Ai đã từng một lần qua thôn Đụn Dương (thị trấn Liên Quan, Thạch Thất, Hà Nội) chắc sẽ không quên được hình ảnh của những cổng làng, đình chùa, bờ ao, giếng nước, nhà cửa, tường bao, lư hương… với lịch sử hàng trăm năm được xây nên từ hàng vạn viên đá ong vàng nâu. Đây là loại đá được hình thành lâu dài nhờ tác dụng của quá trình kiến tạo địa chất ở vùng có nhiều sắt chứa trong nước ngầm.
Trước đây, làng Đụn Dương được bao bọc bởi 21 cái ao, ở giữa là cái gò và có tên cổ là làng Đồn Dương. Và cũng xuất phát từ 21 cái ao bao bọc, che chắn cho làng ấy mới có tên gọi Đụn Dương như ngày nay.
Những thăng trầm của lịch sử, những kiến tạo của thiên nhiên có thể làm “vơi” đi những công trình được xây dựng nên bằng đá ong. Nhưng giá trị lịch sử và những câu chuyện xung quanh loại đá đã tạo nên nét văn hóa rất riêng trong các công trình kiến trúc của vùng Xứ Đoài thì vẫn còn nguyên vẹn.
Mỗi khi đứng trước những công trình được xây bằng đá ong ấy, ông Vũ Văn Vấn (SN 1942), trưởng ban Khánh tiết thôn Đụn Dương lại hoài niệm về những năm tháng mình đã từng ăn cơm độn sắn để đi khai thác đá ong, cái nghề nặng nhọc nhất trong những nghề lao động chân tay.
Và ông kể chúng tôi nghe những câu chuyện, những sự tích của làng còn lưu lại vết tích cho tới ngày nay… Nổi bật trong đó là câu chuyện về 4 giếng nước là 4 bước chân của Trạng giáng trần. Tất cả cũng đều được bao bọc bởi đá ong...
Tới thôn Đụn Dương không khó để tìm được những ngôi nhà cấp 4 xây bằng đá ong. Hiện nay ở làng còn 4 ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi được xây hoàn toàn bằng đá ong.
Loại đá có kích thước 20x40 là đá to nhất. Ông Vấn cho biết, đó là đá để kiếm gạo nhưng thời ông còn đi khai thác loại đá này thì người dân ít mua mà chủ yếu phục vụ cho bộ đội.
So với thời xưa, số lượng nhà ở thôn Đụn Dương làm bằng đá ong không giảm nhiều. Chỉ có một số nhà mái bằng là làm bằng gạch còn đa số nhà cấp 4 vẫn được xây bằng đá ong.
Những cột xây bằng đá ong ngày trước gọi là tứ trụ triều đình: quan văn, quan võ. Trong đó có hai trụ cái và hai trụ con. Riêng hai trụ con chỉ là tượng trưng nên không có con giống.
Con giống trên hai trụ cái được ông Vấn nhắc tới đó là bộ tứ quý "Long, Ly, Quy, Phượng" được tạo nên từ những mảnh bát vỡ được người dân sưu tầm mang về.
Họ đập nhỏ những mảnh bát đó ra, sau đó đắp xi măng thành từng hình con giống. Ví dụ con giống nào cần mầu gì họ dán màu đó. Có con màu trắng, có con màu tím. Màu nào thì cần loại bát màu đó.
Điều đặc biệt là ở đây có 4 chiếc giếng mà nhiều đời kể lại thì đó là 4 bước chân của Trạng giáng trần còn lưu sót lại.
Năm 1953 là năm kiến tạo và xây lại, sửa lại những chiếc giếng có hình chân Trạng ấy. Và để có tiền tu sửa, làng Đụn Dương tổ chức thu tiền của dân dưới hình thức nộp cheo.