“Sau năm 2015, hệ thống chương trình Giáo dục phổ thông sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn”. GS Đinh Quang Báo (thành viên Ban soạn thảo Đề án Cải tiến nội dung chương trình, sách giáo khoa) chia sẻ
Đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa là một đòi hỏi cấp thiết trong hệ thống giáo dục phổ thông. Vậy sau năm 2015, giáo dục phổ thông sẽ thay đổi như thế nào?
Giảm tải chương trình, tăng kỹ năng
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội thảo quốc tế về xây dựng, phát triển chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Các ý kiến tại Hội thảo tập trung bàn về việc cải tiến chương trình, sách giáo khoa tập trung phát triển kiến thức hay năng lực của học sinh.
Giáo dục Việt Nam sau năm 2015 sẽ được đổi mới theo hướng rèn luyện kĩ năng khác biệt cho học sinh là chính.
GS Đinh Quang Báo- nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội (Ban soạn thảo Đề án Cải tiến nội dung chương trình, sách giáo khoa) cho biết giáo dục phổ thông đang tập trung trang bị cho học sinh một khối lượng kiến thức và làm cho nó quá tải. GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng “những kiến thức ấy mang tính hàn lâm và khả năng ứng dụng rất ít”.
Chỉ khi nào học sinh được dạy cách vận dụng kiến thức ấy trong thực tiễn và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn thì lúc lúc đó mới trở thành những kiến thức sống, kiến thức vốn có của học sinh.
Vì vậy, để xóa bỏ tình trạng bất hợp lý đó, GS Đinh Quang Báo cho biết chương trình Giáo dục phổ thông cho giai đoạn sau 2015 theo định hướng phát triển năng lực người học.
Cụ thể: Năng lực học tập chung, cơ bản; năng lực tư duy; năng lực thu thập (tìm kiếm, tổ chức), xử lý thông tin; năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề; năng lực giao tiếp; năng lực hợp tác; năng lực tự quản lý và phát triển bản thân.
Cùng quan điểm này, ông Đỗ Đình Hoan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cũng cho rằng: Hệ thống các môn học và hoạt động Giáo dục phổ thông sau năm 2015 thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người”.
Đồng ý với việc chuyển từ dạy nội dung sang dạy kĩ năng nhưng TS Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vẫn tỏ ra băn khoăn: “Chuyển từ giáo dục nội dung sang kĩ năng là khác biệt lớn”.
TS Phương cũng cho rằng cần phải nhấn mạnh vấn đề phương pháp. Nếu không có thì tất cả những điều mong muốn chỉ nằm trên giấy tờ.
Bàn đến vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, ông Đinh Quang Báo cho biết: Sau năm 2015, hệ thống chương trình Giáo dục phổ thông sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn.
Sau năm 2015, hệ thống chương trình Giáo dục phổ thông sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn.
Giảm số môn học ở từng cấp học, tăng cường các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, cần phải khẳng định là giảm không phải là giảm tải, cắt giảm chương trình đơn thuần mà giảm là để tích hợp tốt hơn. Học sinh thu nạp được lượng tri thức rộng hơn, sâu hơn, nhiều hơn.
Trong nội dung cải tiến chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 có nội dung quan trọng được nhắc tới là việc tăng cường các môn học tích hợp.
Ông Đinh Quang Báo phân tích: Giáo dục tích hợp trong chương trình này không đơn giản coi là một phương pháp dạy học, mà là hình thành ở học sinh nội dung tri thức tích hợp, năng lực tích hợp khi nhận thức, khi giải quyết một vấn đề khoa học hay vấn đề thực tiễn, đời sống.
“Chẳng hạn ta sẽ tích hợp môn Lịch sử với Giáo dục Công dân. Tích hợp không được coi là tăng tải và cũng không được làm quá tải chương trình”. Ông Báo nhấn mạnh
Chia sẻ tại buổi hội thảo, GS Nguyễn Viết Thịnh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lại cho rằng: “Thực tế nhiều năm qua các môn học đã được thiết kế dựa trên năng lực học sinh như tiếng Anh, thể dục, nghệ thuật.
Muốn theo những quốc gia như Singapore, dạy giáo trình phát triển năng lực cho học sinh không đơn giản bởi điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất chưa cho phép. Như vậy sẽ bỏ đi nhiều cái hay mà các giáo sư đã dày công viết ra”.
Giữ nguyên 12 năm học phổ thông
GS Đinh Quang Báo cũng chia sẻ: Giáo dục phổ thông sau 2015 dự kiến là 12 năm với cơ cấu: Tiểu học là 5 năm (từ lớp 1 đến lớp 5), độ tuổi từ 6 đến 11; THCS: 4 năm (từ lớp 6 đến lớp 9), độ tuổi từ 12 đến 15; THPT: 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12), độ tuổi 16 đến 18.
Từ năm học 2016-2017 đến 2021-2022, chương trình, SGK phổ thông sau 2015 sẽ được tiến hành thử nghiệm và dạy đại trà.
Tuy nhiên, tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng nên cắt bớt thời gian học phổ thông, xuống dưới 12 năm. Những đại biểu này cho rằng, học sinh ngày nay ngày càng giỏi hơn do được tiếp xúc với nhiều nguồn kiến thức khác nhau, nên thời gian giáo dục phổ thông không cần quá dài.
Một đại biểu khác lại nhấn mạnh thời gian 12 năm là phù hợp, không thể đốt cháy giai đoạn. Vị này lập luận rằng, giáo dục phổ thông không những là bước đệm cho học sinh bước ra ngoài cuộc sống mà còn đây chính là giai đoạn giúp học sinh trải nghiệm cuộc sống.