệt, Thanh Xuân), thì phát hiện một nam thanh niên đang điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính.
Nam thanh niên sau này được xác minh là Vũ Lê Hoàng (29 tuổi), quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trú tại ngõ Tức Mạc, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Tuy nhiên, Hoàng đã không những không chấp hành mà còn rú ga, lạng lách để bỏ chạy qua cả chốt thứ nhất và chốt thứ hai (tổ công tác chia làm 3 chốt). Lúc này, anh Nguyễn Đức Chung đang đứng trực tại chốt thứ ba, thấy nam thanh niên không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát nên anh đã lao ra cách mép đường 1 - 2m tiếp tục ra hiệu lệnh dừng xe. Bất ngờ Hoàng tăng tốc, rồi cả gan điều khiển xe máy đâm thẳng vào anh.
Cú đâm trực diện khiến anh Chung ngã đập đầu xuống đường, bất tỉnh, máu chảy ra từ tai, mũi ra khá nhiều. Đồng đội và nhân dân nhanh chóng đưa anh vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Sau đó anh Chung được chuyển đến bệnh viện 198 điều trị hàng tháng trời.
"Nam thanh niên đâm trực diện rất mạnh khiến cả người tôi bị hất tung lên cao rồi văng ra xa hơn 2m, cả người ngã xuống đường với tư thế nằm úp, đầu đập xuống nền đường, máu chảy ra cả tai và mũi rồi tôi ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện, vây xung quanh là đồng đội và cả vợ con tôi còn đang khóc nấc lên”, anh Chung nhớ lại.
Anh Chung kể tiếp: "Sau này, nghe đồng đội kể lại, lúc thấy tôi bị đâm mạnh, rồi đập đầu xuống nền đường bất tỉnh, máu chảy ra nhiều nên có người nghĩ là tôi đã chết. Thậm chí nhiều người dân đi trên đường thấy vậy cũng tưởng tôi đã chết nên vứt lại tiền lẻ mong cho người chết được siêu thoát".
Khi được hỏi, vì sao thấy nam thanh niên manh động như vậy mà anh vẫn cương quyết không cho chạy thoát, anh Chung chia sẻ: "Nhiệm vụ của người công an là bảo vệ sự yên bình cho người dân, nếu để người đó chạy thoát sẽ gây tai nạn cho nhiều người khác nên tôi đã cương quyết bắt dừng lại dù biết trước là kẻ đó sẽ đâm xe máy vào người mình".
Cả gia đình sống trong căn nhà 17m2
Gần 30 năm công tác trong ngành công an, trải qua các nhiệm vụ khó khăn ở nhiều đơn vị nhưng đối với anh Chung đó là điều rất vinh dự. Hàng ngày, sau khi hết giờ làm việc tại cơ quan, trước khi về nhà, anh thường đi kiểm tra các chốt có cán bộ, chiến sỹ của cơ quan đang trực để nhắc nhở, kiểm tra anh em làm việc.
Tôi theo anh Chung trở về căn nhà rộng chưa đầy 17m2, được bày trí khá đơn giản, nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngoằn nghoèo ở phố Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, khi thành phố đã lên đèn. Thấy vợ đang vội vã chuẩn bị cho bữa tối, anh Chung cởi bộ quân phục bám đầy bụi đường rồi vào giúp một tay. Như thường nhật, anh chị chờ 2 cô con gái đi học về rồi ăn cơm.
“Mỗi khi có khách đến nhà tôi rất ngại vì nhà quá chật chội, nhiều khi anh em bạn bè muốn đến nhà chơi nhưng cũng không có chỗ để ngồi”, anh Chung thổ lộ.
Với anh Chung, giờ phút nghỉ ngơi hôm nay là để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau, một ngày làm việc mới của người thương binh giữ bình yên cho nhân dân trên những tuyến đường.