Đòi nợ thuê (kỳ 2): "Đại ca" sinh viên tranh thủ kiếm tiền tiêu Tết

H.Sơn |

(Soha.vn) - Có một điều ít ai ngờ đến đó là không chỉ dân giang hồ cộm cán mới làm dịch vụ đòi nợ thuê mà ngay cả sinh viên cũng tham gia làm công việc này khi cảm thấy “đủ trình” – từ mà dân đòi nợ thuê hay dùng.

Nghề “hot” của sinh viên

Nhìn vẻ bề ngoài bặm trợn, tóc húi cua, tay xăm trổ hình xăm bọ cạp, không ai nghĩ Hùng đang là… sinh viên năm cuối Viện ĐH Mở Hà Nội. Với 4 năm học trên Hà Nội, thì Hùng có đến 2 năm “kinh nghiệm” với nghề… đòi nợ thuê.

Theo lời kể của Hùng thì mình đến với nghề đòi nợ thuê chủ yếu do tò mò, sau thì thấy “kiếm cũng được” nên đã theo luôn. 

Hùng cho biết, một vài lần ngồi quán nước ở đầu cổng trường đã gặp một số dân “anh chị” cũng ra ngồi uống nước và ghi lô đề. Qua vài lần nói chuyện, Hùng xin số điện thoại và thỉnh thoảng rủ đi nhậu.

Với Hùng, đòi nợ thuê là một nghề, vừa có tiền, lại vừa để
Với Hùng, đòi nợ thuê là một nghề, vừa có tiền, lại vừa để "khẳng định bản lĩnh" với bạn bè.

Với Hùng, kết giao với dân “anh chị” lúc đầu chỉ do tò mò và để “giải quyết khâu oai”: “Mình là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội học, thân cô thế cô. Chơi với dân anh chị để thỉnh thoảng “có chuyện” còn nhờ giúp đỡ. Ngoài ra, thấy mình chơi thân với đám “anh chị”, bọn khác “gờm”, không dám làm gì”.

Cũng theo Hùng, từ chỗ kết giao, Hùng đã được một số anh chị “tin dùng” và rủ “làm ăn” chung trong một số phi vụ đòi nợ thuê.

“Ban đầu thì sợ lắm, nhưng sau thì quen dần. Tôi nhớ vụ đầu đi đòi nợ thuê là một tay nợ tiền đánh lô hơn 20 triệu nhưng không trả. Sau nhiều lần gọi điện, nhắn tin không thành, tôi cùng với mấy người nữa hẹn đến quán café để… giải quyết. Sau lần đấy tay này sợ xanh mắt, hai hôm sau phải trả hết số tiền”, Hùng thản nhiên kể.

Cũng theo Hùng, công việc đòi nợ thuê có vẻ “nhàn nhã” hơn các việc khác mà sinh viên hay làm thêm, vừa nhanh có tiền lại vừa được bạn bè… nể. Đây được xem là nghề “hot” của sinh viên và không phải sinh viên nào cũng làm được. Phải có “máu liều” và có “quan hệ tốt” với các “anh chị”.

“Tuy nhiên làm thêm bằng nghề này cũng dễ bị “tèo”, có thể bị nhà trường đuổi học, thậm chí bị tù như chơi nếu làm không khéo, bị công an “sờ gáy” khi phát hiện”, Hùng tiết lộ.

Kiếm tiền tiêu Tết

Không có “thâm niên” trong “nghề” đòi nợ thuê như Hùng nhưng Tùng “liều” – sinh viên năm cuối trường ĐH Xây dựng lại được dân “anh chị” đòi nợ thuê “tin cậy” bởi độ… liều lĩnh của mình. Biệt danh “liều” của Tùng cũng được chính dân “anh chị” đặt cho.

Vào những ngày cận kề Tết Nguyên Đán, khi một số sinh viên ở lại Hà Nội tranh thủ kiếm việc làm thêm để lấy tiền về quê và tiêu Tết thì Tùng “liều” cũng ở lại Hà Nội để làm thêm. Tuy nhiên, công việc của Tùng thì ai mới nghe nói đến cũng “sởn gai ốc”: xách mã tấu với anh chị đi đòi nợ.

“Dịp cuối năm là cơ hội làm ăn của dân đòi nợ thuê, khách đông hơn ngày thường. Gặp được vụ “trúng mánh” thì khoản tết nhất không phải nghĩ”, Tùng cho biết. 

Sau mỗi vụ “theo chân” các đàn anh đi đòi nợ, nếu thành công Tùng “liều” lại được chia chác một khoản. Có vụ, Tùng “liều” được đàn anh chi cho hàng chục triệu đồng. Nhưng theo Tùng “liều” thì số tiền kiếm được thường không giữ được lâu, lại tiêu xài hết ngay sau đó.

Tình trạng phạm tội trong giới trẻ ngày càng đáng báo động (Ảnh: Ngày 16/1, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Phạm Minh Chí (SN 1995, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) và Bùi Duy Mạnh (SN 1996, trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để điều tra, làm rõ về hành vi Bắt giữ người trái pháp luật và liên quan đến đòi nợ thuê).
Tình trạng phạm tội trong giới trẻ ngày càng đáng báo động (Ảnh: Ngày 16/1, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Phạm Minh Chí (SN 1995, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) và Bùi Duy Mạnh (SN 1996, trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để điều tra, làm rõ về hành vi Bắt giữ người trái pháp luật và liên quan đến đòi nợ thuê).

“Làm nghề này cũng nguy hiểm lắm. Về lâu dài phải bỏ thôi, nếu sa vào dễ đi “chăn kiến” (tức ngồi tù) lắm, bóc “vài quyển” như chơi”, Tùng “liều” tâm sự.

Ngoài việc kiếm tiền như Tùng “liều”, Long “xoăn” – cựu sinh viên trường Cao đẳng GTVT lại tìm đến “nghề” đòi nợ thuê vì một lý do khác: thất nghiệp và thất tình. Đang lúc chán nản thì có bạn rủ “nhập bang”, thế là Long đồng ý.

Long “xoăn” cho biết, “nghề” đòi nợ thuê ngoài việc “giải quyết vấn đề khó khăn tài chính” còn giúp mình có cơ hội để thử “bản lĩnh”, sống… mạnh mẽ hơn.

Qua tìm hiểu được biết, nhiều sinh viên nam của một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đã “sa chân” vào “nghề” đòi nợ thuê, mà phần lớn cách thức của các vụ đòi nợ thuê này đều là vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên tìm đến nghề thuộc “mặt trái” của xã hội này có nhiều: vì túng thiếu nên buộc phải kiếm tiền, vì ăn chơi nên cần tiền, vì giao du với những đối tượng “anh chị”, vì muốn “thử bản lĩnh”,…

Tuy nhiên, dù vì bất cứ lý do gì đi nữa thì thực trạng trên rất đáng báo động, cần phải có biện pháp ngăn chặn và dẹp bỏ. Bởi nếu không thì đây chính là “mảnh đất” tạo cơ hội cho việc phạm tội và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại