“Đổi tên QL 1A thành QL Võ Nguyên Giáp là ý tưởng hay...”

Ban Biên tập |

(Soha.vn) - Đó là ý kiến của ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm VPQH trong buổi giao lưu trực tuyến quốc tế "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân" do Báo Trí Thức Trẻ tổ chức.

- Sự ra đi của tướng Giáp theo ông nước nhà mát mát điều gì lớn nhất? Lan Anh, 23 tuổi, Hà Nam.

- Theo tôi, đất nước chúng ta và nhân dân chúng ta mất đi một thần tượng vĩ đại. Nhân dân ta, tự đáy lòng mình đã duy tôn Đại tướng Võ Nguyên giáp là một con người vĩ đại,  là một trong những học trò xứng đáng nhất của Bác Hồ. Tuy nhiên, nói đến sự mất mát thì chúng ta cũng cần thiết nói đến những cái được qua sự kiện này.

Phải nói rằng, đây là thời điểm lịch sử mà tất cả mọi người dân Việt Nam từ trong nước đến nước ngoài xiết chặt tay nhau trong một ngôi nhà Việt Nam ấm áp. Thế giới có thể thấy rằng, đây là thời điểm lịch sử mà mọi người dân Việt Nam đồng tâm, nhất trí; hào khí Việt Nam dâng trào cao nhất.

- Tang lễ của Đại tướng là một trường hợp hiếm có, thể hiện lòng tôn kính của người dân dành cho bác. Thưa ông, ông có thể cho biết ông có tâm sự gì khi chứng kiến cảnh tượng vậy? - Bùi Hương, 54 tuổi, Quảng Bình.

- Tôi theo dõi đầy đủ từ đầu cho đến kết thúc sự kiện lịch sử này. Bằng những tình cảm xúc động nhất tự đáy lòng, từ trái tim của mỗi con người Việt Nam đã tự nguyện xếp hàng nghiêm chỉnh, không quản khí trời nóng bức, dù phải đợi chờ đến cả chục giờ đồng hồ vẫn kiên trì đến cùng để đến thắp nén nhang kính dâng lên Đại tướng. Tất cả điều đó đã cho tôi hiểu rằng, tình cảm của cả dân tộc đối với Đại tướng là vĩ đại, xứng đáng với tầm vóc của một vị tướng mang tầm vóc của Việt Nam và của thế giới qua mọi thời đại.

Tôi tự hào về Đại tướng, tôi tự hào về đất nước Việt Nam đã có một người con vĩ đại đến thế

 

- Đại tướng có ảnh hưởng tới suy nghĩ, cách sống của cá nhân ông không? - Bác Lê Minh, 65 tuổi, Hà Nội.

- Tôi có may mắn được đi theo cha và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp từ thời niên thiếu ở chiến khu Việt Bắc. Tôi đã có một số lần được gặp Đại tướng.

Tôi và chị Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng là những học viên của trường Thiếu Sinh quân Việt Nam. Được tiếp xúc với bác, tôi thấy ở con người bác Giáp có một nghị lực phi thường, cốt cách thanh cao, lối sống giản dị và gần gũi với mọi người.

Chính vì vậy, cho nên tấm gương của Đại tướng đã tác động đến tôi và đồng đội của tôi rất nhiều. Lớp trẻ chúng tôi từ hồi đó sau này đã trưởng thành và là những cán bộ cốt cán của đất nước trong các lĩnh vực như đồng chí Vũ Khoan, Lê Xuân Tùng, Trần Đình Hoan, Vũ Quốc Hùng, Ma Văn Kháng, Đặng Nhật Minh…

Bản thân tôi, luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ cũng như sự dạy bảo của Đại tướng nên đã phấn đấu không ngừng, học hỏi và cải thiện bản thân để trở thành người cán bộ tốt, có ích cho nhân dân, cho đất nước. Đặc biệt, khi đảm nhận cương vị Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tôi luôn mang tấm gương của Bác Hồ, Bác Giáp và những thế hệ cha anh đi trước để truyền đạt thế hệ trẻ sống sao cho xứng đáng là thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.

Bây giờ, tôi đã nghỉ hưu và khi nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi thấy mình không có gì phải hối tiếc. Những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi vẫn luôn tâm nguyện rằng: Hãy sống cho xứng đáng là một chiến sĩ cách mạng, là học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


	Các vị khách trong buổi giao lưu tại Hà Nội.

Các vị khách trong buổi giao lưu tại Hà Nội.

- Cảm xúc của ông khi nhận được bức thư đặc biệt của Đại tướng vào tháng 6/1987, khi ông còn là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên? - Phương Anh, sinh viên ĐH.

- Trước hết, tôi cảm ơn bạn Phương Anh đã quan tâm đến câu chuyện tôi đã kể về bức thư mà Đại tướng đã gửi cho tôi. Đối với tôi, đây là một kỉ niệm đặc biệt vì: Thứ nhất, Đại tướng dù bận trăm công ngàn việc mà vẫn nhớ tới tôi để giao nhiệm vụ.

Thứ hai, Đại tướng rất quan tâm đến phong trào của thanh niên Việt Nam. Tại thời điểm đó, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà là một trọng điểm, là một cứu cánh để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công trường đó được mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Chính vì thế, phong cách của những người lao động trên công trường phải là phong cách của những người Cộng sản. Ở thời điểm đó, toàn công trường phải quyết tâm vượt qua đỉnh lũ 81 nhưng khó khăn chồng chất khó khăn, nếu không có quyết tâm sẽ không thể đạt được mục tiêu đó.

Chính bức thư của Đại tướng đã khích lệ chúng tôi, như một mệnh lệnh giao nhiệm vụ. Và tinh thần cố gắng của mọi người trên công trường, chúng tôi đã hoàn thành được mục tiêu - tiến độ đã đặt ra.

- Theo quan điểm của ông, nên chọn con đường nào ở Hà Nội để đặt tên là Đường Võ Nguyên Giáp? Có người đề xuất là chọn Quốc lộ 1A đổi tên thành Quốc lộ Võ Nguyên Giáp, cá nhân ông thấy có đồng tình không? - Hương Thảo, 45 tuổi, cán bộ ngân hàng.

Tôi rất đồng tình với việc ở Hà Nội sẽ có đường mang tên Võ Nguyên Giáp, xứng tầm với tên tuổi của Đại tướng.

Có người đề xuất là chọn Quốc lộ 1A đổi tên thành Quốc lộ Võ Nguyên Giáp, tôi thấy đây là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu trong một tổng thể và cần lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

- Thưa ông, đức tính nào ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông cảm thấy khâm phục nhất? Theo ông các bạn trẻ ngày nay có thể học được gì từ Đại tướng? - Minh Trí, Cần Thơ.

Theo tôi, Đại tướng có những đức tính đáng quý:

Thứ nhất: Đại tướng là người có nghị lực phi thường: Ngay từ thời niên thiếu, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng bác đã vượt lên tất cả để học tập tốt và đạt tới trình độ Cử nhân Luật. Việc bác là một thầy giáo dạy Sử cũng thể hiện sự quyết tâm cao để có đủ kiến thức truyền đạt cho học sinh. Rất nhiều những học sinh sau này đã trưởng thành và có nhiều công lao đóng góp cho đất nước mà vẫn nhớ như in từng lời dạy của Đại tướng.

Biểu hiện cao nhất của nghị lực này đã được bộc lộ trong trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Như Đại tướng đã từng nói: Đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời. Những quyết đoán quan trọng đó đã tạo nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ: “Vang động năm châu, chấn động địa cầu”.

Thứ hai là sự khiêm tốn:

Tôi hiểu được rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn rèn luyện cho mình có một đức tính khiêm tốn, vì đó là đức tính của người Cộng sản chân chính. Như Lê- nin đã từng có câu nói nổi tiếng: Bệnh kiêu ngạo là nguy cơ lớn nhất đối với những người Cộng sản.

Bác Hồ nói: Những người Cộng sản là công bộc của dân.

Tôi cho rằng Đại tướng là người đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Lê – nin cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nên suốt cuộc đời của bác, bác luôn gắn bó, gần gũi với nhân dân.

Thứ ba:  Sự trong sáng trong đạo đức Bác Giáp đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước. Bác là một tấm gương về sự liêm khiết. Nói điều này tôi liên tưởng tới tình hình hiện nay, tệ nạn tham nhũng vẫn tồn tại rất nặng nề. Vì thế, đây là một vấn đề thời sự. Và để thể hiện sự tiếc thương đối với bác Giáp, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có chức có quyền cần phải noi theo tấm gương của bác.

- Người dân đã tôn sùng Đại tướng như một vị Thánh, vị Thánh trong lòng dân, sưởi ấm trái tim hàng vạn con dân Việt cũng như những người yêu mến trên toàn thế giới. Theo quan điểm của ông, Đại tướng lại có thể khiến nhiều người yêu mến đến như vậy và Đại tướng có xứng đáng là một vị Thánh không, tương tự như Đức Thánh Trần Hưng Đạo chẳng hạn?  - Long  Vũ, Thanh Hóa.

-  Trong lịch sử của dân tôc, Trần Hưng Đạo được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần dù không qua bất kỳ một thể thức nào của nhà nước. Và chúng ta thấy sự suy tôn của nhân dân là hoàn toàn đúng đắn.

Ngày nay, nhân dân ta và bạn bè quốc tế cũng suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy. Tôi thấy đây là một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Trong thời bình, Quốc Hội có tiếp thu được nhiều ý kiến góp ý của Đại tướng không, đã thực hiện và chưa thực hiện được những điều gì mà Đại tướng mong mỏi? - Bạch Dương, 19 tuổi, Hà Nội

Quốc hội của chúng ta được nhân dân tôn trọng và ủng hộ bởi sự đổi mới trong mấy chục năm qua.

Là một trong những người có trách nhiệm chính trong công tác của Quốc hội, nhiều năm qua, tôi luôn giữ mối quan hệ với Đại tướng. Đặc biệt là những dịp kỉ niệm của cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6/1/1946) chúng tôi thường đến gặp Đại tướng để ghi lại những kí ức oanh liệt và bài học của ngày đó.

Đại tướng là một trong những Đại biểu Quốc hội nhiều khóa và lâu năm nhất của Việt Nam (từ khóa 1 – 7). Sau này, khi Đại tướng không còn là Đại biểu Quốc hội nữa thì chúng tôi vẫn thường xuyên mời Đại tướng tham dự như một vị khách danh dự và luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của Đại tướng.

- Từng làm Chủ nhiệm VP Quốc hội, ông có nhớ Đại tướng có bao giờ từng nói với Quốc hội về vấn nạn tham nhũng  chưa? - Bình Minh, 34 tuổi, Nghệ An.

Có chứ. Đại tướng nói rất nhiều lần và lần nào cũng bằng một tấm lòng tha thiết và sự đòi hòi Quốc hội phải có những đóng góp thiết thực vào việc chống tham nhũng của đất nước.

Vấn nạn tham nhũng hiện nay vẫn tồn tại rất nghiêm trọng. Tôi cho rằng, đó là sự băn khoăn không chỉ của Đại tướng mà còn của rất nhiều Đại biểu khác. Chính các Đại biểu Quốc hội cảm nhận được sâu sắc trách nhiệm của mình và tự thấy phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc chống tham nhũng.

- Trong các lần nói chuyện với Đại tướng, ông đã học hỏi được những gì tư những câu chuyện của đồng chí Võ Nguyên Giáp? - Cư Đức, lớp 11 trường Trần Hưng Đạo.

Tôi vinh dự được nhiều lần nói chuyện với Đại tướng. Tôi thấy Đại tướng là người rất chân thành, cới mở và quan tâm tới tất cả những vấn đề của đất nước. Đặc biệt, khi tôi là Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên, Đại tướng rất quan tâm đến vấn đề rèn luyện thế hệ trẻ.

Khi tôi báo cáo với Đại tướng về mô hình đào tạo của trường Thiếu sinh quân từ thời kháng chiến chống Pháp, với những bài học rất quý báu thì Đại tướng rất vui. Tôi nói rằng, chính Đại tướng đã ký quyết định thành lập trường Thiếu sinh quân Việt Nam đã tạo cơ hội cho chúng tôi học tập và trưởng thành như ngày nay. Chúng tôi rất biết ơn Đại tướng thì Đại tướng cười vui nói rằng: Đây là tư tưởng của Bác Hồ đấy,  còn bác chỉ là người thực hiện thôi. Tôi rất xúc động vì câu nói đó của bác Giáp. Bác Giáp còn nói với tôi rằng, ngày nay cần nghiên cứu mô hình của trường Thiếu sinh quân để tìm ra những  phương thức đào tạo phù hợp và có hiệu quả nhất.

- Xin hỏi ý kiến ông Vũ Mão: Là người dân, tôi thấy Cụ Giáp được cả dân tộc tôn kính, không có Cụ chúng ta chẳng có cuộc sống hôm nay, liệu nhà nước có xây nhà tưởng niệm, đặt tên đường, đúc tượng Cụ, đặt tên công trình... để con cháu đời đời ghi nhớ công ơn, ân đức của Cụ không? Xin cám ơn. - Độc giả Lê Nam.

Tôi nghĩ đây là những việc làm rất cần thiết. Qua kinh nghiệm của các nước trên thế giới, những nhà tưởng niệm, những con đường, đúc tượng,... được làm rất nhiều. Nó có tác dụng như một thông tin, một tín hiệu để giúp cho lớp trẻ nhớ công lao của các thế hệ cha ông đi trước. Đó cũng là một biểu hiện của một đất nước văn minh.

Tại Việt Nam, chúng ta đã làm nhưng chưa được nhiều. Trong thời gian tới, tôi nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này.

- Thưa các ông, với cá nhân tôi, nỗi đau thương cùng chung tự hào về tinh thần quốc gia, dân tộc như trong hơn 1 tuần vừa qua vẫn rất rõ ràng, trọn vẹn. Quả thực, tôi cũng lo lắng rằng khi sự kiện này qua đi, mọi thứ lại trở lại như cũ. Phải làm thế nào kết tụ toàn dân, phát huy được sức mạnh toàn dân, cơ chế nào để phát huy sức mạnh toàn dân sau sự mất mát TƯỚNG GIÁP, hay dân tộc phải ngồi tiếp tục chờ đợi một cách đầy may rủi sự xuất hiện của các lãnh tụ kiệt xuất? -  Bạn Phạm Hưng.

Tôi rất hoan nghênh và đồng tình với ý kiến của bạn. Theo tôi cần phải làm một số việc sau:

+ Nhân cơ hội này, dấy lên một phong trào học tập đạo đức của Đại tướng: lý tưởng, lối sống, nghị lực, lòng kiên nhẫn…và tốt hơn nữa là gắn phong trào học tập Đại tướng với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

+ Tôi đề nghị Ban bí thư Trung ương đoàn cần có chủ trương, hình thức để phát động trong lớp trẻ việc học tập tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại