Lễ dựng nêu tại hoàng cung Huế được TTBTDT cố đô Huế phục dựng vào ngày 23 tháng Chạp. Đây là hoạt động có tính nghi thức nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn, đồng thời tạo ra không khí vui tươi vào dịp Tết Nguyên đán.
Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề.
Đội rước khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào hoàng cung, đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu.
Theo huyền sử truyền tụng trong dân gian thì nguồn gốc lễ dựng nêu thiên về Phật giáo. Phật dạy dân dựng cây tre cao, trên đó treo chuông, khánh, phướn trồng cây trước nhà… để đẩy lùi ma quỷ.
Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người ta thường làm lễ “Thướng tiêu” (dựng cây nêu) để báo hiệu ngày tết đã tới.
Mục đích ban đầu là để mừng Tết, rồi sau đó cúng thần linh phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Theo cổ tục đến ngày 25 tháng Chạp, triều đình không tiếp nhận văn thư, không đóng dấu nữa, ngày này làm lễ khóa ấn (cất ấn triện) và dựng nêu (Thướng tiêu).
Dưới triều Nguyễn, nghi thức dựng nêu là dùng cây tre trên đó lấy tranh kết bốn dọc ngang, treo một cái sọt bên trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào …để cúng thần linh.
Tại Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Nghi thức dựng nêu được cử hành nghiêm trang.
Sau phần nghi thức lễ, 10 lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên.
Khi cây nêu lấp ló trên những bức tường thành của chốn hoàng cung xưa, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu ăn Tết.